Thế giới

'Trái tim' ngành năng lượng Mỹ chịu đòn kép vì thuế quan, nguy cơ phá sản lan rộng

Vũ Bấc 11/04/2025 - 17:59

Giá dầu lao dốc do chiến tranh thương mại và nguồn cung tăng vọt từ OPEC đang khiến ngành dầu đá phiến – trụ cột của năng lượng Mỹ – lâm vào khủng hoảng.

Ngành dầu đá phiến của Mỹ đang đứng trước thách thức nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, khi giá dầu thô bất ngờ lao dốc do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khơi mào. Nhiều giám đốc điều hành cảnh báo rằng cú sốc giá này đã đẩy một số doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Chỉ trong một tuần sau khi ông Trump công bố áp thuế trong chiến dịch gọi là "ngày giải phóng", giá dầu tại Mỹ đã giảm 12%, xuống dưới mức mà nhiều nhà khai thác ở Texas cho là cần thiết để đạt điểm hòa vốn. Diễn biến này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đóng cửa hàng loạt các giàn khoan dầu.

'Trái tim' ngành năng lượng Mỹ chịu đòn kép vì thuế quan, nguy cơ phá sản lan rộng - ảnh 1
Các mỏ dầu đá phiến Bakken ở bang Bắc Dakota đang đứng trước nguy cơ cao phải đóng cửa nếu giá dầu thấp duy trì trong thời gian tới

Trong khi đó, quyết định mới nhất từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về việc tăng sản lượng đã khiến thị trường thêm phần rúng động.

“Điều này khiến tôi liên tưởng đến thời điểm đại dịch Covid-19", ông Kirk Edwards – Chủ tịch Latigo Petroleum, công ty khai thác độc lập tại Odessa, Texas – chia sẻ, nhắc đến cú sập giá năm 2020 từng gây ra làn sóng phá sản trong ngành dầu đá phiến.

Hiện thị trường năng lượng đang phải đối mặt với "đòn giáng kép": một mặt là nhu cầu sụt giảm, mặt khác là nguồn cung mới từ các nhà sản xuất lớn như Ả Rập Xê Út – quốc gia vừa tuyên bố sẽ tăng tốc đẩy mạnh sản lượng trong thời gian tới.

“Nếu giá dầu không phục hồi trong vài tháng tới, ngành công nghiệp tại lưu vực Permian – mỏ dầu lớn nhất thế giới và trung tâm khai thác của Mỹ – có thể sẽ chứng kiến những biến động tàn khốc", ông Edwards cảnh báo.

Ông Bill Smead – Giám đốc đầu tư tại Smead Capital Management, quỹ đang nắm giữ cổ phần tại nhiều công ty dầu đá phiến – gọi tình hình hiện tại là một “mớ hỗn độn”, đồng thời lo ngại rằng khủng hoảng sẽ khiến nhà đầu tư quay lưng với lĩnh vực dầu khí.

“Ông Trump muốn giá dầu giảm xuống 50 USD/thùng – nhưng nếu điều đó xảy ra, một nửa số công ty trong ngành này sẽ biến mất”, ông nói. “Chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng sáp nhập và thâu tóm (M&A), nơi các công ty lớn nuốt chửng những đối thủ yếu hơn".

Đà bán tháo dầu mạnh mẽ trong những ngày gần đây diễn ra song song với sự hỗn loạn trên các sàn chứng khoán toàn cầu – hậu quả trực tiếp từ quyết định khai màn chiến tranh thương mại diện rộng của ông Trump.

Tổng thống Mỹ hôm thứ Tư tuyên bố sẽ rút lại mức thuế khắc nghiệt nhất từng được đề xuất, động thái giúp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm mạnh. Giá dầu cũng bật tăng, với dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đạt 63 USD/thùng — tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh giá trong năm và chưa đủ để giúp các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Các chuyên gia cảnh báo, việc ông Trump tạm hoãn áp thuế lên Trung Quốc — quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới — có thể chỉ mang lại hiệu ứng ngắn hạn. Triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu vẫn đang bị phủ bóng.

“Đã từng có nhiều kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu dầu năm nay. Nhưng giờ thì mọi thứ coi như tan biến", ông Bill Farren-Price từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định.

