'Biến' mới ở Toyota sau bê bối gian lận an toàn: 2 ngân hàng lớn rút vốn 8,5 tỷ USD

07-06-2024 13:26|Hoàng Yến

Bên cạnh 2 ngân hàng nói trên, một số công ty bảo hiểm cũng có kế hoạch đưa số cổ phiếu Toyota mà họ đang nắm giữ về 0, tuân thủ lời kêu gọi giảm tỷ lệ sở hữu chéo mà Chính phủ Nhật Bản đề ra.

Hai tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản là Mitsubishi UFJ Financial Group cùng với Sumitomo Mitsui Financial Group mới đây đã bắt đầu thoái số vốn “khủng” ra khỏi nhà sản xuất ô tô nổi tiếng Toyota Motor. Giới phân tích nhận định với giá trị lên tới 1.320 tỷ yên (tương đương 8,5 tỷ USD), đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản thực sự nghiêm túc với chiến dịch loại bỏ mạng lưới sở hữu chéo.

Theo nguồn tin thân cận, 2 ngân hàng muốn tận dụng kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ của Toyota. Hôm 8/5, nhà sản xuất xe hơi số 1 thế giới thông báo chương trình mua lại cổ phiếu quỹ trị giá 1.000 tỷ yên, tương đương khoảng 3% số cổ phiếu đang lưu hành và cao hơn đáng kể so với các đợt mua cổ phiếu quỹ trước đó.

Đợt thoái vốn sẽ được thiết kế để ảnh hưởng lên giá cổ phiếu ở mức thấp nhất. Sở hữu chéo là hiện tượng rất thường thấy trong các ngân hàng và tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Trong quá khứ thậm chí mô hình sở hữu chéo với mối quan hệ chằng chịt giữa các công ty trong cùng 1 tập đoàn và cả giữa các tập đoàn với nhau từng là bí quyết để Nhật Bản tạo dựng được những ông lớn tầm cỡ toàn cầu, góp phần tạo nên kỳ tích kinh tế. Tuy nhiên giờ đây sở hữu chéo lại trở thành gánh nặng, khi mô hình đồ sộ dẫn đến hoạt động không hiệu quả.

2 ngân hàng lớn thoái vốn 8,5 tỷ USD khỏi Toyota
Đợt thoái vốn sẽ được thiết kế để ảnh hưởng lên giá cổ phiếu ở mức thấp nhất.

Chính phủ Nhật Bản gần đây đã hối thúc các tập đoàn giảm tỷ lệ sở hữu chéo, nhưng tiến độ thực hiện ở các ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất vẫn rất chậm. Với quy mô khổng lồ và vị thế quan trọng của mình, vụ thoái vốn của Toyota có thể tạo ra 1 làn sóng mới.

Hiện số cổ phần mà Mitsubishi đang nắm tại Toyota có giá trị khoảng 700 tỷ yên, còn của Sumitomo là khoảng 620 tỷ yên. Sẽ mất vài năm để cả hai thoái toàn bộ vốn tại đây.

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Toyota đã tăng 26%. Năm ngoái cổ phiếu này cũng tăng 43%.

Bên cạnh 2 ngân hàng nói trên, một số công ty bảo hiểm cũng có kế hoạch đưa số cổ phiếu Toyota mà họ đang nắm giữ về 0. MS&AD, Tokio Marine và Sompo là 3 công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn nhất đang có vốn ở Toyota. Nếu như họ cùng với các ngân hàng đồng loạt thoái vốn, tổng giá trị sẽ lên tới 3.000 tỷ yên.

Bản thân Toyota cũng đang rút vốn khỏi các công ty khác. Tháng 11 năm ngoái, tập đoàn thông báo kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại nhà sản xuất linh kiện Denso từ 24% xuống còn 20%. Trước đó, Toyota cam kết bán cổ phần tại công ty viễn thông KDDI với giá 250 tỷ yên. Mặc dù số tiền thu được sẽ được dùng để tài trợ cho quá trình Toyota chuyển sang xe điện, Toyota cũng có thể sử dụng nguồn tài chính này để mua lại cổ phiếu quỹ.

Mới đây, một loạt nhà sản xuất ô tô nổi tiếng nhất Nhật Bản gồm Toyota, Mazda, Honda, Suzuki đã thừa nhận gian lận các cuộc kiểm tra an toàn xe để xin giấy phép. Hôm đầu tuần (3/5), Chủ tịch Toyota Akio Toyoda đã cúi đầu xin lỗi trước công chúng.

>> Phải chi hơn 4,7 tỷ đồng cho 1 chiếc Toyota phân khúc bình dân, người Singapore bức xúc vì chênh lệch giàu nghèo quá lớn

‘Vượt mặt’ Nhật Bản, Nga chính thức trở thành nền kinh tế thứ 4 thế giới

Toyota Nhật bản bị kiểm tra 7 mẫu xe vì gian lận thử nghiệm an toàn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bien-moi-o-toyota-sau-be-boi-gian-lan-an-toan-2-ngan-hang-lon-rut-von-85-ty-usd-237823.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Biến' mới ở Toyota sau bê bối gian lận an toàn: 2 ngân hàng lớn rút vốn 8,5 tỷ USD
POWERED BY ONECMS & INTECH