Các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, sau đó “tuồn” vào các cửa hàng, xưởng chế tác, từ đây, một sản phẩm vàng mới ra đời, “thoát xác” hoàn toàn khỏi mác vàng lậu…
Những năm gần đây, thị trường vàng đôi thi lại “nóng rẫy” với thông tin các vụ buôn lậu vàng bị cơ quan chức năng phát hiện, triệt phá. Đáng nói, tình trạng buôn lậu vàng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và tinh vi. Những con số được công bố trong mỗi vụ án khiến nhiều người không khỏi giật mình, bởi, đó là những con số kỷ lục, thậm chí, những kỷ lục sau “xô đổ” kỷ lục trước. Điển hình như đường dây buôn lậu vàng tại cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) mới đây, số lượng vàng lậu bị phát hiện đã lên đến hơn 3 tấn.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, năm 2003 ước tính có khoảng 10 tấn vàng được nhập khẩu chính thức, trong khi theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), bình quân mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 58-60 tấn vàng. Hay như năm 2014, WGC công bố năm 2014 Việt Nam tiêu thụ hết 69,1 tấn vàng gồm vàng nữ trang và vàng đầu tư. Trong khi đó, giới chuyên môn chỉ đồng tình với con số 12,7 tấn vàng nữ trang. Nhận định về con số 56,4 tấn vàng, chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn đề bán vàng ở Việt Nam chỉ có một đơn vị duy nhất có thể nhập khẩu vàng đó là Ngân hàng Nhà nước. “Con số mà Ngân hàng Nhà nước nhập vào chắc chắn là chính xác nhưng thực tế nhập khẩu vàng vào Việt Nam lại qua rất nhiều ngõ ngách khác nhau, trong đó có cả buôn lậu”, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Còn theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tính toán, trung bình mỗi năm nhu cầu vàng nguyên liệu sản xuất trang sức chiếm 20-30%, còn 70-75% là vàng sản xuất vàng miếng, trong tổng nhu cầu vàng nguyên liệu trên thị trường. Mỗi năm cả nước tiêu thụ 70-100 tấn vàng, nghĩa là nhu cầu vàng trang sức khoảng 20 tấn. Nhu cầu lớn nhưng hiện nay Ngân hàng Nhà nước quy định cấm các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu nên các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức phải mua trôi nổi trên thị trường.
Cũng theo tính toán của nhiều chuyên gia, mang 1 kg vàng vào nội địa có thể kiếm lời gấp nhiều lần buôn ma túy. Mà buôn vàng thì dễ hơn và nếu bị bắt thì chịu án thấp hơn nhiều. Hơn nữa, khác với các mặt hàng cũng chủng loại khác như ngoại tệ luôn có seri, vàng buôn lậu, chỉ cần trót lọt qua biên giới, các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, không để lại chút dấu vết nào, trở thành nguồn nguyên liệu trôi nổi tuồn vào các xưởng chế tác, từ đó sẽ ra đời một sản phẩm vàng mới, có dấu vàng mới, “thoát xác” hoàn toàn khỏi mác vàng lậu.
Thậm chí, để xóa dấu vết, một lãnh đạo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về Tham nhũng, Kinh tế, Buôn lậu - Bộ Công an (C03) còn cho biết, trước khi đem vàng qua biên giới hoặc ngay sau khi vận chuyển được vàng qua biên giới, các đối tượng đã dùng máy khò để xóa hết các ký hiệu để tránh việc cơ quan chức năng phát hiện được nguồn gốc của vàng trước khi vận chuyển sâu vào nội địa.
Đáng chú ý, vì nhu cầu thị trường cao, vì lợi nhuận quá hấp dẫn nên vàng lậu không những có đất sống mà ngày càng phát triển và nó kích thích lòng tham của nhiều người.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhìn nhận, nguyên lý tất yếu của thị trường là có cầu thì tất có cung. Các doanh nghiệp thời gian qua không được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu nên phải mua hàng trôi nổi trên thị trường hoặc mua vàng miếng SJC để sản xuất nữ trang. Nhưng, mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.
“Những vụ án buôn lậu mà cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ và khởi tố thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mỗi năm, tổng số vàng thu được từ các vụ buôn lậu phát hiện được cũng chỉ là một con số rất nhỏ so với số vàng lậu được tuồn vào thị trường hàng năm. Tảng băng chìm bên dưới mới là điều đáng bàn và nó đang trực tiếp tác động tới thị trường trong nước”, vị chuyên gia nói.