ADB: Trung Quốc sẽ ‘bơm tiền’ để chống thuế quan Mỹ, nhưng chưa thể cứu thị trường BĐS?
ADB cảnh báo, dù Bắc Kinh có thể tiếp tục tung ra các gói kích thích để “giữ nhịp” cho nền kinh tế, nhưng tất cả có nguy cơ bị cuốn vào “lỗ đen” bất động sản – nơi đang hút sạch dòng tiền và làm tê liệt hiệu quả của mọi chính sách hỗ trợ.
Sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế bổ sung đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ tháng 4/2025, Ngân hàng Phát triển châu Á (Asian Development Bank – ADB) nhận định Bắc Kinh sẽ phải tăng tốc bơm tiền thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm đối phó với cú sốc thương mại này.
Tuy nhiên, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á – Tháng 4/2025, tổ chức này nhấn mạnh rằng “việc kích thích thông qua nới lỏng chính sách tài khóa – tiền tệ chỉ có thể bù đắp một phần tác động từ thuế quan và nhu cầu nội địa yếu”. Quan trọng hơn, ADB cảnh báo rằng “khủng hoảng bất động sản vẫn là rủi ro lớn nhất đối với triển vọng kinh tế Trung Quốc”.
Kinh tế Trung Quốc đang rơi vào thế giằng co nguy hiểm: một mặt là áp lực tăng trưởng do hàng rào thuế quan dày đặc hơn; mặt khác là những rào cản nội tại chưa được tháo gỡ – từ tiêu dùng hộ gia đình yếu ớt, thị trường lao động chưa phục hồi, đến bong bóng bất động sản đang xì hơi một cách không kiểm soát.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục “bơm tiền” có thể chỉ là giải pháp ngắn hạn nếu không đi kèm với các cải cách cơ cấu sâu rộng, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, tài khóa địa phương và khôi phục niềm tin hộ gia đình.
Tiêu dùng “nín thở”, niềm tin thấp kỷ lục, tiền bơm ra nhưng không chảy vào thị trường
Theo ADB, tiêu dùng hộ gia đình – một trụ cột quan trọng của tăng trưởng Trung Quốc tiếp tục suy yếu nghiêm trọng trong năm 2024. Đóng góp của tiêu dùng vào tăng trưởng GDP chỉ còn 2,2 điểm phần trăm, giảm mạnh so với 4,6 điểm của năm 2023.
Nguyên nhân đến từ thu nhập thực tế tăng chậm, tâm lý phòng thủ và niềm tin tiêu dùng ở mức rất thấp. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) giảm từ 87,6 điểm cuối năm 2023 xuống còn 86,4 điểm cuối 2024 – cách rất xa mức 126,6 điểm trước đại dịch.
![]() |
Tăng trưởng GDP Trung Quốc suy yếu do tiêu dùng hộ gia đình giảm tốc. Nguồn: CEIC Data Company; ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). |
Để kích cầu, Chính phủ Trung Quốc đã tung ra chương trình “đổi cũ lấy mới” từ quý I/2024 và mở rộng quy mô trong quý III với khoản phát hành trái phiếu kho bạc đặc biệt trị giá 150 tỷ nhân dân tệ, tương đương 0,11% GDP. Tuy nhiên, ADB đánh giá chương trình này chỉ có tác động cục bộ và ngắn hạn, chủ yếu thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng được trợ giá như ô tô, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng. Tổng thể, doanh số bán lẻ cả năm vẫn yếu và chưa tạo được động lực lan tỏa.
Thị trường lao động càng làm trầm trọng thêm tâm lý e ngại chi tiêu. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ngoài sinh viên đạt đỉnh 18,8% trong tháng 8/2024 và chỉ hạ nhẹ còn 15,7% vào tháng 12. Chỉ số kỳ vọng việc làm – một thành tố trong khảo sát niềm tin tiêu dùng – giảm 6,6 điểm phần trăm so với năm trước, phản ánh sự đứt gãy giữa cung cầu kỹ năng lao động và tình trạng tuyển dụng cầm chừng trong khu vực tư nhân.
Công nghiệp công nghệ cao tăng tốc, nhưng bất động sản vẫn là “tử huyệt” bào mòn tăng trưởng
Một điểm sáng trong nền kinh tế Trung Quốc năm 2024 là đầu tư vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao, tăng tới 9,2% nhờ các chương trình nâng cấp thiết bị và ưu đãi thuế. Khu vực công nghiệp thứ cấp tăng trưởng 5,3%, trong khi sản xuất công nghệ cao đạt 8,9%, với mức tăng hai chữ số ở các lĩnh vực như pin năng lượng mới, vi mạch và thiết bị điện tử thông minh.
