Việt Nam chính thức áp thuế gần 28% với một số sản phẩm thép HRC Trung Quốc - Hòa Phát, Formosa hưởng lợi lớn
Năm ngoái, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc theo yêu cầu của Hòa Phát và Formosa.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1959/QĐ-BCT ngày 4/7/2025, chính thức áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời chấm dứt điều tra đối với sản phẩm cùng loại từ Ấn Độ.
Theo quyết định, mức thuế CBPG với thép Trung Quốc dao động từ 23,1% đến 27,83%, áp dụng từ ngày 6/7/2025 và kéo dài 5 năm, trừ khi được gia hạn, thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định.
Các sản phẩm bị áp thuế là thép hoặc thép hợp kim (có hoặc không có hợp kim), được cán phẳng, cán nóng, có độ dày 1,2mm đến 25,4mm, chiều rộng không quá 1.880mm, chưa được xử lý bề mặt như tẩy gỉ, mạ, tráng hay phủ dầu, và có hàm lượng carbon không vượt quá 0,3%. Một số mặt hàng như thép không gỉ hoặc thép cán nóng dạng tấm thuộc danh mục loại trừ.
Kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy hàng hóa thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ có hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Ấn Độ được đánh giá là không đáng kể, chỉ chiếm dưới 3% tổng lượng nhập khẩu. Đáng chú ý, cơ quan điều tra xác định có mối liên hệ nhân quả rõ ràng giữa việc thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường và tình trạng thiệt hại đáng kể của ngành thép nội địa.
![]() |
Bộ Công Thương chính thức áp thuế CBPG với thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc |
Trước đó, ngày 21/2, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định tạm thời áp thuế CBPG từ 19,38% đến 27,83%, có hiệu lực 120 ngày (từ 8/3 đến 6/7/2025).
Năm ngoái, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc theo yêu cầu từ hai doanh nghiệp là Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất và công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa.
Theo số liệu hải quan, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung Quốc năm ngoái đạt 12,6 triệu tấn, tăng hơn 33% so với năm 2023. Đặc biệt, sau khi Bộ Công Thương ra quyết định khởi xướng điều tra vụ việc từ tháng 7/2024, lượng nhập khẩu thép cán nóng từ thị trường này vẫn tiếp tục gia tăng một cách đáng kể. Động thái này phản ánh mức độ lấn át nghiêm trọng của hàng Trung Quốc lên thị trường thép Việt Nam.
Việc áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc là tín hiệu tích cực nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất HRC nội địa. Hiện nay, Hòa Phát (HPG) và Formosa Hà Tĩnh (FHS) là hai doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có năng lực sản xuất HRC, với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm – trong khi nhu cầu nội địa lên tới 13 triệu tấn/năm.
Trước đây, giá HRC sản xuất trong nước luôn cao hơn giá nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến hàng nội địa gặp khó. Tuy nhiên, với thuế CBPG lên tới gần 28%, giá nhập khẩu sẽ không còn lợi thế, mở đường cho Hòa Phát và Formosa tăng tiêu thụ nội địa.
Đặc biệt, Hòa Phát được dự báo hưởng lợi nhiều nhất, khi dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, nâng công suất HRC từ 4 triệu lên 6,8 triệu tấn/năm – tức tăng tới 70%.
>> Thép HRC Trung Quốc lách thuế tràn vào Việt Nam, Hòa Phát (HPG) kiến nghị mở rộng điều tra