Nhựa Đông Á: 'Kiếm củi 13 năm thiêu 1 giờ', ngân hàng tới tấp khởi kiện, cổ phiếu rẻ hơn cốc trà đá
Khó khăn đã và đang bủa vây Nhựa Đông Á (mã cổ phiếu: DAG), một doanh nghiệp lâu năm, từng được coi là “ngôi sao mới nổi” của ngành nhựa giai đoạn 2015-2017.
"Kiếm củi 13 năm thiêu 1 giờ"
Báo cáo tài chính kiểm toán mới công bố của Nhựa Đông Á khiến nhiều cổ đông ngỡ ngàng khi năm 2023 lỗ sau thuế đến 607 tỷ đồng. Số lỗ tương đương vốn điều lệ (603 tỷ đồng) và gấp rưỡi tổng lợi nhuận doanh nghiệp làm ra trong suốt 13 năm trước đó (397 tỷ đồng).
Trong 13 năm từ 2010-2022, doanh thu nghìn tỷ nhưng DAG chỉ lãi sau thuế vài chục tỷ đồng mỗi năm, cao nhất gần 60 tỷ đồng (năm 2017) và thấp nhất gần 6 tỷ đồng (năm 2021) |
Ngoài 588 tỷ đồng lỗ lũy kế trên bảng cân đối cuối năm 2023, tài sản của DAG còn tồn tại một số vấn đề trọng yếu, phản ánh qua ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán.
Về khoản phải thu ngắn hạn có nợ xấu trị giá 237 tỷ đồng, kiểm toán cho biết đã gửi thư xác nhận độc lập cho những đối tác này nhưng không nhận được phản hồi.
Tại ngày 31/12/2023, Công ty TNHH MTV Nhựa Đông Á đang theo dõi khoản trả trước cho người bán liên quan đến việc sửa chữa nhà máy và văn phòng với CTCP Xây dựng Thương mại Thăng Long 79 số tiền hơn 8 tỷ đồng.
Những hợp đồng này ký kết và ứng trước thực hiện từ năm 2022. Tuy nhiên, đến năm 2023, Nhựa Đông Á vẫn chưa nghiệm thu loạt hợp đồng trên, đơn vị kiểm toán không nhận được phản hồi khi gửi thư xác nhận.
Về hàng tồn kho, nguyên vật liệu tồn kho và hàng tồn kho tại thời điểm kiểm kê tháng 1/2024 chênh lệch đáng kể với số dư tại 31/12/2023. Trong đó, khoản mục hàng gửi bán trị giá gần 682 tỷ đồng, kiểm toán cho biết không thực hiện được việc chứng kiến kiểm kê thực tế, gửi thư xác nhận độc lập.
DAG đã trích dự phòng giảm giá hàng tồn kho với hàng hóa gửi bán khoảng 307 tỷ đồng và hàng tồn kho gần 98 tỷ đồng. Tuy nhiên, kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng để đánh giá giá trị thuần cần phải trích lập.
Bên kia bảng cân đối, áp lực thanh toán nợ quá hạn đè nặng lên doanh nghiệp. Cuối năm ngoái, DAG có khoản vay quá hạn ngân hàng đã gia hạn 97 tỷ đồng, chưa được gia hạn 348 tỷ đồng. Nhựa Đông Á chưa ghi nhận lãi phạt quá hạn thanh toán, phạt chậm trả theo hợp đồng giá trị ước tính 14,3 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán còn cho biết, doanh nghiệp bị Woori bank, Eximbank, VPBank, HDBank và Chailease khởi kiện.
Ngoài nợ quá hạn tại ngân hàng, DAG nợ thuế 8,9 tỷ đồng, nợ và chậm nộp BHXH 5,9 tỷ đồng, tính đến 31/12/2023. Do nợ thuế, quý IV/2023, công ty mẹ và Công ty TNHH Nhựa Đông Á bị Chi cục thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hóa đơn.
Trước hàng loạt khó khăn, Nhựa Đông Á đã cắt giảm 48% số nhân sự, kiểm toán thông tin thêm.
Từ ngày 8/7, cổ phiếu DAG bị HOSE đưa vào diện cảnh báo do chậm trễ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trước đó, cổ phiếu DAG bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch từ ngày 24/5 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 quá 45 ngày so với quy định.
Nhà máy Nhựa Đông Á. Ảnh: Nhựa Đông Á |
“Ngôi sao mới nổi” một thời
Năm 2001, công ty TNHH Nhựa Đông Á thành lập với vốn điều lệ ban đầu 2,5 tỷ đồng. Một năm sau, công ty đầu tư dây chuyền sản xuất tấm ốp trần, cửa xếp và bắt đầu sản xuất cửa nhựa. Năm 2005, cửa uPVC lõi thép gia cường của Nhựa Đông Á mang nhãn hiệu SmartWindows chính thức vào thị trường.
Thời gian đầu, DAG chưa thể trực tiếp sản xuất thanh Profile, do đó vẫn phải nhập khẩu ở Đức, Trung Quốc,.... Sau gần 2 năm nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường, năm 2007 Công ty trở thành đơn vị tiên phong sản xuất thanh Profile uPVC (nguyên liệu chính để làm cửa uPVC lõi thép) tại Việt Nam. Có thể nói, đây là bước ngoặt quan trọng trong kinh doanh, giúp công ty tự chủ vật liệu, đồng thời thương mại cho đơn vị lắp ráp khác.
Cuối năm 2008, sản phẩm cửa uPVC lõi thép chiếm 25% doanh thu của Đông Á và là sản phẩm tạo nên tiếng vang lớn nhất cho thương hiệu trên thị trường.
Năm 2012, Nhựa Đông Á nhập khẩu 10 dây chuyền đùn Kraussmaffei của Đức và hệ thống trộn của Plasmec Italia với công suất hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Theo thông tin tự công bố, sản phẩm có khả năng chống lão hóa dưới tác dụng của tia cực tím nên thời gian sử dụng lâu hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, kể cả hàng Trung Quốc.
Năm 2016, công ty đầu tư thêm nhà máy sản xuất thanh Profile diện tích gần 20.000 m2 với 17 dây chuyền của Châu Âu nâng tổng công suất lên hơn 41.000 tấn/năm. Đây là nhà máy sản xuất Profile lớn và hiện đại nhất Việt Nam thời điểm đó. Ngoài ra, DAG đầu tư thêm dây chuyền, máy móc để tăng cường năng lực sản xuất của tấm PP, tấm Fomex, Smartdoor và tấm Mica đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Trước Covid, năm 2017 là năm hoàng kim nhất trong lịch sử hoạt động của Nhựa Đông Á với doanh thu, lợi nhuận đạt kỷ lục. Giai đoạn này, cả nước có khoảng hơn 1.500 doanh nghiệp nhựa hoạt động. Bên cạnh Tiền Phong và Bình Minh nắm thị phần lớn nhất mảng ống nhựa, DAG cũng khẳng định được vị thế trong mảng nhựa vật liệu xây dựng, với 20% - 25% thị phần toàn quốc. Doanh nghiệp được ví như “ngôi sao mới nổi” trong ngành nhựa.
Không chỉ mạnh về các sản phẩm nhựa nội, ngoại thất, sau này, DAG còn tự sản xuất và kinh doanh hạt nhựa tái sinh. Năm 2021, DAG đầu tư thêm hai dây chuyền sản xuất hạt nhựa nhằm đón đầu nhu cầu hạt nhựa của thị trường Trung Quốc.
Chia sẻ với cổ đông khi đó, ban lãnh đạo DAG cho biết việc Trung Quốc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu từ ngày 1/1/2018 mở ra cơ hội phát triển cho hoạt động xuất khẩu hạt nhựa nguyên liệu cho tập đoàn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải nhập hạt nhựa để làm nguyên liệu thay vì dùng phế liệu nhựa như trước.
Ảnh: Nhựa Đông Á |
Về mặt quản trị, nhựa Đông Á chuyển đổi sang công ty cổ phần từ năm 2006, hoạt động theo mô hình công ty mẹ con. Công ty cổ phần Tập đoàn Nhựa Đông Á giữ vai trò là công ty mẹ và có 3 công ty con với 3 nhà máy sản xuất chủ lực phục vụ chủ yếu cho ba thị trường Bắc, Trung, Nam.
Dấu ấn nổi bật của Nhựa Đông Á là sự kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) với mã chứng khoán DAG vào năm 2010.
Giá cổ phiếu chưa bằng cốc trà đá, ngôi sao một thời sẽ đi về đâu?
Ngược lại quá khứ, thành công của DAG gắn liền với bối cảnh quá trình đô thị hóa tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, nhu cầu sử dụng vật liệu tăng cao. Nhựa Đông Á đi đúng xu hướng vật liệu xây dựng xã hội ưa chuộng, là cửa nhựa với tính năng bền, đẹp, rẻ thay thế cửa gỗ.
Thời điểm đó, sản phẩm cửa nhựa có xuất xứ từ Đức hoặc một số nước Châu Âu, chất lượng tốt nhưng giá cao. Ngược lại, sản phẩm từ Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp. Nhựa Đông Á với kinh nghiệm từ lắp ráp, sản xuất cửa nhiều năm đã giải thành công bài toán chất lượng đi đôi giá thành. Nhờ vậy, đơn vị nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, đặc biệt ở khu vực nông thôn phía Bắc.
Từ một doanh nghiệp có vị thế cao với doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm, lợi nhuận của DAG lao dốc lần đầu tiên vào năm 2020, do ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi dịch bệnh Covid. Giá nguyên vật liệu ngành nhựa biến động mạnh là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của DAG sụt giảm mạnh, doanh nghiệp cho biết trong báo cáo cùng năm.
Theo đó, khi dịch Covid bắt đầu bùng phát, giá nguyên liệu giảm vào tháng 4-5 năm 2020. Vài tháng sau, giá nguyên liệu tăng nhanh và cao do một số nhà máy trên thế giới ngừng sản xuất. Tính đến đầu năm 2021, nguyên liệu chính (bột nhựa PVC) đã tăng hơn gấp 2 lần so với thời điểm thấp nhất vào tháng 4/2020 và tăng khoảng 60% so với giá bình quân năm này.
Giá vốn tăng mạnh trong khi giá bán của DAG tăng chậm hơn khiến biên lợi nhuận gộp giảm về còn 6,5%, mất 3,1 điểm so với mức 9,6% năm trước.
Bức tranh kinh doanh ảm đạm với biên lợi nhuận gộp thu hẹp cùng cơ cấu tài chính thiếu lành mạnh tiếp tục đẩy DAG lún sâu vào khó khăn.
Năm 2022, đón đầu sau Covid, DAG đầu tư mở rộng 3 nhà máy nên suy giảm năng lực tài chính. Tình hình kinh tế vĩ mô khó khăn khiến đơn hàng suy giảm, thị trường nội địa bị cạnh tranh mạnh bởi hàng Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngân hàng không cho vay mới và chuyển nợ xấu khiến nguồn vốn tín dụng của công ty càng bị thắt chặt.
Sử dụng đòn bảy tài chính lớn khiến Nhựa Đông Á phụ thuộc nhiều vào ngân hàng. Cuối năm 2019, trước thời điểm kinh doanh của DAG sụt giảm mạnh, hơn 58 % tài sản của doanh nghiệp được tài trợ bằng nợ phải trả, chủ yếu là vốn vay từ tổ chức tín dụng.
Cuối năm 2023, nợ đã chiếm tới 80% tổng tài sản, tương ứng với tổng nợ phải trả 1.744 tỷ đồng (vay và nợ thuê tài chính vượt mốc 1.000 tỷ đồng).
Vay nhiều nhưng tài sản lưu động không hiệu quả. Ngoài vấn đề kiểm toán chỉ ra về khoản phải thu, tồn kho vào cuối năm 2023, những năm trước, vòng quay hàng tồn kho và tài sản lưu động của DAG có xu hướng chậm dần và doanh thu không mở rộng tương ứng mức độ gia tăng nguồn vốn.
Ngay trong giai đoạn kinh doanh có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) của DAG không cao. Nếu so sánh với Nhựa Bình Minh, có nhiều thời điểm biên lợi nhuận gộp của Bình Minh gấp đôi, thậm chí gấp gần 3 lần Đông Á.
Tổng hợp từ BCTC DN |
Từng là “ngôi sao đang lên” nhưng DAG không thu hút “cá mập” ngoại như các doanh nghiệp lớn trong ngành. Năm 2016, MB Capital, Danske Invest và Japan South East Asia Group từng là cổ đông của DAG với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 4,99%; 6,05% và 1,59%. Sang năm 2017 chỉ còn MB Capital và quỹ này tiếp tục rút lui vào năm 2018.
Báo cáo DAG |
Sau khi quỹ lớn thoái vốn, hai cổ đông tổ chức là Công ty TNHH TMDV Hùng Phát và Công ty TNHH đầu tư và phát triển NBH nắm tới 48,25% cổ phần DAG. Hùng Phát đã bán 9,7 triệu cổ phiếu DAG, giảm tỷ lệ sở hữu còn 5,07% vào năm ngoái.
Hiện tại, với khó khăn bủa vây, Nhựa Đông Á đang cố sức xoay xở với hàng loạt biện pháp tái cơ cấu, từ thanh lý tài sản, hợp tác kinh doanh đàm phán giãn nợ, chuyển nợ vay thành vốn chủ, bổ nhiệm nhân sự điều hành, quản lý mới,…
DAG chủ trương tái cơ cấu toàn diện và thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục hoạt động kinh doanh, bao gồm việc hợp tác đầu tư kinh doanh, sản xuất nhựa ở nhà máy tại Hà Nam.
Ngoài ra, công ty dự kiến chuyển nhượng một số tài sản có giá trị như nhà xưởng, máy móc thiết bị và một phần diện tích đất, tài sản trên đất chưa thế chấp của Công ty TNHH Nhựa Đông Á, thanh toán nợ cho tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, DAG đàm phán gia hạn nợ với khoản vay cá nhân, theo hướng cá nhân là nhân viên lâu năm của công ty và có nguyện vọng hỗ trợ tài chính cho công ty để phát triển, trở thành cổ đông lớn trong tương lai.
Trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, tương lai khó dự đoán, thị giá DAG liên tục giảm mạnh từ đầu năm tới nay. Giá đóng cửa cổ phiếu DAG ngày 2/8 về mức 1.830 đồng/cp, chưa bằng một cốc trà đá.
>> IFC đã bán ra 7,9 triệu cổ phiếu PVI, rời ghế cổ đông lớn
Chuyên gia chỉ điểm 6 cổ phiếu tiềm năng trong tháng 8, mức sinh lời dự kiến hàng chục %
Truy tố 'cha đẻ' đậu phộng Tân Tân, cuộc chiến sau món quà ngọt bùi