Nhóm bệnh nhân Việt uống thuốc thử nghiệm chữa ung thư có tín hiệu tích cực
Sau 3 tháng triển khai nghiên cứu VISTA-1 tại Việt Nam, 8 bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối "chưa ghi nhận triệu chứng bất thường".
Ngày 6/5, bác sĩ Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI), cho biết Việt Nam đang tham gia nghiên cứu lâm sàng quốc tế VISTA-1 về thuốc điều trị ung thư ngay từ giai đoạn 2A. Nghiên cứu này đang được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, với vai trò là một trong các điểm nghiên cứu chính ngoài lãnh thổ Mỹ.

VISTA-1 tập trung đánh giá thuốc miễn dịch dạng uống RBS2418 do Công ty Riboscience (Mỹ) phát triển, với sự phối hợp của các chuyên gia đến từ Đại học Stanford. Thuốc đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm đầu tiên tại Mỹ với một số dữ liệu ban đầu về tính an toàn và khả năng dung nạp, trước khi bước vào giai đoạn thử nghiệm tiếp theo. Dự án được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt tháng 9/2024 và được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép triển khai vào tháng 12 cùng năm.
Tại Việt Nam, bác sĩ Vũ Hữu Khiêm, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, là nghiên cứu viên chính của dự án. Ông cho biết sau ba tháng triển khai, bệnh viện đã tiếp nhận và sàng lọc hàng trăm trường hợp, trong đó tám bệnh nhân ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối đang được điều trị theo phác đồ thử nghiệm. Tính đến nay, chưa ghi nhận phản ứng nghiêm trọng nào liên quan đến thuốc ở nhóm bệnh nhân này.

Một bệnh nhân 75 tuổi, đang điều trị ung thư đại trực tràng di căn phổi, là một trong số các trường hợp tham gia nghiên cứu. Bệnh nhân cho biết thuốc dạng uống thuận tiện khi sử dụng tại nhà, đặc biệt phù hợp với người cao tuổi gặp khó khăn trong việc đi lại.
Theo bác sĩ Khiêm, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi định kỳ vào các tuần thứ 6, 12 và 20, thông qua chụp cắt lớp vi tính, xét nghiệm chỉ số sinh học và bảng đánh giá chất lượng sống. Việc theo dõi này nhằm tiếp tục đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng thuốc.
Giáo sư, Tiến sĩ Jeffrey S. Glenn, Viện trưởng Viện Vi sinh và Chống dịch Đại học Stanford, trưởng nhóm nghiên cứu quốc tế VISTA-1, nhận xét quá trình triển khai tại Việt Nam được thực hiện bài bản, đúng tiêu chuẩn, với sự phối hợp hiệu quả giữa các nhóm chuyên môn hai nước.
Thực trạng căn bệnh ung thư đại trực tràng ở Việt Nam
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Theo thống kê từ GLOBOCAN năm 2022, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận gần 17.000 ca mắc mới và hơn 8.400 trường hợp tử vong do căn bệnh này, xếp thứ tư về số ca mắc mới và thứ năm về tỷ lệ tử vong trong các loại ung thư tại nước ta.
Ung thư đại trực tràng thường được phát hiện ở giai đoạn muộn do các triệu chứng ban đầu dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa thông thường.

Đặc điểm của ung thư đại trực tràng giai đoạn cuối là khối u đã lan rộng đến các cơ quan khác như gan, phổi hoặc hạch bạch huyết. Việc điều trị ở giai đoạn này chủ yếu nhằm kiểm soát triệu chứng, kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống. Các phương pháp điều trị hiện nay gồm hóa trị, xạ trị, liệu pháp nhắm trúng đích và gần đây là liệu pháp miễn dịch. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng tốt với các phác đồ hiện hành.
Chính vì vậy, việc Việt Nam tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng quốc tế được đánh giá là bước tiến quan trọng, tạo điều kiện cho người bệnh được tiếp cận sớm với các liệu pháp điều trị mới, trong đó có các thuốc miễn dịch tiên tiến. Đây cũng là cơ hội để đội ngũ y tế trong nước nâng cao năng lực chuyên môn và hội nhập với hệ thống nghiên cứu y học toàn cầu.
Các chuyên gia cho rằng, việc sàng lọc phát hiện sớm vẫn là yếu tố then chốt giúp cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Người dân được khuyến nghị tầm soát định kỳ nếu có yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc ung thư, chế độ ăn thiếu chất xơ, hút thuốc lá hoặc ít vận động.
>> Phát hiện gần 20 loại sữa công thức cho trẻ sơ sinh có chứa chì và asen độc hại gây ung thư