Những kỳ vọng từ kỳ họp Lưỡng hội của Trung Quốc
Khi hàng nghìn thành viên giới tinh hoa chính trị Trung Quốc tập trung tại Bắc Kinh trong tuần này để dự phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp quốc gia, sẽ khó có thể bỏ qua những vấn đề nhức nhối tại Đại lễ đường Nhân dân.
Trong năm qua, hơn 10 thành viên cấp cao trong hàng ngũ ngoại giao và quốc phòng của Trung Quốc, tất cả đều ngồi trong cùng một hội trường cách đây một năm, một số người thậm chí còn được thăng chức trong kỳ Lưỡng hội vào tháng 3 năm ngoái, đã biến mất khỏi chính trường.
Trong số đó có Tần Cương, Ngoại trưởng tại nhiệm ngắn nhất của Trung Quốc, người đã rời bỏ chức vụ này vào tháng 6 năm ngoái. Ngoài ra còn có Lý Thượng Phúc, Bộ trưởng Quốc phòng tại nhiệm ngắn nhất, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8.
Theo tuyên bố chính thức vào thứ Ba tuần trước, ông Tần Cương đã từ chức đại biểu quốc hội, trong khi ông Lý Thượng Phúc cũng bị loại khỏi Quân ủy Trung ương. Tuy nhiên, cặp đôi này vẫn nằm trong Ủy ban Trung ương, cơ quan ra quyết sách gồm 300 thành viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chín tướng lĩnh khác, trong đó có hai cựu chỉ huy của Quân chủng Tên lửa, bị “nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật” và bị loại khỏi quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái.
Chính quyền Bắc Kinh thường không đưa ra lời giải thích nào thêm về việc sa thải các quan chức, khiến một số người thay thế các vị trí sau đó rơi vào tình trạng lấp lửng. Khoảng trống thông tin đã làm dấy lên câu chuyện về những bất ổn chính trị của Trung Quốc, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế và khu vực tư nhân trong nước thiếu niềm tin vào nền kinh tế.
Nhưng các chuyên gia cho rằng kỳ Lưỡng hội năm nay, một sự kiện mang tính chất báo hiệu sự đoàn kết dân tộc và xây dựng niềm tin trong năm mới, mang đến cơ hội duy nhất để Chủ tịch Tập Cận Bình giải quyết những vấn đề chính trị còn lỏng lẻo và giúp thúc đẩy thông điệp trong nước và quốc tế.
Trong sự kiện này, các nhà lập pháp sẽ thông qua báo cáo công tác chính phủ đầu tiên của Thủ tướng Lý Cường, phê duyệt ngân sách quân sự và các ngân sách hàng năm quan trọng khác, đồng thời có thể thông qua các quyết định nhân sự.
Sự kiện này cũng diễn ra sau khi ông Tập liên tục trì hoãn hội nghị trung ương ba của Ban chấp hành Trung ương khóa 20, trong đó chiến lược trung hạn về kinh tế và quản trị thường được thảo luận.
Ông Đặng Duật Văn, nguyên phó tổng biên tập Study Times, tờ báo chính thức của Trường Đảng Trung ương, cho biết việc trì hoãn hội nghị trung ương ba có nghĩa là kỳ Lưỡng hội năm nay sẽ là dịp quan trọng để các lãnh đạo trình bày kế hoạch về cách giải quyết tình trạng tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc và xử lý các thách thức bên ngoài, đồng thời đưa ra các tín hiệu chính trị về tiến trình của cuộc thanh lọc và cải tổ đang diễn ra.
“Mọi người đang tìm kiếm những thứ khác nhau. Các nhà quan sát chính trị chắc chắn sẽ muốn biết liệu các biến động chính trị tại Bắc Kinh sắp kết thúc hay chưa, đặc biệt là trong ngành quân đội và ngoại giao. Sự tương tác giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu cũng sẽ được thế giới bên ngoài theo dõi chặt chẽ để đánh giá sự thống nhất của họ”, ông Đặng nói.
Theo ông Đặng, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Kinh đã quay trở lại quan điểm ủng hộ phát triển, bao gồm cả mục tiêu GDP và chiến lược phát triển của Trung Quốc.
“Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ muốn biết mục tiêu tăng trưởng ngân sách quân sự của nước này và người dân Trung Quốc sẽ quan tâm hơn đến kế hoạch tạo việc làm của chính phủ cũng như định hướng của thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản", ông Đặng nhận định.
Hội nghị trung ương ba thường được tổ chức vào mùa thu năm sau đại hội đảng toàn quốc kéo dài hai lần một thập kỷ, được tổ chức lần cuối vào năm 2022.
Kể từ khi ông Đặng Tiểu Bình sử dụng hội nghị trung ương để công bố chính sách cải cách và mở cửa kinh tế của Trung Quốc vào năm 1978, theo truyền thống, đây là giai đoạn quyết định con đường phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, ban lãnh đạo đảng vẫn chưa đưa ra tín hiệu khi nào hội nghị lần này sẽ được tổ chức, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1984, sự kiện này không được tổ chức vào năm sau đại hội đảng.
Các nhà quan sát cho rằng một phần nguyên nhân của sự chậm trễ có thể là do Chủ tịch Tập Cận Bình chưa quyết định về các vấn đề nội bộ đang diễn ra.
Gabriel Wildau, giám đốc điều hành tại công ty tư vấn quốc tế Teneo, cho biết sau các biến động trong năm qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng hiện đang có nhiều chỗ trống.
Việc thay thế hai bộ trưởng, cũng như cựu Tư lệnh Quân chủng Tên lửa Lý Ngọc Siêu và chính ủy Từ Trung Ba, có nghĩa là sự nghiệp của ít nhất 4 trong số 205 ủy viên của Ủy ban Trung ương đang bị lung lay.
Việc cải tổ hiếm hoi các vị trí hàng đầu trong ngành ngoại giao và quốc phòng ngay sau khi được bổ nhiệm cho thấy có những hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, nhưng chính quyền Bắc Kinh cố ý phủ "màn sương" quanh các sự việc này.
Sự mơ hồ có chủ ý đó có thể không phải là điềm báo tốt trong một hội nghị toàn thể, khi giới lãnh đạo thường tiết lộ tiến trình điều tra các lãnh đạo cấp cao.
Một nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Bắc Kinh cho biết các cuộc thanh trừng có thể khiến Bắc Kinh phải xem xét lại quy trình thẩm tra các cán bộ hàng đầu, thường được đảng coi là bằng chứng về sức mạnh của hệ thống chính trị.
Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã, ông Tập tham gia rất nhiều vào quá trình thẩm tra, cho biết ông đã đích thân xem xét danh sách tất cả các thành viên Ủy ban Trung ương kể từ Đại hội Đảng lần thứ 19 năm 2017.
Các báo cáo cũng cho biết ông Tập đã được thông báo “nhiều lần” trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 19 và 20 để đảm bảo chọn được “những cán bộ có năng lực, trung thành và trong sạch” nhất.
“Nhưng có vẻ như ngay cả với sự quan tâm của cá nhân ông Tập, quy trình này cũng không thể đảm bảo 100%. Ông ấy chắc chắn sẽ yêu cầu cho đội phụ trách suy nghĩ lại xem đã sai ở đâu và tìm cách làm cho nó hoàn hảo”, nhà nghiên cứu cho biết.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) mở ra cơ hội cho Bắc Kinh giải quyết những vấn đề chưa được giải quyết này, bao gồm khả năng bổ nhiệm một Ngoại trưởng mới thay thế ông Vương Nghị, người đã phải trở lại lãnh đạo Bộ Ngoại giao sau sự ra đi của ông Tần Cương.
Tương tự, Bắc Kinh vẫn chưa thăng quân hàm cho tân Bộ trưởng Quốc phòng Đổng Quân. Ông Đổng vẫn chưa trở thành ủy viên hội đồng nhà nước và ủy viên Quân ủy Trung ương. Phiên họp NPC sắp tới cũng là dịp để ông được trao cả hai danh hiệu, ngang hàng với những người tiền nhiệm.
Neil Thomas, một nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Trung tâm Phân tích Trung Quốc của Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nói rằng vì Lý Thượng Phúc và Tần Cương đều là ủy viên hội đồng nhà nước, nên người ta kỳ vọng rằng những người thay thế họ cũng sẽ giữ vị trí cấp cao hơn này.
“Nếu bộ trưởng quốc phòng hoặc ngoại trưởng mới không trở thành ủy viên hội đồng nhà nước, điều đó sẽ khiến họ trở thành những quan chức kém quyền lực hơn và cho thấy rằng ông Tập không hoàn toàn tin tưởng họ”, ông Thomas chỉ ra. “Tuy nhiên, sự dịch chuyển nhân sự ngày càng khó đoán trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập khiến khó có thể biết liệu sự thay đổi này có diễn ra trong kỳ Lưỡng hội hay không”.
Cũng theo ông Thomas, báo cáo công việc của Thủ tướng Lý Cường tại kỳ Lưỡng hội năm nay khó có thể công bố những hướng đi mới táo bạo trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.
“Có khả năng họ sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng tương tự với mức khoảng 5% của năm ngoái và có thể sẽ tập trung vào việc xây dựng chương trình nghị sự do Đảng Cộng sản quyết định tại hội nghị công tác kinh tế trung ương vào tháng 12 năm ngoái”, vị chuyên gia cho bết.
Trung Quốc siết chặt an ninh trước thềm kỳ họp Lưỡng hội 2024
Vì Huawei, các đại lý Apple tại Trung Quốc vội vã giảm giá sốc iPhone 15 Pro Max
Kinh tế giảm tốc, thất nghiệp cao, giới trẻ Trung Quốc chi tiền tỷ để 'mua việc làm'