NHNN: Khó xử lý sở hữu chéo nếu các cổ đông cố tình che giấu
Xử lý sở hữu vượt giới hạn, sở hữu chéo vẫn khó khăn nếu cổ đông lớn và người liên quan cố tình che giấu, nhờ người khác đứng tên hộ cổ phần để lách quy định.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng (TCTD), TCTD và doanh nghiệp đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát.
Tuy nhiên, trong báo cáo của NHNN về kết quả ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD), NHNN cho rằng TCTD, người có liên quan của TCTD góp vốn, mua cổ phần tại TCTD khác vẫn là vấn đề cần quan tâm có thể tiềm ẩn rủi ro.
Trên thực tế, tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại tại một TCTD khác vượt tỉ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác, đã được khắc phục. Sở hữu cổ phần của TCTD tại TCTD khác (một chiều) giảm.
Tuy nhiên, việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này.
Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết sẽ tăng thanh tra về vốn, tình hình sở hữu cổ phần, cho vay, đầu tư, góp vốn của các tổ chức tín dụng. Cơ quan này sẽ xem xét chuyển cơ quan điều tra trong trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm. Chẳng hạn, năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu có thể dẫn tới thâu tóm, chi phối hay cấp tín dụng với khách hàng lớn trong lĩnh vực bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp trực thuộc tuân thủ quy định về đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các ngân hàng. Các doanh nghiệp cũng cần dùng vốn vay từ các ngân hàng đúng mục đích, trả nợ đúng hạn.
Cơ chế xử lý tình trạng lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của ngân hàng cũng sẽ được nhà chức trách hoàn thiện khi sửa Luật các tổ chức tín dụng, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 tới.
Lộ diện cổ đông lớn nhất, mới nhất trong ngân hàng nổi tiếng
'Biến' mới ở Toyota sau bê bối gian lận an toàn: 2 ngân hàng lớn rút vốn 8,5 tỷ USD