Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần 28/3 - 1/4

03-04-2022 10:55|Anh Tú

Trong tuần VN-Index vượt cảm 1.500 - 1.510 điểm, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trong khi tổ chức nội và khối ngoại cùng trở lại gom ròng.

Thị trường chứng khoán tuần qua chứng kiến nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến việc ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán hay nhiều lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam bị xem xét kỷ luật.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm mạnh hơn 15 điểm do hiệu ứng bán tháo từ cổ phiếu hệ sinh thái FLC lan sang nhiều nhóm ngành khác. Sau đó, chỉ số chính sàn HOSE liên tục giằng co trước khi bật tăng mạnh mẽ trong phiên cuối tuần và bước vào vùng kháng cự mạnh 1.520 - 1.533 điểm - vùng đỉnh lịch sử thiết lập hồi tháng 1.

Kết tuần giao dịch từ 28/3 - 1/4/2022, VN-Index tăng 17,94 điểm (+1,2%) lên 1.516,44 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt gần 815 triệu cổ phiếu/phiên - tăng 4,46% so với tuần giao dịch trước. 

HNX-Index giảm 7,65 điểm (-1,66%) xuống 454,1 điểm. Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HNX đạt 132 triệu cổ phiếu/phiên - tăng 10,39% so với tuần giao dịch trước.

Về diễn biến dòng tiền, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục giao dịch theo chiều hướng tiêu cực trong khi tổ chức nội và khối ngoại cùng trở lại gom ròng.

dong-tien-c.png
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư (Đơn vị: Tỷ đồng)

Cụ thể, cá nhân trong nước tiếp tục bán ròng 1.270 tỷ đồng tại sàn HOSE trong đó bán ròng mạnh nhất mã DGC với giá trị 688 tỷ đồng; VNM và TCB bị bán ròng lần lượt 357 tỷ đồng và 264 tỷ đồng; DXG và NKG đều bị bán ròng trên 200 tỷ đồng.

Ngược lại, với nhịp tăng mạnh, cổ phiếu MWG đứng đầu danh sách mua ròng của các cá nhân với 240 tỷ đồng; HPG và VHM đứng sau với giá trị mua ròng đều trên 200 tỷ đồng.

Trái ngược với cá nhân trong nước, các tổ chức trong nước chấm dứt chuỗi 5 tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng trở lại 455 tỷ đồng. Tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất mã TCB với 264 tỷ đồng. ACB và HPG đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 159 tỷ đồng và 148 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, MWG bị bán ròng mạnh nhất với 240 tỷ đồng; Chứng chỉ quỹ FUEVFVND và FPT đều có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Đồng pha, khối ngoại tiếp tục mua ròng 816 tỷ đồng trên HOSE (giảm 67% so với tuần trước) trong đó DGC vẫn là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị 761 tỷ đồng; VNM được mua 377 tỷ đồng. EIB, VRE, DXG, HDB, NKG và KDH đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, HPG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn này với 380 tỷ đồng. VHM và VIC bị bán ròng lần lượt 256 tỷ đồng và 118 tỷ đồng.

Về diễn biến giá cổ phiếu, tuần qua, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin tăng mạnh nhất với sự xuất sắc của trụ cột trong nhóm là FPT (+16%), CMG (+13%).

Tiếp theo là nhóm dịch vụ với các cổ phiếu bán lẻ như MWG (+12,3%), DGW (+3,9%),... Nhóm hàng tiêu dùng cũng tăng khá tốt với hai cổ phiếu lớn VNM (+8,6%), SAB (+5%).

Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng có tuần tăng khá với VCB (+0,4%), BID (+2,1%), CTG (+2,6%), VPB (+5%), MBB (+4,7%), ACB (+2,1%), MBB (+4,7%),...

Ở chiều ngược lại, giá dầu điều chỉnh khiến nhóm dầu khí suy yếu, với BSR (-2,6%), OIL (-7,5%), PVD (-5,5%), PXS (-4,3%), PVB (-7,6%), PVC (-4,8%), PVS (-2,6%).

Theo sau là nhóm nguyên vật liệu với các cổ phiếu thép HPG (-1,5%), HSG (-5,5%), NKG (-3,9%), POM (-4,1%), SMC (-5%), TLH (-2,5%) cùng với các cổ phiếu hóa chất DPM (-5,1%), DCM (-5,4%),...

Cổ đông Vinamilk (VNM) sắp nhận hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức

FLC tái khởi động siêu dự án 20.000 tỷ đồng tại Quảng Bình

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhin-lai-dien-bien-thi-truong-chung-khoan-tuan-283-14-124255.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhìn lại diễn biến thị trường chứng khoán tuần 28/3 - 1/4
    POWERED BY ONECMS & INTECH