Trong phiên cuối tuần trước (11/3/2022), nhóm cổ phiếu gỗ bất ngờ tăng trần đồng loạt cùng thanh khoản cao đột biến. Giới chuyên gia cũng đã có những phân tích về triển vọng của nhóm này.
Kết tuần giao dịch từ 7 - 11/3/2022, VN-Index giảm 38,79 điểm (-2,58%) xuống 1.466,54 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 8,39 điểm (-1.86%) xuống 444,20 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE đạt hơn 845 triệu cổ phiếu/phiên - tăng 1,07% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 141 triệu cổ phiếu/phiên - tăng 21,69%.
Trong tuần, trọng tâm phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm dầu khí, chứng khoán, xây dựng và vật liệu; giảm ở nhóm ngân hàng, tài nguyên cơ bản và bất động sản.
Đáng chú ý trong phiên cuối tuần trước (11/3/2022), nhóm cổ phiếu gỗ bất ngờ tăng trần đồng loạt cùng thanh khoản tăng cao đột biến.
Dẫn đầu là cổ phiếu TTF của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành khi leo trần lên mức 16.600 đồng; khớp lệnh tăng đột biến lên hơn 16 triệu đơn vị khớp lệnh - gấp đôi khối lượng trung bình 10 phiên gần nhất.
Tính riêng trong 1 tháng trở lại đây TTF đã tăng 27% giá trị. Đây cũng là mức giá đỉnh của doanh nghiệp ngành gỗ trong gần 6 năm trở lại đây.
Tương tự, mã GDT của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành cũng "tím lịm" khi tăng hết biên độ lên 57.200 đồng; thanh khoản tăng vọt gấp 17 lần trung bình với 341 nghìn đơn vị khớp lệnh.
Một mã khác là PTB của CTCP Phú Tài cũng tăng hết biên độ lên 112.900 đồng thị giá; khối lượng giao dịch tăng gấp 5 lần trung bình với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, cổ phiếu GTA của CTCP Gỗ Thuận An cũng tăng trần lên 18.650 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu khác như Gỗ An Cường (ACG), Savimex (SAV) dù không "tím trần" nhưng cũng tăng điểm tích cực.
Đà tăng bứt tốc của nhóm cổ phiếu gỗ được cho là đến từ những thông tin ngày 10/3 vừa qua, Thủ tướng Chính đã ký Quyết định 327/QĐ-TTg ngày 10/3/2022 phê duyệt Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030.
Mục tiêu chung của Đề án là đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Theo đó, phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Cụ thể, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản phấn đấu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 18,5 tỷ USD.
Đến năm 2030, trị giá xuất khẩu đạt 25 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 20,4 tỷ USD. Giá trị gỗ, sản phẩm gỗ tiêu thụ nội địa đạt 5 tỷ USD vào năm 2025, trên 6 tỷ USD vào năm 2030.
Đề án cũng đặt mục tiêu lớn phát triển hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất với việc hình thành 5 khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp chế biến gỗ và doanh nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ.
Đưa ra những lưu tâm đến nhóm ngành này trong tuần giao dịch từ 14 - 18/3/2022, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, CTCK VPS nhấn mạnh, cổ phiếu gỗ cổ phiếu phân bón, cảng biển là nhóm cổ phiếu mạnh giai đoạn hiện tại. Do đó, cơ hội đầu tư - các doanh nghiệp này cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi đầu tư.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc phân tích, CTCK Vietinbank cho biết, lệnh cấm xuất khẩu của Nga nhằm đáp trả các biện pháp cấm vận từ Mỹ và châu Âu được xem là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy vậy, về dài hạn nhà đầu tư cần ưu tiên chọn lọc các doanh nghiệp tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào, nhất là khi giá nhập khẩu gỗ nguyên liệu đang ở mức kỷ lục trong lịch sử.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, CTCK Maybank KimEng Việt Nam nhấn mạnh, gỗ nằm trong nhóm nguyên vật liệu thiết yếu; khi sắt thép đã tăng rồi thì đồ gỗ rất khó có thể ngoại lệ. Điều này trong ngắn hạn rất khó thay đổi và xu hướng nhóm này nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS) phân tích, Nga là một trong những đất nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu nhiều nhất trên thế giới hiện nay; việc bị cấm vận khiến giá gỗ nguyên liệu toàn cầu có xu thế tăng mạnh. Nhà đầu tư kỳ vọng các doanh nghiệp ngành này được hưởng lợi.
Tuy nhiên, ông Linh cũng lưu ý chỉ một số doanh nghiệp có rừng nguyên liệu mới được hưởng lợi trong khi các doanh nghiệp thực hiện chế tác thành phẩm sẽ gặp khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Vì vậy, nhà đầu tư nên tránh việc chạy theo đám đông mà thiếu sự phân tích kỹ càng hơn.
Trong khi đó, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc CTCK KIS nhìn nhận, việc giá cổ phiếu gỗ tăng chỉ là hiệu ứng tát nước theo mưa, mang tính chất đầu cơ" bởi nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga cho Việt Nam rất nhỏ, chỉ đạt khoảng 55 triệu USD năm 2021. Trong khi đó, Nga cũng không phải là thị trường lớn tiêu thụ các sản phẩm gỗ của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 7,3 triệu USD, chiếm 0,05% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt Nam ra thế giới.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm