Chốt tuần trước, giá dầu WTI tăng gần 1% lên 79,74 USD/thùng, giá dầu Brent tăng gần 2% lên ngưỡng 87,96 USD/thùng.
Cả hai chỉ số giá dầu đã có tuần tăng điểm đầu tiên trong năm tuần gần nhất.
Đồng USD suy yếu trong tuần vừa qua sau động thái can thiệp thị trường của Ngân hàng trung ương Anh (BoE), đẩy giá của nhiều loại hàng hóa lên cao hơn, trong đó có dầu.
Nhưng liệu đồng bạc xanh có tăng giá trở lại trong tuần tới? Câu trả lời là có thể. Một số quan chức của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong tuần trước lên tiếng ủng hộ các bước tăng lãi suất lớn nhằm kéo giảm lạm phát. Điều này giúp đẩy giá đồng USD lên đỉnh mới của năm 2022 trước khi hạ nhiệt sau động thái của BoE.
“Một cuộc suy thoái không thể cản Fed tăng lãi suất”, Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester khẳng định. “Fed đã sai về mức độ nghiêm trọng của lạm phát. Do đó, hành động quyết liệt chính là điều Fed cần phải duy trì nhằm tránh phạm phải sai lầm”, bà nói.
Lạm phát tại Mỹ đang “rất cao” và Fed phải đưa chính sách tiền tệ vào vùng giới hạn trong một khoảng thời gian để có thể sớm đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu, Phó chủ tịch Fed Lael Brainard, nhận định.
Tâm điểm trong tuần tiếp theo là cuộc họp của OPEC+, dự kiến diễn ra vào ngày 5/10.
“Triển vọng nhu cầu dầu mỏ không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ dữ liệu kinh tế và báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thời gian gần đây”, Ed Moya, Chuyên gia phân tích tới từ OANDA. “OPEC+ sẽ có một nhiệm vụ tương đối đơn giản trong tuần tới. Nhưng giá dầu chưa nhận được hỗ trợ thực sự cho tới khi nào thị trường tự tin rằng tổ chức này sẽ mạnh tay cắt giảm sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, giá dầu Brent được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng dưới 90 USD/thùng”, ông nhận định.
Tuy nhiên, bất cứ kế hoạch cắt giảm sản lượng nào cũng trở nên “vô nghĩa” đối với thị trường dầu mỏ trong bối cảnh sản lượng thực tế của OPEC+ đang thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Theo một khảo sát của Reuters, các thành viên OPEC+ đã gia tăng sản lượng lên ngưỡng cao nhất kể từ năm 2020 trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn mục tiêu sản lượng trong chính tháng đó, điều không hề xa lạ trong nhiều tháng qua. Và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Theo Sunil Kumar Dixit, Giám đốc chiến lược kỹ thuật tại SKCharting.com, giá dầu ít có khả năng tăng trong tuần này.
Sau khi kiểm chứng ngưỡng giá 76,28 USD/thùng và không thể hồi phục về trên dải Bollinger trung bình hàng tháng 82,2 USD/thùng, đường chuyển động trung bình phân kỳ hội tụ lúc này cho thấy giá dầu tiếp tục đối diện với nguy cơ suy giảm. Bên cạnh đó, chỉ dấu stochastics hàng tháng 26/40 cũng cho thấy giá dầu vẫn còn dư địa đi xuống.
“Giá dầu WTI trước tiên có thể giảm về ngưỡng SMA 200 tháng 72,35 USD/thùng”, Dixit nhận định. “Thủng mốc này, WTI có thể tiếp tục tụt về ngưỡng EMA 50 tháng 70 USD/thùng”.
Giá dầu có cơ hội hồi phục về ngưỡng EMA 50 ngày 88,85 USD/thùng nếu vượt qua dải Bollinger trung bình hàng ngày 83,75 USD/thùng, ông chia sẻ.
“Tuy nhiên, nhìn chung, giá dầu vẫn nghiêng về xu hướng giảm. Hiện tại, ngưỡng 70-72 USD/thùng tương đối khả thi trong ngắn hạn, trong khi đó, mốc SMA 200 tuần 63,35 USD/thùng sẽ đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ trong dài hạn”, ông nhận định.
Cổ phiếu dầu khí giảm sâu, cơ hội nào cho nhà đầu tư?
Nhóm dầu khí lỗ ròng quý III: Nỗi lo giá dầu giảm sâu về 40 USD/thùng năm 2025