Chứng khoán

Nhóm cổ đông mới tại ACB và hệ sinh thái nghìn tỷ liên quan đến nữ doanh nhân U60 từng nắm quyền Eximbank

Khương Lê 14/09/2024 - 13:00

Trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ vừa được Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) cập nhật đến ngày 10/9, xuất hiện nhóm cổ đông có liên quan đến bà Ngô Thu Thúy, nữ doanh nhân "vừa lạ vừa quen" với truyền thông.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương, do bà Thúy làm Chủ tịch HĐQT, sở hữu 58,5 triệu cổ phần ACB, tương đương 1,344% vốn ngân hàng.

Hai người con của bà Thúy là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny cũng sở hữu cổ phiếu ACB. Trong đó, Thiên Hương Jenny nắm giữ hơn 60 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu 1,34%; người liên quan đến cổ đông này sở hữu trên 113 triệu cổ phiếu, tương đương 2,55%. Nguyễn Đức Hiếu Johnny sở hữu trên 47 triệu cổ phần, tỷ lệ 1,07%; người liên quan đến cổ đông này sở hữu 126 triệu cổ phần, tương ứng 2,8% vốn ngân hàng.

Nhóm cổ đông mới tại ACB và hệ sinh thái nghìn tỷ liên quan đến nữ doanh nhân U60 từng nắm quyền Eximbank
Nguồn: ACB

Bà Ngô Thu Thúy, sinh năm 1967, là doanh nhân kín tiếng và ít lộ diện trước truyền thông. Gia đình bà được biết đến nhiều với sở hữu tại Công ty Cổ phần Âu Lạc, doanh nghiệp vận tải xăng dầu lớn tại TP.Hồ Chí Minh.

Hiện tại, bà Thúy và chồng là ông Nguyễn Đức Hinh không trực tiếp sở hữu cổ phần tại Âu Lạc, nhưng hai con của họ là Nguyễn Thiên Hương Jenny và Nguyễn Đức Hiếu Johnny sở hữu lần lượt 12,81% và 9,82% vốn cổ phần công ty. Bà Thúy cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc.

Công ty Cổ phần Âu Lạc, thành lập ngày 4/9/2002, hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải xăng dầu và hàng hóa đường biển nội địa và quốc tế. Công ty có địa bàn kinh doanh toàn cầu với tàu hàng rời hoạt động tại Việt Nam, Đông Nam Á và một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Maldives, Thái Lan, Singapore...

Theo giới thiệu, công ty sở hữu đội tàu gồm 8 tàu dầu với tổng trọng tải 119.580 DWT cùng 1 tàu hàng trọng tải 55.848 DWT.

Tính đến ngày 30/6, Âu Lạc có tổng tài sản 2.546,5 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.331 tỷ đồng và nợ phải trả 1.215 tỷ đồng. Vốn điều lệ của công ty đạt 564,7 tỷ đồng và còn 465 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Năm ngoái, Âu Lạc ghi nhận doanh thu cao nhất từ trước tới nay, đạt 1.217 tỷ đồng cùng lợi nhuận sau thuế 197 tỷ đồng. Năm nay, HĐQT Âu Lạc thông qua chỉ tiêu doanh thu 1.324 tỷ đồng và 187 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sáu tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 65% kế hoạch doanh thu (795,5 tỷ đồng) và hơn 90% kế hoạch lợi nhuận (LN sau thuế 171 tỷ đồng).

Nhóm cổ đông mới tại ACB và hệ sinh thái nghìn tỷ liên quan đến nữ doanh nhân U60 từng nắm quyền Eximbank
Hình ảnh minh họa. Ảnh: Âu Lạc

Ngoài hoạt động kinh doanh chính, Âu Lạc nổi tiếng trong giới đầu tư với khẩu vị ưa thích cổ phiếu ngân hàng. Từ cuối năm 2015, bà Thúy được dư luận biết đến nhiều hơn khi nhóm cổ đông Âu Lạc sở hữu lượng lớn cổ phần và giành quyền kiểm soát tại Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu (Eximbank).

Trong đó, bà Thúy tham gia cố vấn HĐQT Eximbank đồng thời nắm tới gần 5% cổ phần của nhà băng này. Bên cạnh đó, hai cá nhân đến từ Âu Lạc là ông Lê Minh Quốc (cựu Phó Chủ tịch HĐQT) cùng ông Ngô Thanh Tùng (cựu Thành viên HĐQT) lần lượt đảm nhiệm chức Chủ tịch và Thành viên HĐQT Eximbank.

Mặc dù giữ lượng lớn cổ phần EIB trong thời gian dài, nhóm Âu Lạc cùng một số nhóm cổ đông khác không giành chiếm được ưu thế và bắt đầu có động thái thoái vốn tại Eximbank từ năm 2022.

Đến đầu tháng 8/2024, trong danh sách cổ đông sở hữu trên 1% của Eximbank không còn xuất hiện nhóm cổ đông liên quan Âu Lạc hay bà Thúy.

Vào ngày 01/01/2022, Âu Lạc sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu EIB với giá gốc 72,2 tỷ đồng nhưng đã bán toàn bộ trong năm này, chuyển sang nắm giữ cổ phiếu ACB. Việc thoái vốn EIB giúp Âu Lạc ghi nhận 82 tỷ đồng lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán.

Đầu năm 2023, Âu Lạc nắm giữ 14 triệu cổ phiếu ACB nhưng cũng bán dần trong năm. Tại ngày 30/6/2023, báo cáo tài chính thể hiện, Âu Lạc không còn nắm giữ cổ phiếu ACB.

Thương vụ đầu tư vào ACB không đem lại nhiều lợi nhuận cho Âu Lạc như EIB. Năm 2023, từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, công ty ghi nhận khoản lãi 1,58 tỷ đồng nhưng lỗ tới 11 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2024, với xu hướng tăng giá cổ phiếu ACB, Âu Lạc ghi nhận lợi nhuận 9,6 tỷ đồng từ kinh doanh chứng khoán.

Ngoài trực tiếp trở thành cổ đông có tiếng nói tại nhà băng, Âu Lạc từng là cổ đông sáng lập của Chứng khoán Âu Lạc (tiền thân của Chứng khoán Phú Hưng) với vốn góp 5 tỷ đồng, chiếm 10% vốn. Sau này, Chứng khoán Âu Lạc tăng vốn và đổi tên thành Chứng khoán Phú Hưng, nhưng Âu Lạc không tham gia do đánh giá hiệu quả hoạt động không cao.

Ngoài Âu Lạc, bà Ngô Thu Thúy còn sở hữu một số doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Thiên Hương, Công ty Cổ phần KCN Tân An Thạnh – Long An, Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Đồng Nai, Công ty Cổ phần Làng Giáo dục Quốc tế Thiên Hương...

>> ACB bổ sung thêm 5 cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ

Eximbank (EIB) giảm lãi suất 1% hỗ trợ khách hàng sau bão Yagi

Ngân hàng ACB ngưng toàn bộ giao dịch đối với khách hàng sử dụng chứng minh nhân dân

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhom-co-dong-moi-tai-acb-va-he-sinh-thai-nghin-ty-lien-quan-den-nu-doanh-nhan-u60-tung-nam-quyen-eximbank-248887.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nhóm cổ đông mới tại ACB và hệ sinh thái nghìn tỷ liên quan đến nữ doanh nhân U60 từng nắm quyền Eximbank
POWERED BY ONECMS & INTECH