Nhìn lại siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng khiến nhiều quan chức vướng lao lý
(Thị trường tài chính) - Nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khởi tố để điều tra liên quan đến vụ án tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Loạt quan chức bị khởi tố liên quan đến vụ án tại dự án Đại Ninh
Ngày 4/5, trong cuộc họp báo của Chính phủ, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, nguyên Bộ trưởng và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Ông Mai Tiến Dũng đang bị điều tra về tội Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ, trong mối liên quan đến vụ án tại Dự án Đại Ninh, tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, Bí thư của Tỉnh ủy Lâm Đồng, ông Trần Đức Quận, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ông Trần Văn Hiệp, và Chánh thanh tra tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Ánh, cũng đã bị bắt trong quá trình điều tra về vụ án này tại Dự án Đại Ninh.
Bà Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ, cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra từ tháng 8/2023 về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn, liên quan đến vụ án nhận hối lộ tại dự án nói trên.
Siêu dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt hơn 25.000 tỷ đồng
Dự án khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (tên gọi khác là Khu đô thị Nam Đà Lạt) do Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh làm chủ đầu tư, tại địa bàn TP. Đà Lạt và huyện Đức Trọng.
Khu đô thị Nam Đà Lạt có tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng, diện tích hơn 3.595ha (trong đó có 1.306ha đất quy hoạch lâm nghiệp thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia – huyện Đức Trọng) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư vào cuối năm 2010.
Từ năm 2012, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định cho Công ty CP đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở để thực hiện dự án.
Thời gian dự kiến hoàn thành dự án là trong khoảng 9 năm, từ năm 2010 đến năm 2018.
Tuy nhiên, sau hơn 12 năm triển khai, đến nay dự án của Công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn bị chậm tiến độ, dính vào hàng loạt lùm xùm như để mất rừng, thiếu năng lực tài chính, không có năng lực triển khai dự án. Cũng vì lý do này mà vào tháng 6/2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án.
Đến thời điểm cuối năm 2022, Công ty đã hoàn thành thủ tục thuê đất, thuê rừng để triển khai dự án với diện tích 1.428,3ha; được chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 1; phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường - hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng.
Công ty cũng đã xây dựng một số công trình kiến trúc, san gạt đường giao thông và rải cấp phối một số đoạn đường, với vốn đã đầu tư 2.296 tỷ đồng, chiếm 9% tổng mức đầu tư.
Không chỉ ồn ào trong quá trình triển khai, Khu đô thị sinh thái Đại Ninh còn từng bị tuýt còi về việc xác định tiền thuế đất.
Cụ thể năm 2012, tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Sài Gòn Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,6 triệu m2 sang đất ở (giao đất có thu tiền sử dụng đất). 6 năm sau, Bộ Tài chính mới xác định số tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn Đại Ninh là 158 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm tháng 8/2018, Công ty Sài Gòn Đại Ninh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước (bao gồm cả tiền chậm nộp) đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nêu trên.
Về phía chủ đầu tư, Công ty Sài Gòn Đại Ninh giải thích rằng, Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Ninh có tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án lớn nên đề nghị xem xét chuyển hình thức giao quyền sử dụng đất đối với diện tích đất có thu tiền (1,6 triệu m2) sang hình thức thuê đất trả tiền hàng năm
Mãi đến tháng 9/2021, Công ty Sài Gòn Đại Ninh tạm nộp tiền sử dụng đất là 100 tỷ đồng vào tài khoản của Sở Tài chính Lâm Đồng trong thời gian chờ cơ quan thẩm quyền thông báo đóng tiền quyền sử dụng đất ở chính thức.
Đôi nét về Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh
Về phía chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh được thành lập năm 2010, trụ sở hiện đặt tại phường 10, TP Đà Lạt, Lâm Đồng.
Ở thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ ở mức 600 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam (Phương Nam Group - 85%), và 7 cá nhân khác nắm giữ 15% cổ phần còn lại là Hoàng Văn Thọ (2%), Đào Thúy Hằng (5%), Phan Văn Đức (5%), Nguyễn Văn Lam (0,5%), Trần Tấn Công (1%), Trần Hồng Thắng (0,5%) và Nguyễn Đình Tùng (1%).
Đến tháng 8/2016, bà Phan Thị Hoa thay Công ty Phương Nam nắm giữ 85% cổ phần Sài Gòn Đại Ninh Corp. Song về bản chất chưa có gì thay đổi, bởi nữ doanh nhân sinh năm 1958 là chủ sở hữu của Phương Nam Group.
Ngày 10/10/2017, Sài Gòn Đại Ninh nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, trong đó, bà Phan Thị Hoa góp 1.770 tỷ đồng, chiếm 88,5% vốn điều lệ.
Đến tháng 1/2021, Sài Gòn Đại Ninh đã thay đổi người đại diện pháp luật. Theo đó, ông Nguyễn Cao Trí thay bà Phan Thị Hoa làm người đại diện pháp luật.
Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà ở Phương Nam có lịch sử khá lâu đời với tiền thân là một tổ hợp xuất khẩu thảm cói, thảm đay xuất khẩu sang Liên Xô.
Trên website, công ty này cho biết thành lập vào năm 1993, và hiện "đã bứt phá từ vị trí của một doanh nghiệp tư nhân nhỏ trở thành tập đoàn kinh doanh về bất động sản, với nguồn lực hùng mạnh cả về tài chính, nhân lực cũng như uy tín, thương hiệu trên thị trường".
Theo đó, giai đoạn 1997 - 2005, Phương Nam đã đầu tư quy hoạch xây dựng khu nhà ở Phường Tân Phú, Quận 7, TP HCM với quy mô 26.444 m2. Đến năm 2006 liên doanh với Công ty Vàng bạc Đá quý TP HCM (SJC) để kinh doanh vàng 9999 và trang sức vàng nữ trang ITALIA.
Năm 2009, để đón đầu thị trường bất động sản, Phương Nam đã tiến hành kế hoạch đầu tư siêu dự án hơn 25.000 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng và thành lập nên Sài Gòn Đại Ninh Corp.
Cập nhật ngày 26/5/2023, vốn điều lệ của Phương Nam đạt mức 540 tỷ đồng, trong đó bà Phan Thị Hoa nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ 92%, 3 cổ đông còn lại là bà Đào Thúy Hằng- Trợ lý Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc (4%), bà Đào Thúy Uyên- Trợ lý Chủ Tịch HĐQT kiêm Giám đốc kinh doanh (1%) và ông Phan Văn Đức (3%).
Ông Nguyễn Cao Trí (SN 1970) từng thành viên HĐQT Saigonbank. Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn Công thương (SaigonBank) công bố văn bản thông báo việc ông Nguyễn Cao Trí không còn là thành viên HĐQT SaigonBank nhiệm kỳ 2019-2024 kể từ ngày 19/1/2023.
Ông Trí từng đảm nhiệm chức vụ tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành, như Giám đốc đầu tư tại Bến Thành Tourist, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Địa ốc Bến Thành.
Năm 2015, Địa ốc Bến Thành đổi tên thành Capella Holdings, ông Trí giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc. Doanh nghiệp này hoạt động trong hai mảng chính là bất động sản và F&B.
Sai phạm ở siêu dự án Đại Ninh 3.600 ha khiến nhiều quan chức bị bắt
Sai phạm ở siêu dự án Đại Ninh 3.600 ha khiến nhiều quan chức bị bắt
Ông Mai Tiến Dũng bị bắt liên quan dự án Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí