Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

11-01-2023 09:27|Hồ Nga

HDBank cho biết ngân hàng đang tập trung vào 4 sáng kiến chiến lược chính. Giai đoạn 5 năm tới sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, khẳng định năng lực, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Năm 2022 nền kinh tế toàn cầu chứng kiến nhiều biến động: lạm phát gia tăng, giá dầu, giá nguyên vật liệu biến động tăng mạnh, lãi suất tăng chóng mặt gây áp lực do nhiều tác động khiến các ngân hàng lớn toàn cầu phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nền kinh tế trong nước bị ảnh hưởng nhiều mặt từ bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới, phải gồng mình trước những diễn biến khó lường. Ngân hàng Nhà nước đã phải ra các chính sách nhằm siết chặt tín dụng tại một số thời điểm, tăng lãi suất điều hành, lãi suất huy động tăng chóng mặt…

Trong bối cảnh đó, ngân hàng thương mại một lần nữa lại đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong nỗ lực ổn định vĩ mô, hỗ trợ phát triển nền kinh tế. HDBank là một trong số rất ít ngân hàng không những vững vàng vượt qua “sóng gió” mà còn tạo lập được nhiều kỷ lục trong kinh doanh cũng như đóng góp lớn cho những mục tiêu chung của đất nước.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

HDBank vừa đón tin vui vào những ngày cuối năm 2022 khi những nỗ lực đã được cộng đồng xã hội ghi nhận và được Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam vinh danh trong TOP các doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI) 2022. Đây là năm thứ 4 liên tiếp HDBank nhận được danh hiệu này. Năm nay HDBank vinh dự lọt TOP cùng những thương hiệu lớn khác như Vinamilk, Bảo Việt, BIDV, Deloitte, Samsung…

Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam thu hút khoảng 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau nộp hồ sơ tham gia. Doanh nghiệp phải trải qua quá trình đánh giá với bộ 150 chỉ tiêu khác nhau để được lựa chọn nhận danh hiệu.

HDBank là ngân hàng điển hình trong kinh doanh bền vững khi áp dụng tích cực CSI vào quá trình hoạt động ngân hàng, hoàn thiện mô hình kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng, người lao động, cổ đông và cộng đồng xã hội.

Ngay từ năm 2019, HDBank đã lọt TOP 100 doanh nghiệp phát triển bền vững với định hướng Ngân hàng xanh – phát triển bền vững. Cho đến thời điểm hiện tại, HDBank vẫn luôn tự hào là ngân hàng đi đầu trong xu hướng xanh, kinh tế số và không ngừng đổi mới.

Nhờ nỗ lực phát triển bền vững, mới đây, HDBank cũng được vinh dự lọt TOP 4 các doanh nghiệp nhóm vốn hoá lớn có báo cáo thường niên tốt nhấtdo Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM lựa chọn.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động thì vấn đề quản trị rủi ro của các ngân hàng càng được quan tâm, đặt thành tiêu chí đánh giá hàng đầu. HDBank là một trong số những ngân hàng tiên phong áp dụng chuẩn Basel II. HDBank là một trong 13 ngân hàng đầu tiên hoàn thành 3 trụ cột Basel II hồi năm 2021.

Năm 2022, các ngân hàng tiếp tục cải thiện tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị rủi ro. Hiện đã có hơn 20 ngân hàng áp dụng tiêu chuẩn Basel II và nhiều ngân hàng đã áp dụng một phần hoặc thí điểm triển khai Basel III trong đó có HDBank.

HDBank cho biết ngân hàng đã áp dụng 2 chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng NSFR và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản LCR của Basel III.

Trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động, việc HDBank áp dụng các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ hơn như Basel III sẽ giúp hoạt động ngân hàng lành mạnh hơn, tạo lập được niềm tin cho khách hàng và nhà đầu tư hơn. Đây cũng là điểm cộng giúp ngân hàng có được xếp hạnh tín nhiệm cao hơn.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhận xét “các ngân hàng đạt chuẩn Basel cao bản thân đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh, vì vậy cần ưu tiên. Trong khi đó nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao thì có thể bị hạn chế room tín dụng hơn”.

Cuối năm 2022, HDBank đã hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua phương án phát hành 50 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế và nâng room ngoại từ 18% lên 20%. Trái phiếu chuyển đổi này giúp HDBank bổ sung vốn tự có cấp 2, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông. Đợt phát hành trái phiếu nàykhông những giúp HDBank bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ các kế hoạch tăng trưởng mà còn nâng cao chất lượng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng chuẩn mực Basel III.

Trước đó HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế.

Trả lời phỏng vấn của Blooomberg, Chủ tịch HĐQT HDBank – ông Kim Byoungho cho biết 9 tháng đầu năm 2022 HDBank ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhất từ trước tới nay, tăng trưởng cao cả về quy mô và chất lượng. Trong bối cảnh thị trường biến động, xếp hạng tín nhiệm B1 của HDBank được giữ vững, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành, hiệu quả hoạt động tốt, an toàn vốn trong TOP dẫn đầu.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Cuối năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam đã “nổi sóng” với việc lãi suất huy động tăng mạnh đặc biệt là từ khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Cuộc đua lãi suất huy động của các ngân hàng kéo theo hệ luỵ là lãi suất cho vay cũng tăng. Trong khi người có tiền đi gửi ngân hàng hân hoan thì những doanh nghiệp, người dân cần vay vốn làm ăn lại thêm nhiều lo toan.

Trước diễn biến đó, đầu tháng 12 vừa qua HDBank là một trong số những ngân hàng tiên phong công bố giảm lãi suất cho vay lên đến đến 3,5%/năm, hỗ trợ khách hàng tăng tốc cuối năm 2022. Nỗ lực của HDBank giúp hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỉ đồng.

Bên cạnh việc hỗ trợ lãi suất cho khách vay, HDBank tiến hành miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí trả nợ trước hạn cho khách hàng. Đây là hoạt động ý nghĩa khẳng định nỗ lực của HDBank trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Trước đó, trong 2 năm đại dịch Covid-19, HDBank đã tiên phong triển khai các các chương trình miễn giảm lãi suất và phí dịch vụ cho khách hàng ở một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 và cả nhóm khách hàng tại khu vực bị phong tỏa, giãn cách kéo dài theo Chỉ thị 16, với tổng dư nợ 42.000 tỷ đồng, tương ứng với số lượng hơn 18.000 khách hàng.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Năm 2022 cũng là năm ghi dấu ấn với hoạt động tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Và 4 ngân hàng gồm Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đã tiết lộ ý định hoặc có kế hoạch nhận chuyển giao tổ chức tín dụng là ngân hàng yếu kém. Thực thi nhiệm vụ lớn lao đó, tháng 8/2022 vừa qua, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông và được cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao.

Trên thực tế, những ngân hàng được chọn lựa tham gia nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém khác trước hết phải là những ngân hàng có đủ năng lực, tiềm năng phát triển và được tín nhiệm cao. Cùng với đó, lợi thế của những ngân hàng tham gia vào nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc là sẽ được hưởng một số cơ chế ưu đãi chẳng hạn như được ưu tiên cấp room tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, dự kiến những ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được nới room ngoại lên 49%.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Dấu ấn đáng tự hào nhất của HDBank có thể nói đó là vị “sếp’ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Bà Thảo là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được tạp chí Forbes công nhận. Với nhiều người, bà Thảo là người phụ nữ truyền cảm hứng không chỉ bởi khối tài sản lớn mà còn bởi bà là phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi và là người nổi tiếng với khả năng làm việc bền bỉ, say mê.

Năm 2017 Tạp chí Forbes ghi nhận bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Liên tiếp những năm sau đó bà Phương Thảo vẫn giữ được tên trong danh sách này. Theo danh sách Forbes công bố năm 2022, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản 3,1 tỷ USD, xếp vị trí thứ 984.

Bà Phương Thảo làm việc tại HDBank từ những năm 2003 với cương vị Phó Chủ tịch thường trực ngân hàng. Cá nhân bà Thảo cũng đang nắm giữ hơn 93 triệu cổ phiếu HDB tương ứng tỷ lệ 3,722%. Khối tài sản này tạm tính theo thị giá hiện tại khoảng 1.500 tỷ đồng.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Dưới sự điều hành của nữ tỷ phú đa tài Nguyễn Thị Phương Thảo cùng những lãnh đạo khác, hoạt động kinh doanh của HDBank cũng phát triển nhanh chóng. Lợi nhuận sau thuế đang ở mức dưới 1.000 tỷ đồng vào năm 2016 đã tăng vọt gấp đôi vào năm 2017 lên 1.954 tỷ đồng. Những năm sau đó lợi nhuận sau thuế của HDBank đều tăng trưởng mạnh hàng năm, đạt 6.453 tỷ đồng vào năm 2021 vừa qua.

9 tháng đầu năm 2022 HDB ghi nhận số lãi sau thuế hơn 6.400 tỷ đồng – mức lãi kỷ lục từ trước tới nay.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Cùng với lợi nhuận tăng trưởng, tài sản của HDBank cũng tăng lên nhanh chóng từ mức gần 230.000 tỷ đồng năm 2019 đã lên gần 400.000 tỷ đồng tính đến hết quý 3/2022.

Về hoạt động kinh doanh, tổng dư nợ cho vay khách hàng của HDBank đến 30/9/2022 đạt gần 246.500 tỷ đồng, tăng khoảng 43.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu chất lượng cho vay cũng rất tốt với nợ đủ tiêu chuẩn đạt 237.451 tỷ đồng, chiếm trên 96,3% tổng dư nợ cho vay khách hàng.

Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022

Tiền gửi huy động từ khách hàng đến 30/9/2022 đạt 207.780 tỷ đồng, tăng gần 24.500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó chủ yếu là tiền gửi VND có kỳ hạn của khách hàng (182.920 tỷ đồng) và tiền gửi VND không kỳ hạn (20.528 tỷ đồng).

Đẩy mạnh hoạt động tín dụng là một trong những lợi thế của HDBank thời gian vừa qua, cũng ghi dấu ấn của các lãnh đạo định hướng cho ngân hàng phát triển ổn định, tạo nên khoản lợi nhuận cao trong bối cảnh nhiều ngân hàng “sa” vào đầu tư chứng khoán kinh doanh và lỗ lớn.

HDBank cho biết ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đa dạng hoá thu nhập, đồng thời ứng dụng công nghệ để tăng năng suất lao động. Thu nhập từ lãi và ngoài lãi đều tăng trưởng cao. Bên cạnh đó chuyển đổi số góp phần tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động được tối ưu, giúp hệ số chi phí/tổng thu nhập hoạt động đạt 37%, tốt hơn mức 39% tại ngày 30/9/2021.

Tại Hội nghị trực tuyến với nhà đầu tư tổ chức cuối tháng 10/2022 nhằm cập nhất kết quả kinh doanh quý 3/2022, trả lời quan tâm của nhà đầu tư, ban điều hành ngân hàng cho biết tỷ trọng dư nợ bất động sản/tổng dư nợ và tỷ lệ nợ xấu đối với dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của HDBank hiện nay chỉ chiếm 8% tổng cho vay khách hàng, và gần như không có nợ xấu trong cho vay bất động sản.

HDBank cho biết ngân hàng đang tập trung vào 4 sáng kiến chiến lược chính gồm phát triển ngân hàng số, khai thác lợi thế hệ sinh thái, kinh doanh bảo hiểm và quản trị doanh nghiệp và rủi ro môi trường-xã hội. Giai đoạn 5 năm tới HDBank sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình trên 25%/năm, khẳng định năng lực, đảm bảo hoạt động an toàn, bền vững.

Reuters: Sovico của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bắt tay 'cá mập' Singapore tại dự án cáp quang biển trăm triệu USD

Từ 1/1/2025, HDBank (HDB) sẽ ngừng giao dịch rút, chuyển tiền với khách hàng chưa xác thực sinh trắc học

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-diem-nhan-noi-bat-cua-hdbank-nam-2022-165615.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những điểm nhấn nổi bật của HDBank năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH