Nhiều ngân hàng ghi nhận quý kinh doanh ấn tượng đầu năm 2025
MBS dự báo lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 15% nhờ tín dụng khởi sắc từ đầu năm.
Nhiều nhà băng bứt phá mạnh
Trong tuần cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2025, một số ngân hàng đã sớm công bố kết quả kinh doanh sơ bộ quý I với những con số tích cực. Mặc dù báo cáo tài chính chi tiết chưa được công bố, nhưng các số liệu ban đầu cho thấy một quý tăng trưởng ấn tượng, với không ít ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao, thậm chí có đơn vị đã thoát lỗ sau nhiều quý trầy trật.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, Nam A Bank cho biết lợi nhuận trước thuế quý I/2025 đạt 1.214 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ 2024. Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 263.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng xấp xỉ 178.000 tỷ đồng và huy động vốn gần 204.000 tỷ đồng.
Ngân hàng cũng ghi nhận những chỉ số tài chính tích cực khác như tỷ lệ nợ xấu nhóm 3-5 ở mức 2,23%, hệ số CIR giảm xuống 36%, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 11,6% theo chuẩn Basel III.
Trong khi đó, NCB ước đạt lợi nhuận trước thuế hơn 125 tỷ đồng trong quý I, đánh dấu bước ngoặt sau hai năm thua lỗ. Tổng tài sản tính đến cuối tháng 3/2025 đạt gần 131.000 tỷ đồng, tăng 10,4%. Thu nhập lãi thuần đạt gần 510 tỷ đồng – mức cao nhất trong 9 quý gần đây.
TPBank dù chưa công bố số liệu quý I trọn vẹn nhưng cho biết lợi nhuận trước thuế hai tháng đầu năm đạt gần 1.430 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến kết thúc quý I/2025 với lãi trước thuế khoảng 2.100 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ.
![]() |
Theo báo cáo của Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng quý I/2025 dự kiến tăng khoảng 15% so với cùng kỳ. |
>> Ngân hàng 'bơm' gần 615.000 tỷ đồng ra nền kinh tế quý I/2025, dư nợ tín dụng xác lập mức kỷ lục mới
Dự báo toàn ngành tăng trưởng hai chữ số
Theo báo cáo của Chứng khoán MBS, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng quý I/2025 dự kiến tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tín dụng khởi sắc ngay từ đầu năm. Một số nhà băng thậm chí ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng lên đến 50%.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 16%, tạo dư địa để nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay ngay trong quý đầu năm. Đặc biệt, nhóm ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc như Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đều đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng mạnh, từ 20% đến 26%.
Theo dự báo của MBS, VPBank dẫn đầu với mức tăng lợi nhuận 50%, nhờ tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh và chi phí dự phòng giảm 12,2%.
Sacombank tăng trưởng 37% nhờ nền thấp năm 2024 và chi phí dự phòng giảm mạnh 70,5%.
VietinBank tăng 28%, phần lớn nhờ tăng trưởng tín dụng và cắt giảm trích lập dự phòng.
HDBank tăng 19% dù biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ, nhưng giữ vững đà tín dụng trên 6%.
Các ngân hàng như Eximbank, ACB, BIDV, LPB, Vietcombank đều ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận từ 3% đến 18%.
![]() |
Nguồn: MBS |
Tính đến ngày 25/3, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng đạt 2,49% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 0,26%. NIM quý I được dự báo đi ngang, song vẫn thấp hơn trung bình năm ngoái do các ngân hàng tiếp tục giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng.
Chi phí dự phòng được dự báo giảm nhẹ so với quý IV/2024 và tương đương cùng kỳ năm ngoái, dù một số ngân hàng thương mại cổ phần có thể phải tăng trích lập do chất lượng tài sản yếu đi.
Dù bức tranh chung khá tích cực, vẫn có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm. OCB dự báo giảm 3%, Techcombank giảm 4% và VIB giảm 6%, chủ yếu do chiến lược thận trọng trong tăng trưởng tín dụng và duy trì trích lập cao để kiểm soát rủi ro.
>> TS Lê Xuân Nghĩa 'giải mã' bài toán bơm tiền, 'ghìm cương' lạm phát
Ngân hàng 'bơm' gần 615.000 tỷ đồng ra nền kinh tế quý I/2025, dư nợ tín dụng xác lập mức kỷ lục mới