Với giá dầu dưới ngưỡng 60 USD/thùng, nhiều nhà sản xuất Mỹ đối mặt với bài toán lợi nhuận đầy cam go, đặc biệt là tại các mỏ đã bước vào giai đoạn suy thoái. Điều này có thể dẫn đến việc giảm hoạt động khoan, đóng cửa giàn khoan và sa thải lao động hàng loạt.

Theo hãng phân tích Rystad Energy, mức giá hòa vốn trung bình của các công ty dầu đá phiến Mỹ — bao gồm chi phí trả nợ và cổ tức — lên tới 62 USD/thùng WTI. Khi giá thị trường thấp hơn ngưỡng này, khả năng chịu đựng của ngành trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Đáng lo ngại hơn, Ả Rập Xê Út — quốc gia có chi phí khai thác thấp hàng đầu thế giới — được cho là đang chuẩn bị bơm thêm dầu để giành thị phần, bất chấp nguy cơ đẩy giá dầu xuống mức thấp mới. OPEC đã quyết định bổ sung 400.000 thùng/ngày vào nguồn cung toàn cầu, tạo áp lực giảm giá ngay cả trước khi cuộc chiến thương mại bùng nổ.

Diễn biến tiêu cực kéo theo đợt bán tháo cổ phiếu mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp đá phiến, vốn đang phải chịu chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các hình thức khai thác truyền thống. Occidental Petroleum và Devon Energy đã chứng kiến giá trị vốn hóa giảm hơn 12% chỉ trong vòng năm ngày kể từ khi Tổng thống Trump công bố chính sách "thuế quan ăn miếng trả miếng".

Dù quy mô đợt sụt giảm lần này chưa thể so sánh với cú sập lịch sử năm 2020 — khi giá dầu WTI có thời điểm xuống dưới 0 USD/thùng do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu toàn cầu tê liệt — nhưng lo ngại vẫn hiện hữu. Thời điểm đó, ngành công nghiệp đá phiến rơi vào đóng băng sâu, hàng loạt doanh nghiệp phá sản và hàng nghìn người lao động mất việc.

Tuy vậy, ngành dầu đá phiến Mỹ hiện đã có bước phục hồi mạnh mẽ. Dưới áp lực từ Phố Wall, các công ty đã cải thiện bảng cân đối kế toán và hạn chế các khoản đầu tư khoan mạo hiểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính “kỷ luật vốn” trong giai đoạn hậu Covid đã giúp ngành này có sức đề kháng tốt hơn trước một đợt suy thoái mới.

Sau cú sốc lịch sử vào năm 2020, sản lượng dầu của Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ, đạt mức kỷ lục hơn 13 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Đây được xem là thành tựu đáng kể, giúp Mỹ duy trì vị thế là một trong những nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, viễn cảnh lạc quan đó đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi căng thẳng thương mại. Nhiều nhà phân tích từng kỳ vọng sản lượng sẽ tiếp tục lập đỉnh trong năm nay, nay buộc phải điều chỉnh lại dự báo khi thị trường đối mặt với nhiều bất ổn cùng lúc.

Động thái cắt giảm hoạt động khoan, gia tăng áp lực chi phí và tâm lý e ngại đầu tư mới đang khiến triển vọng tăng trưởng của ngành dầu đá phiến lung lay. Một khi sản lượng suy giảm, không chỉ ngành năng lượng mà cả nền kinh tế Mỹ cũng sẽ chịu tác động dây chuyền — đặc biệt là tại các bang phụ thuộc lớn vào ngành khai thác như Texas và North Dakota.

Tham khảo Financial Times (FT), Wall Street Journal (WSJ)

>> Không còn là dầu mỏ, điện trở thành động lực tăng trưởng số 1 của kinh tế Mỹ

Tăng thuế 3 lần trong 8 ngày, lên 120%: Mỹ nhắm thẳng vào Temu, Shein

Một loại tài sản vừa lập đỉnh kỷ lục, được nhận định là nơi an toàn nhất trong cơn bão thuế quan

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/trai-tim-nganh-nang-luong-my-chiu-don-kep-vi-thue-quan-nguy-co-pha-san-lan-rong-140242.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Trái tim' ngành năng lượng Mỹ chịu đòn kép vì thuế quan, nguy cơ phá sản lan rộng
    POWERED BY ONECMS & INTECH