Nhiều doanh nghiệp ngành Giao thông và Xây dựng nợ BHXH - nguy cơ không có lương hưu

04-02-2023 05:18|Minh Khôi

Tại phiên làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 1/2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hơn 200.000 lao động bị doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH.

Hơn 200.000 người bị nợ lương, bảo hiểm xã hội

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết hiện có hơn 200.000 lao động đang bị nợ, trốn đóng BHXH. Nếu không sớm có biện pháp xử lý, những người này không được hưởng chế độ, kể cả lương hưu.

Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương với tổng số tiền nợ (phải tính lãi) là gần 14.600 tỷ đồng, chiếm 3,4% số phải thu (theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam); tình trạng chủ doanh nghiệp "bỏ trốn" để lại khoản nợ lớn tiền lương, bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn diễn ra, chưa có giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều doanh nghiệp nợ lương, bảo hiểm, theo thống kê của công đoàn. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đóng BHXH; doanh nghiệp xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết giải ngân vốn đầu tư công là việc “thúc đẩy mãi” và “không ai kêu thiếu vốn”.

Do vậy, Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm cùng các bộ ngành nghiên cứu kiến nghị của Công đoàn về tháo gỡ, vướng mắc về nợ xây dựng cơ bản. Trong đó, có nợ tiền lương, nợ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Trước tình hình trên, Tổng Liên đoàn tiếp tục nắm tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động…để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã tích cực phối hợp với Tổng Liên đoàn trong xây dựng, hoàn thiện và tuyên truyền chính sách pháp luật, đặc biệt là các chính sách liên quan đến người lao động; cải thiện điều kiện làm việc và phòng ngừa tai nạn lao động.

Cùng với đó, đề xuất, kiến nghị và giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, nhà ở; đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học, trạm y tế, nhu cầu về văn hóa, nơi vui chơi giải trí của công nhân, lao động...

Những tháng cuối năm 2022, xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng (hiện nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày giảm từ 30 – 40% đơn hàng; chế biến gỗ giảm 50% đơn hàng), dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Theo báo cáo của các cấp công đoàn có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, công đoàn Công thương Việt Nam bị ảnh hưởng. Trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc.

Trước tình hình đó, cơ quan này cảnh báo sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội và các chế độ của người lao động; thậm chí doanh nghiệp lợi dụng tình hình để thanh lọc, đẩy người lao động từ trên 35 tuổi ra khỏi doanh nghiệp để tuyển dụng lao động trẻ hơn, chi phí thấp hơn.

Tại Báo cáo về tình hình cắt giảm lao động, việc làm trong các doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay tình hình doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động chưa nghiêm, nhất là các quy định về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội.

Cá biệt có những doanh nghiệp mặc dù sản xuất kinh doanh tăng trưởng vẫn lợi dụng ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhằm không tăng hoặc cắt giảm các phúc lợi đã thỏa thuận, dẫn đến những bức xúc trong công nhân lao động.

Tiền phụ huynh 'hùn vốn' sắp cạn, giáo viên nghỉ dạy vì nợ lương: Trường quốc tế Mỹ AISVN 'vội' cho học sinh nghỉ hè sớm

'Đổ' hơn 1.000 tỷ vào Bphone, đâu là lý do BKAV của ông Nguyễn Tử Quảng nợ lương nhân viên nhiều năm?

Vụ trường quốc tế Mỹ AISVN 'đem con bỏ chợ', 1.200 học sinh bị nghỉ học: Gần 4.000 tỷ đồng của phụ huynh 'hùn vốn' đi về đâu?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhieu-doanh-nghiep-nganh-giao-thong-va-xay-dung-no-bhxh-nguy-co-khong-co-luong-huu-167909.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nhiều doanh nghiệp ngành Giao thông và Xây dựng nợ BHXH - nguy cơ không có lương hưu
POWERED BY ONECMS & INTECH