Sau thời gian thanh khoản bùng nổ với dòng tiền từ nhà đầu tư F0 đổ vào cổ phiếu, thị trường lại phải làm quen với những phiên giao dịch có giá trị dưới 20 ngàn tỷ đồng.
Thị trường kết phiên 28/07 với yếu tố đáng chú ý là mức thanh khoản rất thấp khi so sánh với giai đoạn trước đó. Tại HOSE, giá trị giao dịch chỉ xấp xỉ 13 ngàn tỷ đồng, thấp nhất kể từ ngày 18/02.
Khối ngoại mua ròng lớn nhất tại HPG (gần 59 tỷ đồng) và chứng chỉ quỹ phỏng theo rổ chỉ số cổ phiếu kín room ngoại FUEVFVND (hơn 55 tỷ đồng).
Việc VHM (-1.21%) và NVL (-2.25%) rớt giá khiến cho bất động sản trở thành nhóm ngành tạo áp lực lên khả năng tăng điểm của VN-Index. Trong khi đó, nhóm ngân hàng nói chung với sự dẫn dắt của VCB (+2.11%) trở thành lực kéo giúp VN-Index giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, điều này không thể hiện một xu hướng tích cực đã được xác nhận.
Thanh khoản hạ nhiệt trong khi phần lớn cổ phiếu bắt đầu có xu hướng đi ngang và ít biến động thực tế có thể là một dấu hiệu khả quan. Mặc dù yếu tố ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp là tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp, nhà đầu tư không tỏ ra lạc quan nhưng cũng không hoảng loạn bán tháo.
Như những gì diễn ra trong các đợt bùng phát dịch bệnh trước đây, thời điểm đỉnh dịch có thể sẽ là đáy của giai đoạn điều chỉnh tại thị trường chứng khoán. Trong khi đó, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2021 đang dần đến điểm kết thúc, các doanh nghiệp lớn sẽ bắt đầu công bố số liệu vào cuối tuần này.
Phiên chiều không khởi sắc
Trạng thái thị trường không thay đổi đáng kể trong phiên chiều. Hoạt động giao dịch vẫn trầm lắng và thị giá các nhóm cổ phiếu tiếp tục dao động cầm chừng.
Khối ngoại mua ròng nhiều nhất tại HPG, với giá trị mua ròng xấp xỉ 50 tỷ đồng tính đến 14h15.
Tính đến 14h18, thanh khoản giao dịch tại HOSE đạt gần 11.5 ngàn tỷ đồng, với riêng nhóm VN30 là 5.1 ngàn tỷ đồng, trong khi tại HNX ở mức xấp xỉ 1.4 ngàn tỷ đồng. Khi tâm lý vẫn nặng trĩu, nhà đầu tư cho thấy họ không sẵn lòng giao dịch chứ chưa nói đến chuyện có thể trả giá cao hơn cho cổ phiếu.
VCB, VIC, HPG là những cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VHM, NVL, VNM là những cái tên kèo lùi chỉ số.
Phiên sáng: Sắc xanh chỉ là một nốt nhạc ngẫu nhiên
Thị trường kết phiên sáng với sắc xanh tại đồng loạt các chỉ số VN-Index, VN30-Index, HNX-Index. Tuy nhiên, điều này không phải một bản hòa tấu của sự lạc quan mà đúng hơn chỉ là nốt nhạc ngẫu nhiên sau một phiên giao dịch ảm đạm.
Không có từ nào diễn tả tốt hơn cho tâm lý thị trường chứng khoán lúc này hơn “trầm lắng”. Các mức giá cổ phiếu giảm đáng kể trong tháng 7 cũng không thể kích thích tâm lý giao dịch từ giới đầu tư, ở cả chiều mua lẫn bán.
Phiên sáng nay, giá trị giao dịch tại HOSE chỉ ở mức 6.8 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng đối với nhóm VN30 là 3.06 ngàn tỷ đồng. Thanh khoản HNX ở mức 831 tỷ đồng.
Sau giai đoạn điều chỉnh nhanh của cổ phiếu ngân hàng, VN-Index mất đi động lực dẫn dắt. Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu khác cũng chịu áp lực điều chỉnh trước những thông tin về tình hình dịch bệnh.
Cổ phiếu biến động trong biên độ hẹp. Ở cấp độ ngành, bất động sản và ngân hàng là hai thái cực trong phiên sáng 28/07, khi lần lượt là hai ngành ảnh hưởng tích cực và tiêu cực nhất lên chỉ số. Tuy nhiên, mức độ tác động là hạn chế khi cổ phiếu trong từng nhóm ngành cũng giao dịch cầm chừng. Ngành bất động sản lấy đi 1.05 điểm, trong khi ngân hàng góp 1.25 điểm cho VN-Index vào sáng nay.
10h50: Giao dịch trầm lắng
Thị trường chứng khoán trải qua phần lớn thời gian phiên sáng khá trầm lắng. Khi nhóm ngân hàng vẫn giao dịch cầm chừng và các bluechip bất động sản sụt giá.
Các bluechip bất động sản như VHM, NVL vẫn là các mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index. Trong khi đó, HPG với mức tăng 1.52% là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên chỉ số.
Sự hứng khởi của ông lớn đầu ngành HPG vẫn chưa lan tỏa được lạc quan trong nhóm cổ phiếu thép. Trong khi NKG, HSG, TLH tăng giá thì SMC, POM, hay HMC lại giảm điểm.
Một bất ngờ trong sáng nay là mức tăng cận trần của cổ phiếu BHN. Mã này theo đó lọt vào nhóm cổ phiếu “trụ đỡ” của VN-Index tính đến 10h49. Trước đó, BHN đã trải qua ba ngày giảm điểm liên tiếp.
Xuất hiện khối giao dịch thỏa thuận hơn 8 triệu cp STB với giá trị sang tay trên 240 tỷ đồng, tương ứng mức giá 30,000 đồng/cp. Diễn biến này không kích thích được sự khả quan lên thị giá cổ phiếu. Tính đến 10h54, STB được khớp ở mức 28,950 đồng/cp.
Khối ngoại bán ròng gần 80 tỷ đồng tính trên cả ba sàn HOSE, HNX, UPCoM tính đến 10h55.
Mở cửa: Sự âu lo hợp lý
VN-Index không rõ xu hướng và thanh khoản giao dịch thấp thể hiện tâm lý e dè của nhà đầu tư đối với cổ phiếu. Đây là xu hướng dễ hiểu khi nỗi lo về sự lây lan Covid-19 vẫn hiện hữu, tuy nhiên, sự dùng dằng trong tình huống này có thể lại là điều lạc quan vì nó đồng nghĩa giới đầu tư cũng không quá hoảng sợ.
Thị trường mở cửa phiên 28/07 với các chỉ số VN-Index, HNX-Index giảm nhẹ. Sắc đỏ là chủ đạo tại sàn HOSE khi có 163 mã giảm giá so với chỉ 61 mã tăng giá tính đến 9h19, tuy nhiên, số mã đứng giá cũng lên đến con số 168.
Bất động sản là ngành tạo áp lực giảm điểm nặng nhất lên chỉ số VN-Index, với việc NVL và VHM sụt giá đầu phiên, nhưng không quá tiêu cực.
Từ 9h21 trở đi, VN-Index dùng dằng trong biên độ hẹp quanh tham chiếu.
Thanh khoản giao dịch thị trường ở mức khá thấp. Tính đến 9h25, giá trị giao dịch tại HOSE ở mức 980 tỷ đồng, tại HNX khoảng 182 tỷ đồng, tại UPCoM xấp xỉ 115 tỷ đồng.