Như thế nào là một “cái chết tốt đẹp” ở Trung Quốc?
Sau khi dành nhiều năm để nghiên cứu người Trung Quốc mong muốn trải qua những giây phút cuối cùng của cuộc đời như thế nào, một giáo sư tại đất nước tỷ dân đã nhận thấy hầu hết những người được hỏi đều nhấn mạnh tầm quan trọng của gia đình, ít ai đề cập đến sự lựa chọn cá nhân.
Ở Trung Quốc, có một câu chúc phổ biến: “Ngũ phúc lâm môn” (Năm phước lành cùng tới cửa), có thể hiểu “ngũ phúc” ở đây bao gồm trường thọ, giàu có, sức khỏe, đức hạnh và một “cái chết tốt đẹp”. Điều cuối cùng thường đề cập đến các trường hợp từ trần vì nguyên nhân tự nhiên sau một cuộc đời dài, với mức độ đau khổ tối thiểu. Người Trung Quốc cho rằng một kết thúc tốt đẹp cho cuộc đời của một con người là điều vô cùng may mắn.
Sau nhiều thập kỷ xã hội phát triển nhanh chóng, liệu những người dân Trung Quốc có thay đổi về cách nhìn nhận cái chết? Và họ định nghĩa thế nào là một “cái chết tốt đẹp”? Những câu hỏi đó luôn quẩn quanh trong tâm trí giáo sư xã hội học Tu Jiong khi bà thực hiện nghiên cứu tâm lý trên các bệnh nhân mắc ung thư vào năm 2014. Sau đó bà Tu quyết định triển khai một nghiên cứu về chăm sóc cuối đời vào năm 2017 để hiểu rõ hơn về việc người dân nước này mong muốn đón nhận cái chết như thế nào.
Kết quả thu được khá bất ngờ. Mặc dù Trung Quốc đã trải qua những thay đổi kinh tế và xã hội mạnh mẽ nhưng quan niệm của người dân về cái chết vẫn mang tính truyền thống. Khi được khảo sát, hầu hết mọi người đều cho rằng một “cái chết tốt đẹp” sẽ bao gồm chết già, chết tự nhiên tại nhà hoặc chết trong giấc ngủ. Đối với họ, lý tưởng nhất là họ vẫn có thể sinh hoạt như bình thường, tự chăm sóc bản thân và không phải chịu nhiều đau đớn về thể xác những ngày cuối đời.
Trong khi đó, nếu một người đột ngột qua đời do tai nạn giao thông, tự tử, bị sát hại hoặc sai sót y khoa, thì sẽ được coi là “cái chết oan uổng”. Một căn bệnh bất ngờ như xuất huyết não hay đau tim tước đoạt mạng sống cũng được coi là điềm gở, khiến linh hồn người đã khuất sẽ không thể siêu thoát, thậm chí có thể reo rắc bất hạnh cho người thân còn sống.
Tất cả những điều này đều phù hợp với quan niệm truyền thống của Trung Quốc về một cái chết tốt đẹp. Người ta thường ghen tị với những người chết ở tuổi già vì họ có đủ thời gian để chuẩn bị và sắp xếp ổn thỏa cho con cháu và bản thân mình.
Ngoài ra, sự hiện diện của gia đình và bạn bè vào những ngày cuối đời cũng vô cùng quan trọng. Hầu hết người dân Trung Quốc không có niềm tin tôn giáo rõ ràng có thể giúp họ đối mặt với cái chết; do đó, những người thân phải luôn bên cạnh để giúp đỡ họ đón nhận cái chết một cách bình thản.
Khi đến một bệnh viện ở Trung Quốc, không khó để bắt gặp khung cảnh con cháu túc trực bên giường bệnh những ông lão, bà lão chuẩn bị bước sang thế giới bên kia. Còn đối với những gia đình có người mắc bệnh nan y phải chăm sóc tại nhà, người thân luân phiên nhau trông chừng người bệnh suốt ngày đêm cho đến khi họ qua đời. Nếu không có thành viên nào trong gia đình bên cạnh khi tắt hơi thở cuối cùng thì đó được coi là một cái chết cô độc.
