Có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức.
Trong văn bản báo cáo Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết về tình hình thương thảo các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Theo đó, EVN đã nhận được 27 hồ sơ đề nghị đàm phán giá điện theo khung giá phát điện chuyển tiếp.
“Có 5 chủ đầu tư thống nhất mức giá tạm bằng 50% khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt và không hồi tố trong giai đoạn các bên tiếp tục thực hiện đàm phán giá chính thức”, EVN nhấn mạnh.
Đối với các khó khăn trong việc đàm phán giá điện của các nhà máy năng lượng chuyển tiếp, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương, liên quan về các thông số đầu vào để tính toán giá điện của các dự án, tuy nhiên hiện nay EVN vẫn chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Về dự kiến tình hình cung cấp điện tháng 5 và các tháng còn lại năm 2023, EVN cho biết do cơ cấu huy động nguồn đang có sự thay đổi lớn nên tổng sản lượng nguồn thủy điện, nguồn nhiệt điện than nội, nguồn nhập khẩu giảm mạnh và được bù bằng nguồn nhiệt điện than nhập, đặc biệt sẽ phải huy động thêm các nguồn nhiệt điện dầu trong các tháng cao điểm mùa khô.
Trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: công suất tiêu thụ điện (Pmax) miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600– 4.900 MW.
Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, EVN đề nghị lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp khẩn cấp hỗ trợ EVN tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương sớm có cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bổ sung quy hoạch các nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để đảm bảo cung ứng điện trong các năm tiếp theo; có cơ chế khuyến khích ngay việc phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không bán lên lưới).
Trước đó, 23 nhà đầu tư điện mặt trời, điện gió đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán giá mua điện đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư.
Các doanh nghiệp cho biết, đến nay đã có 28 nhà đầu tư nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC). Tuy nhiên, nhiều hồ sơ nộp chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán hoặc tiến độ đàm phán còn rất chậm do còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể làm cơ sở để tính toán giá điện và đàm phán.
Vì vậy, các nhà đầu tư này kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương sớm ban hành các quy định hướng dẫn theo thẩm quyền làm cơ sở pháp lý cho EVN và chủ đầu tư đàm phán; chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán giá phát điện.
23 doanh nghiệp điện gió, điện mặt trời tiếp tục "cầu cứu" Chính phủ
Mua điện gió từ Lào chỉ 1.589 đồng/kWh: Bộ Công Thương giao nhiệm vụ lớn cho EVN
Cha con ‘đại gia’ điện gió miền Tây lãnh án vì hành vi lừa đảo