Thế giới

Nhóm dân tộc thiểu số kỳ vọng giải bài toán dân số ở Hàn Quốc

Việt Anh 25/09/2024 - 20:42

Trong bối cảnh thiếu hụt lao động và tỷ lệ sinh giảm mạnh, chính sách khuyến khích nhập cư của Hàn Quốc đang thu hút một nhóm dân tộc thiểu số từ khu vực Trung Á.

Tọa lạc ở Asan - một thành phố công nghiệp gần thủ đô Seoul, Dunpo thoạt nhìn không khác gì những trường tiểu học khác ở Hàn Quốc. Song nếu tìm hiểu kỹ, ngôi trường này có điểm đặc biệt là hầu hết học sinh dù có vẻ ngoài giống người Hàn Quốc, nhưng hầu như không nói được tiếng Hàn.

"Nếu em không dịch sang tiếng Nga, các bạn khác sẽ không hiểu bất kỳ bài giảng nào", Kim Yana, một trong những học sinh hiếm hoi biết nói tiếng Hàn ở Dunpo, thổ lộ. Gần 80% học sinh của trường này được xếp vào diện "đa văn hóa", tức không phải công dân Hàn Quốc hoặc có cha/mẹ không phải công dân Hàn Quốc. Đa số các em được gọi là “Koryoin”, thuật ngữ chỉ người gốc bán đảo Triều Tiên đến từ các nước khu vực Trung Á.

Koryoin là hậu duệ của những người di cư từ bán đảo Triều Tiên đến vùng Viễn Đông của Đế quốc Nga từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, và được chính quyền Liên Xô cũ đưa sang Trung Á để tái định cư vào những năm 1930. Nhiều thế hệ người Koryoin hiện vẫn sống ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Uzbekistan và Kazakhstan. Họ gần như đã hòa nhập với văn hóa nước sở tại và lãng quên tiếng “mẹ đẻ” của mình.

Kim Yana là một trong những học sinh hiếm hoi biết nói tiếng Hàn ở trường tiểu học Dunpo (Hàn Quốc). Ảnh: BBC
Kim Yana là một trong những học sinh hiếm hoi biết nói tiếng Hàn ở trường tiểu học Dunpo (Hàn Quốc). Ảnh: BBC

Hàn Quốc bắt đầu cấp quyền cư trú cho người Koryoin cũng như các sắc tộc gốc bán đảo Triều Tiên tại Trung Quốc sau phán quyết lịch sử của Tòa án hiến pháp năm 2001. Song phải từ năm 2014 trở đi, lượng người Koryoin trở về Hàn Quốc bắt đầu tăng nhanh khi họ được phép đưa gia đình hồi hương.

Khoảng 760.000 người gốc bán đảo Triều Tiên từ Trung Quốc và các nước nói tiếng Nga sống tại Hàn Quốc trong năm 2023, chiếm khoảng 30% số người nước ngoài sinh sống và học tập ở quốc gia này. Trong bối cảnh thiếu hụt lao động và tỷ lệ sinh giảm mạnh, chính sách khuyến khích nhập cư của Chính phủ Seoul đang khiến người Koryoin và các nhóm dân tộc thiểu số gốc bán đảo Triều Tiên khác được hưởng lợi.

Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và liên tục giảm theo thời gian. Năm 2023, tỷ lệ sinh của nước này chỉ là 0,72, thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để duy trì dân số ổn định nếu không tính người nhập cư là 2,1. Theo uớc tính, nếu xu hướng này tiếp diễn, dân số Hàn Quốc có nguy cơ giảm tới một nửa vào năm 2100.

Theo Bộ Việc làm & Lao động Hàn Quốc, nước này sẽ cần thêm 894.000 lao động, đặc biệt trong ngành dịch vụ, để "đạt được dự báo tăng trưởng kinh tế dài hạn" trong thập kỷ tới. Nhập khẩu lao động từ bên ngoài, đặc biệt là lao động gốc bán đảo Triều Tiên, hiện được xem là giải pháp để khỏa lấp con số trên.

“Thị thực cho người nước ngoài của Hàn Quốc thường được xem là một hình thức hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số gốc bán đảo Triều Tiên, song trên thực tế, nó chủ yếu phục vụ mục đích cung cấp nguồn lao động ổn định cho ngành sản xuất”, nhà nghiên cứu Choi Seori từ Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo di dân (MRTC) cho biết.

Một bảng hiệu được ghi bằng cả tiếng Hàn và Nga ở quận Sinchang, thành phố Asan (Hàn Quốc). Ảnh: BBC
Một bảng hiệu được ghi bằng cả tiếng Hàn và Nga ở quận Sinchang, thành phố Asan (Hàn Quốc). Ảnh: BBC

Ông Lee, một nhà tuyển dụng tại Asan, cũng nêu bật sự phụ thuộc của ngành sản xuất ở Hàn Quốc vào nguồn lao động nhập cư: “Nếu không có người Koryoin, các nhà máy ở đây sẽ không hoạt động".

Định kiến về thân thế

Khuyến khích nhập cư có thể là lời giải cho vấn đề nhân công, nhưng cũng đi kèm một loạt vấn đề khác đối với một xã hội vốn đề cao thuần nhất sắc tộc như Hàn Quốc. Một trong số đó là vấn để ngôn ngữ.

Trường Dunpo đã nỗ lực vượt qua rào cản trên qua việc mở các lớp bổ túc tiếng Hàn kéo dài 2 tiếng/ngày cho học sinh “đa văn hóa”, song nhiều giáo viên vẫn lo ngại khả năng “gần như không hiểu bài” của các học sinh này khi lên bậc học cao hơn.

Không những vậy, do tính cạnh tranh học tập gắt gao ở Hàn Quốc, Dunpo đang có nguy cơ đánh mất các học sinh bản xứ. Phụ huynh những học sinh này lo rằng việc học của con em mình sẽ bị ảnh hưởng do các bài học bị giảng chậm hơn để phù hợp với các học sinh người Koryoin.

Dù vậy, một khảo sát được tiến hành trên toàn quốc năm 2021 cho thấy tỷ lệ đỗ cấp 3 của học sinh “đa văn hóa” vẫn thấp hơn các bạn Hàn Quốc đồng trang lứa. Nhà nghiên cứu Park Min Jung từ MRTC lo ngại nhiều học sinh Koryoin sẽ bỏ học nếu không nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Một lớp bổ túc tiếng Hàn cho học sinh “đa văn hóa” ở trường tiểu học Dunpo (Hàn Quốc). Ảnh: BBC
Một lớp bổ túc tiếng Hàn cho học sinh “đa văn hóa” ở trường tiểu học Dunpo (Hàn Quốc). Ảnh: BBC

Sự phân biệt đối xử không chỉ nằm ở khía cạnh ngôn ngữ. Ni Denis, người Koryoin mới hồi hương từ Kazakhstan năm 2018, thổ lộ nhiều hàng xóm người Hàn Quốc của anh đã chuyển đi bởi “dường như họ không thích có hàng xóm là người Koryoin”. Ngoài ra, anh từng được nghe kể về những trường hợp cha mẹ Hàn Quốc không cho con cái họ chơi với các trẻ em Koryoin do chúng thường tỏ ra “thô lỗ” trong các cuộc cãi vã.

Seong Dong Gi, một chuyên gia về người Koryoin tại Đại học Inha, bày tỏ quan ngại về cách người Hàn Quốc đón nhận dân nhập cư từ nước khác, Theo bà, đã có một số "phản kháng đáng kể" từ người Hàn Quốc bản xứ với chính những người nhập cư gốc bán đảo Triều Tiên, dù hai bên "không có vẻ ngoài khác biệt".

Rào cản về pháp lý

Là nơi sinh sống của khoảng 2,5 triệu người nước ngoài tính riêng năm 2023, Hàn Quốc được xem là điểm đến lý tưởng của người lao động từ các nước như Nepal, Campuchia hay Việt Nam.

Song theo giám đốc MRTC Lee Chang Won, Hàn Quốc vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng nào về vấn đề nhập cư ở cấp độ quốc gia. "Giải quyết vấn đề dân số của đất nước giờ đã là một ý tưởng muộn màng", ông cho biết.

Cũng theo giám đốc MRTC, chính sách nhập cư hiện tại ở Hàn Quốc "chỉ có trọng lượng đối với những người lao động có trình độ thấp", dẫn đến "quan điểm chung" rằng người nước ngoài chỉ làm việc một thời gian ngắn tại đây rồi rời đi. Do đó, kế hoạch định cư lâu dài cho tất cả người nhập cư còn ít được thảo luận.

Theo luật pháp hiện hành, Chính phủ Hàn Quốc chỉ được yêu cầu hỗ trợ một số mặt như đào tạo nghề cho những người nước ngoài kết hôn với người Hàn Quốc bản xứ. Tuy nhiên, những quyền tương tự không được mở rộng cho các gia đình có toàn bộ thành viên là người nước ngoài.

Các nhà phân tích đã hối thúc việc nhanh chóng ra bộ luật mới để bảo vệ quyền lợi cho những gia đình người nước ngoài tại Hàn Quốc, song theo một quan chức giấu tên ở Asan, rất khó để đảm bảo nguồn tài trợ cho những cơ sở hỗ trợ gia đình người Koryoin, vì chưa có khung pháp lý nào cho phép làm điều đó.

 Ni Denis (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình. Ảnh: Ni Denis
Ni Denis (ngoài cùng bên phải) cùng gia đình. Ảnh: Ni Denis

Dẫu vậy, Ni Denis cho hay anh không hối hận về quyết định chuyển đến Hàn Quốc, vì tại đây, anh vẫn có được môi trường sống tốt hơn và mức lương cao hơn ở Kazakhstan.

“Đối với các con tôi, đây mới là nhà", Ni Denis chia sẻ. "Khi quay lại Kazakhstan, chúng đã hỏi: “Tại sao chúng ta ở đây? Bọn con muốn về lại Hàn Quốc."

>> Sân bay top đầu thế giới của Hàn Quốc tạm dừng hoạt động cất hạ cánh trong 90 phút do bóng bay từ Triều Tiên

Báo ngoại: Ông lớn Hàn Quốc SK Group cân nhắc bán 65% cổ phần ở Imexpharm (IMP)

Cảnh sát Hàn Quốc bị cản trở khi khám xét văn phòng Tổng thống Yoon Suk-yeol

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/nhom-dan-toc-thieu-so-ky-vong-giai-bai-toan-dan-so-o-han-quoc.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nhóm dân tộc thiểu số kỳ vọng giải bài toán dân số ở Hàn Quốc
    POWERED BY ONECMS & INTECH