Tuy nhiên, với công nghệ y học hiện đại như ngày nay, các cơ sở y tế và các chuyên gia ở Trung Quốc đang dần đảm nhận trách nhiệm chăm sóc cuối đời cho người dân ở nước này trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng.
Có rất nhiều bệnh nhân lớn tuổi ở bệnh viện hoặc viện dưỡng lão dễ bị tách biệt khỏi gia đình và các mối quan hệ xã hội. Họ sống trong một không gian độc lập và giảm dần các hoạt động xã hội trước đây, vì vậy dẫn đến các mối quan hệ bắt đầu rạn nứt và ngày càng ít người đến thăm họ; bị lãng quên có thể là kết cục của những ông lão, bà lão này.
Sự can thiệp ngày càng tăng của công nghệ y học đồng nghĩa với việc nhiều gia đình Trung Quốc hiện phải trả những khoản tiền lớn nhằm kéo dài sự sống cho người thân của họ. Đây thường là biểu hiện của lòng hiếu thảo, tuy nhiên, điều này cũng khiến bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn hơn về mặt thể chất.
Nhiều người được hỏi, bao gồm cả các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc bệnh nhân phải chịu đựng một mình trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Một bệnh nhân từng nằm trong phòng ICU đã sợ hãi kể lại quá trình đặt nội khí quản, duy trì sự sống bằng nhiều loại máy móc khác nhau, nằm bất động trên giường và chỉ được nhìn người nhà qua tấm kính. “Địa ngục so với ICU hẳn không khác là bao”, người này nói.
Dường như có một sự mâu thuẫn giữa mong muốn có một cái chết tốt đẹp của người Trung Quốc và sự phát triển của công nghệ y học hiện đại.
Tuy nhiên, quan niệm của người Trung Quốc về “cái chết tốt đẹp” cũng không tương thích với những quan niệm ở phương Tây, nhất là về ưu tiên quyền cá nhân.
Những người được phỏng vấn hầu như không đề cập đến sự lựa chọn cá nhân và quyền tự chủ của người sắp chết. Ngược lại, gia đình vẫn đóng một vai trò quan trọng ngay cả khi họ chuẩn bị bước sang thế giới bên kia. Đối với người Trung Quốc, sống một cuộc sống toàn tâm toàn ý cho gia đình đến tận giây phút cuối cùng là cuộc sống có ý nghĩa nhất.
Cốt lõi văn hóa đằng sau quan niệm này ở Trung Quốc chính là Nho giáo. Theo đó, Khổng Tử nhấn mạnh đến các khía cạnh xã hội và đạo đức của cái chết, chẳng hạn như mối quan hệ giữa người sắp chết với gia đình, dòng tộc, dân tộc và thậm chí cả xã hội nói chung. Trọng tâm là gắn cuộc sống của một cá nhân vào một cộng đồng lớn hơn để tạo ra ý nghĩa vượt xa cuộc sống của cá nhân đó.
Suy cho cùng, ở bất cứ nền văn hóa nào, khi thảo luận về một vấn đề lớn như cái chết, đều phải nhìn nhận con người và những mong muốn thực sự của họ. Với sự phát triển không ngừng của y học hiện đại, sẽ ngày càng có nhiều cách để trì hoãn cái chết, cùng với đó là nỗi ám ảnh ngày càng tăng của các thành viên trong gia đình về việc phải làm “bất cứ điều gì” để kéo dài sinh mệnh cho người thân của mình.
Tuy nhiên, cái chết không chỉ là vấn đề y tế hay gia đình. Việc một người chọn lựa cách kết thúc cuộc đời có lẽ là quyết định quan trọng nhất mà họ có thể đưa ra cho chính mình. Vì vậy, mong muốn và giá trị của họ cần được tôn trọng.