Singapore, Malaysia và Indonesia đã bắt đầu triển khai các gói cứu trợ kinh tế mới nhằm giúp người dân trụ vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, mục tiêu lần này không đơn thuần là nhằm giảm tác động của lạm phát tới cuộc sống của người dân.
Nhóm nước Đông Nam Á đồng loạt “bơm” tiền mặt
Singapore đã công bố một gói kích thích trị giá 1,5 tỷ Đô-la Singapore (tương đương 1,07 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có cá nhân thu nhập năm thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và những người đang gặp khó khăn với giá nhiên liệu cao.
Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm vừa và nhỏ đang sử dụng thiết bị tiết kiệm nhiên liệu. Tất cả các hộ gia đình sẽ nhận được một khoản tín dụng tiện ích trị giá 100 Đô-la Singapore.
Tại Malaysia, tổng số tiền hỗ trợ của Chính phủ Malaysia là 630 triệu Ringgit với khoảng 8,6 triệu người được hưởng bao gồm: Các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất; Các cá nhân nằm trong nhóm thu nhập tương tự cũng nhận được tiền hỗ trợ.
Cũng ở Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn thêm 3 tháng cho các biện pháp hỗ trợ hiện tại, theo đó sẽ kéo dài tới tháng 9. Một trong các biện pháp hỗ trợ là trợ giá khí đốt cho người thu nhập thấp.
Ở Indonesia, các khoản thanh toán bằng tiền mặt đang được chuyển đến khoảng 20 triệu hộ gia đình và 2,5 triệu người.
Những biện pháp này được thực hiện trong bối cảnh lạm phát ở châu Á đang ở mức cao kỷ lục.
Các gói hỗ trợ kinh tế mang nhiều yếu tố chính trị
Tại một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, quyết định hỗ trợ lúc này cũng mang yếu tố chính trị. Cả hai nước này đều tổ chức bầu cử vào cuối năm 2023.
Ở Singapore, ông Wong đã được chọn trở thành người kế nhiệm Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Do đó, ông Wong sẽ là người chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ thời gian tới. Hiển nhiên trong lúc này, các lãnh đạo sẽ ra sức hỗ trợ người dân nhằm củng cố sự ủng hộ của người dân.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc tung ra các gói hỗ trợ mới vào lúc này sẽ gây ra rủi ro cho tình hình tài chính quốc gia của các nước.
Năm ngoái, Thái Lan đã nâng trần nợ công từ mức 60 lên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng năm, Malaysia cũng nâng trần nợ công từ 60 lên 65% GDP.
Đồng Baht Thái đã sụt giá xuống mức thấp nhất trong 5,5 năm so với đồng USD. Mối lo về trì trệ kinh tế do lạm phát cũng như các điều kiện tài khóa xấu đi có thể khiến đồng tiền này giảm giá thêm nữa và đẩy nhanh dòng vốn chảy ra khỏi Thái Lan.
Để có nguồn tiền thực hiện gói hỗ trợ kinh tế mới, Singapore dự định dùng doanh thu từ thuế giá trị gia tăng với kế hoạch tăng thuế trong năm 2023 và 2024, bất chấp áp lực lạm phát.
Các động thái “bơm tiền” này của các nước có thể sẽ mang đến nhiều rủi ro kinh tế nước họ trong thời gian tới.