Nhóm cổ phiếu liên doanh VIETUR bị xả bán đồng loạt, VN-Index rơi về 1.210
Sau khi chinh phục bất thành cao điểm 1.230 điểm, áp lực bán lớn xuất hiện đã khiến VN-Index liên tục điều chỉnh, hiện chỉ còn 1.210 điểm.
Đóng cửa:
VN-Index giảm 9,5 điểm về mức 1.211 điểm; HNX-Index giảm 1,54 điểm trong khi UPCoM-Index kịp hồi trở lại tham chiếu. Thanh khoản cả 3 sàn đạt 24.400 tỷ đồng.
Cuối phiên, nhóm VN30 còn 7 mã tăng trong đó NVL, MSN, ACB, SAB, MWG tăng từ 1 - 2%). Ngược lại, có 22 mã giảm giá trong đó PLX, HPG, TPB, VHM giảm từ 2 - 3%; các mã VIC, CTG, VCG, BID cũng đóng cửa trong sắc đỏ.
Ở nhóm nhỏ lẻ, các cổ phiếu VSF, VC7, MHC, AGM đóng cửa tăng trần; FRT, VIX cũng tăng trên 3%; một số mã lớn như BCG, GEX, DBC cũng đóng cửa tăng trên 2%.
Khối ngoại bán ròng 64 tỷ trên sàn HOSE, 53 tỷ trên UPCoM trong khi mua ròng 35 tỷ đồng trên sàn HNX. CTF, DCM, CTG được mua từ 1,5 - 2,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, MWG, VND, HPG bị bán từ 1 - 3,3 triệu cổ phiếu.
14h:
Các cổ phiếu của doanh nghiệp trong liên danh VIETUR (PHC, CC1, HAN, VCG) đồng loạt bị bán mạnh trong đó VCG giảm 4% và HAN giảm 7,5%. Ở liên danh Hoa Lư, trong khi HBC giảm 2,3% thì CTD vẫn duy trì sắc xanh với mức 1,6%.
Ở nhóm trụ, cổ phiếu HPG chịu lực bán lớn và giảm về dưới móc 27.000 đồng/cp; các mã PLX, POW, STB, SSI, VPB cũng giảm trên 1%.
11h30:
Thị trường chứng khoán khởi động phiên 3/8 tương đối thận trọng, dòng tiền vào các cổ phiếu bluechips bắt đầu chậm lại.
Sau những phút đi lình xình ngay phía trên tham chiếu, thị trường bất ngờ bị bán mạnh sau 11h15 khiến VN-Index rơi khỏi 1.220 điểm.
Ở nhóm VN30, ACB và MWG là 2 mã duy nhất đang tăng trên 1%. POW, PLX, HPG gây sức ép ở chiều ngược lại.
Giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 11.200 tỷ đồng trong đó dòng tiền lớn đang giao dịch tập trung ở các cổ phiếu HPG, VIX, VND, NVL, BCG, DIG, LCG.
Sau nhịp thăng hoa, cổ phiếu SJS và VCG cùng chịu áp lực bán lớn và giảm trên 3%. Nhóm doanh nghiệp buôn gạo như TAR, PAN, TLG cũng bị bán trở lại.
9h50:
Dòng tiền bắt đầu giao dịch chậm lại ở nhóm cổ phiếu trụ khi các cổ phiếu quốc dân như HPG, NVL, POW, PDR đang giảm nhẹ. VIC, MWG, GVR, VJC là các mã tăng đáng kể song cũng chỉ biên độ quanh 1%.
Dấu ấn đáng kể nhất lúc này đến từ sự đồng thuận của nhóm cổ phiếu xây dựng - hạ tầng khi CC1 - HAN - PHC, CTD, LCG, FCN, HHV đang tăng giá.
Trong khi đó, cổ phiếu VCG giảm 3,1% sau thông tin CTCP Đầu tư Pacific Hodings, tổ chức có liên quan đến ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex đăng ký bán 39 triệu cổ phiếu từ 7/8 - 5/9 theo phương thức khớp lệnh/thỏa thuận.
Nếu bán thành công, đơn vị này sẽ hạ tỷ lệ sở hữu từ 280 triệu đơn vị (tương ứng 52,4% vốn) xuống còn 241,2 triệu đơn vị (tương ứng 45,1% vốn) và không còn công ty mẹ của Vinaconex.
Các mã đáng chú ý khác có VSF, AFX, ABS cũng tăng mạnh.
Cổ phiếu DBC của Dabaco tăng 3,7% lên mức 26.450 đồng (giá cũ cuối tháng 9/2022). Một gap tăng đang được ghi nhận.
7,1 triệu cổ phiếu DBC đã được sang tay chỉ sau chưa đầy 1h giao dịch (cao hơn toàn bộ phiên trước đó).
Tính từ giữa tháng 3, đến nay cổ phiếu Dabaco đã tăng gần gấp đôi giá trị.
Xem thêm: Giá lợn tăng cao, Dabaco báo lãi quý 2 gấp 23 lần cùng kỳ
Nhóm Midcap ‘gánh’ thị trường, cổ phiếu NVL tăng tốc sau khi báo lãi khủng
Vĩ mô biến động mở ra 'thế trận' mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam