2 năm qua, bức tranh tài chính của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã tích cực trở lại; các mảng kinh doanh cũng dần định hình và những khoản lợi nhuận đã xuất hiện. Tuy vậy, hàng nghìn nhân sự đã chọn dời đi trên hành trình Bầu Đức đưa công ty vào guồng quay lãi trở lại...
Cách đây ít ngày, CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (Mã HAG - HOSE) đã thông báo việc chào bán bất thành 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cổ phiếu. Theo kế hoạch, số tiền 1.700 tỷ đồng thu về sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến giá cổ phiếu HAG trên thị trường không phù hợp với giá chào bán dự kiến (thấp hơn 30%), các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Phát hành ESOP... là điều chúng ta nên làm!
Tại ĐHCĐ thường niên sáng 28/4/2023, sau khi huy động vốn bất thành từ phát hành cổ phiếu riêng lẻ, HĐQT HAGL đã trình Đại hội kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với dự kiến là 20 triệu đơn vị - chiếm 2,16% số cổ phiếu đang lưu hành; giá phát hành là 7.500 đồng/cp.
Công ty cho biết, mục đích phát hành nhằm ghi nhận sự đóng góp và tạo động lực cho người lao động gắn bó và cống hiến trong tương lai. 50% lượng cổ phiếu trên sẽ bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành; nửa còn lại sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Một điểm đáng chú ý là phương án phát hành trên chỉ được triển khai 3 năm sau khi được Đại hội chấp thuận (túc từ 28/4/2026 trở đi).
Liên quan đến câu chuyện ESOP, cổ đông hỏi: "Cơ sở đề ra phương án phát hành ESOP trong 3 năm tới. Kế hoạch này có phù hợp không?"
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Cổ đông tham gia vào HAGL từ lâu cũng biết Công ty giờ chủ lực làm nông nghiệp, khác hoàn toàn các ngành tài chính lớn phải có người hi sinh. Phương án này không bao giờ thiệt cho cổ đông. Nếu nhân viên quyết tâm làm nâng cao năng suất sản lượng thì giá cổ phiếu sẽ tăng, cổ đông là người có lợi. Việc phát hành cổ phiếu cho người lao động đặc biệt người biết "hi sinh" sang Lào và Campuchia làm và thúc đẩy cho sự phát triển của HAGL. Để những người này cống hiến cho HAG lâu dài nên tôi đưa ra phương án này (phát hành cổ phiếu ESOP).
Có những công ty làm nông nghiệp lớn đang rất bấp bênh về nhân sự... nên nếu không có những khuyến khích với nhân sự đó thì rất khó. Tôi muốn phát hành ESOP cho những nhân sự tốt đó để họ gắn bó với HAGL lâu hơn. Đây là cái mà chúng ta nên làm!
Bổ sung thêm, ông Võ Trường Sơn - Tổng Giám đốc Tập đoàn phân tích, tỷ lệ phát hành chỉ chiếm 2% vốn điều lệ nên việc phát hành chỉ mang tính chất động viên giữ các cán bộ chủ chốt ở các dự án Lào, Campuchia.
Giàu - nghèo vẫn một cái tên
Trở lại với câu chuyện phát hành ESOP để khuyến khích, giữ chân người tài... đầu tiên cần nhấn mạnh rằng HAGL dù ở hiện tại hay trong quá khứ đều là một doanh nghiệp có tiếng, được nhiều người thuộc tên - nhẵn mặt. Thậm chí năm 2009 - với thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức từng trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt. Năm đó, vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng, Bầu Đức đã giành vị trí quán quân với khối tài sản 6.160 tỷ đồng.
Sau khi Tập đoàn Vingroup (Mã VIC) niêm yết, vị trí quán quân nhường lại cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Bầu Đức giữ vị trí thứ 2 trong nhiều năm.
Đến năm 2015, vị trí số 2 của ông Đức tiếp tục nhường lại cho ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG) trước khi Chủ tịch HAGL lần lượt suy giảm và không còn ghi nhận trong TOP 20 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Đây cũng là năm cuối trong chu kỳ kinh doanh có lãi của HAGL trước khi công ty rơi vào khủng hoảng nợ nần.
Năm 2017, bộ đôi cổ phiếu HAG, HNG phục hồi đã giúp Bầu Đức trở lại top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán...
Nhưng... xuyên suốt lịch sử hoạt động, với những lúc thăng trầm chìm nổi, cái tên HAGL và Bầu Đức chưa bao giờ hết HOT - nhất là khi ông Đoàn Nguyên Đức còn tham gia vào hoạt động kinh doanh thể thao (bóng đá với CLB Hoàng Anh Gia Lai).
Và... con số 52.806 cổ đông nắm giữ gần 927,5 triệu cổ phiếu HAG (số liệu chốt ngày 24/3/2023) đủ để minh chứng cho lập luận trên.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của HAGL |
Có thể nói, không có bầu Đức thì không có HAGL và ngược lại. Song phía sau câu chuyện thành bài của một doanh/một lãnh đạo luôn là những đóng góp thầm lặng của những chánh tướng/phó tướng, những giám đốc, quản đốc,... và người lao động.
Nhưng! Khi quân số bắt đầu "rau ngót"...
Nhìn lại biến động nhân sự tại HAGL, có thể thấy đây vẫn là một "cỗ máy khổng lồ".
Giai đoạn 2009 - 2015, với số lượng người lao động lên tới cấp sư đoàn/quân đoàn... và thị trường thì biết tới Bầu Đức như một trong 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.
Sau 2015, khi tình hình kinh doanh bắt đầu gặp khó, những khoản lỗ khủng xuất hiện và khối nợ tăng khổng lồ (có thời điểm nợ tới 36.100 tỷ năm 2016), "quân số" của HAGL bắt đầu "vơi đi". Đặc biệt, sau quyết định "bán con" - HAGL Agrico - cho Tập đoàn Thaco, số người lao động tại HAGL đến cuối năm 2022 đã giảm tới 93% về dưới mức 2.100 nhân sự.
Tạm gác lại những sai lầm về "sách lược/chiến lược" kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp, không thể không phủ nhận những đóng góp của người lao động trong 14 năm thăng trầm của HAGL. Đặc biệt, với quân số khiên tốn chỉ 2.448 người, tập đoàn đã có lần đầu báo lãi trở lại - mức 128 tỷ đồng năm 2021.
Sang năm 2022, con số lợi nhuận ròng HAGL thu về đã tăng gấp gần 10 lần lên mức 1.125 tỷ đồng với quân số thậm chí chỉ còn chưa đầy 2.100 người lao động.
Tại ĐHCĐ thường niên sáng 28/4/2023, HAGL đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 5.120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỷ - đi ngang so với cùng kỳ. HĐQT tiếp tục đề xuất không chia cổ tức năm này và giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để bù đắp cho khoản lỗ lũy kế (đến ngày 31/12/2022 đang âm 3.341 tỷ đồng). Điều này cũng đồng nghĩa với việc công ty đã cho thấy nhịp kinh doanh ổn định trở lại sau nhiều năm nỗ lực tái cấu trúc các khoản nợ vay và chuyển đổi mô hình kinh doanh.
Ngoài ra, Đại hội đã bầu thêm 1 thành viên vào ghế HĐQT là ông Nguyễn Chí Thắng - người hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Nông nghiệp Khăn Xay – 1 công ty con của HAGL. Các nhân sự còn lại hiện là ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch), ông Võ Trường Sơn (thành viên), bà Võ Thị Mỹ Hạnh (thành viên) và ông Trần Văn Dai (thành viên độc lập).
Thêm những nhân sự mới đã xuất hiện trong bộ máy điều hành của HAGL trong nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận rằng, nhiều "chiến tướng" dưới thời ông Đoàn Nguyên Đức đã chọn dừng lại/dời bỏ cuộc chơi bằng những cách nào đó.
Nguồn: Báo cáo thường niên 2022 của HAGL |
Nhìn lại, thời điểm trước khi HAGL Agrico về tay Thaco, HĐQT HNG đã nhận được các đơn từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Đoàn Nguyên Thu - em trai Bầu Đức (ngày 7/8/2018) và ông Nguyễn Ngọc Ánh (ngày 10/8/2018) cũng như Thành viên Ban Kiểm soát của bà Nguyễn Thị Hải Yến (ngày 6/8/2018). Cả 3 cá nhân này đều nắm giữ các chức vụ khác nhau tại công ty mẹ HAGL khi đó.
Đến 13/6/2019, ông Đoàn Nguyên Thu chính thức được cho thôi giữ chức Phó Tổng Giám đốc HAGL song vẫn nắm vai trò là Thành viên HĐQT công ty (thời điểm hiện tại đã thôi toàn bộ chức vụ).
Cuối tháng 9/2021, Thành viên HĐQT Nguyễn Văn Minh đã xin từ nhiệm sau 30 năm gắn bó vì lý do sức khỏe.
Bà Võ Thị Thuyền Lan (trái) vừa xin từ nhiệm |
Mới nhất ngày 19/4/2023 (ngay trước thềm ĐHCĐ thường niên), Hoàng Anh Gia Lai đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT của bà Võ Thị Huyền Lan sau 17 năm gắn bó...
... 20 triệu cổ phiếu ESOP có đủ để giữ chân người tài?
Có nhiều lý do để nói về sự ra đi của một số nhân sự cấp cao cũng như quân số tại HAGL thời gian qua. Đó có thể đến từ việc đã 8 năm rồi cổ đông HAG chưa được chia cổ tức kể từ lần trả 10% bằng cổ phiếu năm 2014 (năm 2023 này sẽ là năm thứ 9 liên tiếp); đó có thể đến từ thu nhập của ban lãnh đạo và người lao động hoặc có thể đến từ động lực cống hiến.
20 triệu cổ phiếu ESOP có thể là một phần thưởng tri ân hợp tình hợp lý và hoàn toàn xứng đáng với những cống hiến của người lao động đang làm việc tại HAGL - nhất là những lãnh đạo "hi sinh" sang Lào và Campuchia làm và thúc đẩy cho sự phát triển của công ty.
Tuy nhiên, việc triển khai từ 28/4/2026 trở đi có là quá dài để chờ đợi? Và trong 3 năm tới sẽ còn bao "chất xám" hoặc ở lại hoặc rời bỏ HAGL?