![]() |
Đầu tư tài sản cố định: Công nghiệp tăng mạnh, bất động sản lao dốc sâu hơn. Nguồn: CEIC Data Company. |
Thế nhưng, bất động sản – lĩnh vực từng chiếm gần 30% tổng đầu tư toàn xã hội, tiếp tục là điểm nghẽn lớn nhất. Đầu tư vào lĩnh vực này giảm 10,6%, thậm chí còn thấp hơn mức -9,6% của năm trước. Giá nhà tại 70 thành phố lớn giảm trung bình 4,5%, trong khi tồn kho tiếp tục gia tăng.
Theo ADB, “nếu không tái cấu trúc thị trường bất động sản, các gói tín dụng bơm ra sẽ chỉ bị hấp thụ vào hàng tồn kho, mà không tạo ra đầu tư thực chất".
Tổng đầu tư cố định năm 2024 tăng 3,2%, đóng góp 1,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP, thấp hơn 1,4 điểm năm 2023. Đáng lo ngại, đầu tư tư nhân giảm 0,1% – mức âm đầu tiên kể từ sau khủng hoảng Evergrande.
Ở cấp địa phương, thu ngân sách giảm 3,4% do doanh thu từ bán đất lao dốc, còn chi tiêu công không tăng tương ứng khiến thâm hụt ngân sách tăng từ 4,5% lên 4,8% GDP. ADB khuyến nghị “Trung Quốc cần sớm chuyển sang mô hình tài khóa bền vững không phụ thuộc vào đất đai”.
Xuất khẩu gồng gánh GDP nhưng “chạy trước thuế” không thể kéo dài
Năm 2024, xuất khẩu ròng đóng góp 1,5 điểm phần trăm vào GDP – đảo chiều hoàn toàn so với mức âm –0,6 điểm năm 2023. Động lực đến từ hiện tượng “chạy trước thuế” (frontloading) khi các doanh nghiệp Mỹ tăng nhập hàng cơ khí, bán dẫn và thiết bị điện tử trước thời điểm thuế 46% có hiệu lực. Nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa tăng 7,2%, thặng dư thương mại tăng từ 3,2% lên 4,1% GDP.
![]() |
Xuất khẩu bứt phá giúp thặng dư tài khoản vãng lai tăng mạnh, nhưng dòng vốn đầu tư lại tiếp tục rút ròng. Nguồn: CEIC Data Company. |
Tuy nhiên, theo ADB, “hiệu ứng frontloading sẽ kết thúc nhanh trong quý II/2025”, khi các mức thuế mới bắt đầu tác động đầy đủ. Kèm theo đó là dòng vốn tháo chạy: FDI vào Trung Quốc giảm 89,5% còn 4,5 tỷ USD, trong khi dòng vốn phi-FDI rút ròng tới 136,5 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm.
Dù Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất chính sách và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để bơm thanh khoản, nhưng tổng tín dụng vẫn tăng chậm: tổng tài trợ xã hội chỉ tăng 8,0%, tín dụng ngân hàng tăng 7,0% – thấp nhất kể từ năm 2008. Lạm phát trung bình năm 2024 chỉ 0,2%, lạm phát lõi 0,5%, phản ánh rõ nền kinh tế đang thiếu cầu ở cấp độ cơ cấu. ADB nhận định “dù Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng cần thận trọng để tránh rủi ro mất giá tỷ giá và bong bóng tài sản”.
![]() |
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) liên tục hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Nguồn: CEIC Data Company. |
Tóm lại, theo báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á – Tháng 4/2025 của ADB, Trung Quốc đang bước vào giai đoạn khó khăn chưa từng thấy khi vừa phải bơm tiền để chống lại thuế quan Mỹ, vừa phải loay hoay xử lý khủng hoảng bất động sản và niềm tin tiêu dùng suy giảm.
Nếu không chuyển đổi được mô hình tăng trưởng từ đất đai – đầu tư sang tiêu dùng – công nghệ – thể chế, mọi gói kích thích hiện tại sẽ chỉ như “đổ nước vào cát”.
>> ADB: Vì sao lạm phát giảm sâu nhưng các ngân hàng trung ương vẫn ‘giữ phanh’?
TS Lê Xuân Nghĩa 'giải mã' bài toán bơm tiền, 'ghìm cương' lạm phát
Trung Quốc 'bơm tiền' cho dân mua smartphone, đây là 3 ông lớn hưởng lợi