Những người cần đặc biệt thận trọng nếu thích chạy bộ
Chạy bộ là bài tập đơn giản, mang lại nhiều lợi ích nhưng có những nhóm người cần đặc biệt chú ý khi chạy bộ vì có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Tôi thấy chạy bộ là bài tập đơn giản, nhiều người muốn thực hiện hằng ngày nhưng có phải ai cũng có thể chạy bộ không? Đối tượng nào nên cẩn trọng? (Hải Anh, Phú Thọ).
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tư vấn:
Chạy bộ được coi là bài tập mang lại nhiều lợi ích nhưng những nhóm người sau cần thận trọng nếu lựa chọn chạy bộ là biện pháp rèn luyện sức khỏe.
Người béo phì
Chạy bộ có tác dụng giảm cân rất tốt, vì vậy những người thừa cân thường chọn chạy bộ là bài tập ưu tiên để bắt đầu quá trình giảm cân của mình. Tuy nhiên, bác sĩ thường không khuyến khích người béo phì tập chạy bộ.
Điều này là do khi chạy bộ, đôi chân của chúng ta sẽ phải chịu áp lực của toàn cơ thể, với người béo phì áp lực này lớn hơn rất nhiều người bình thường. Nếu duy trì trong thời gian dài thì áp lực từ trọng lượng cơ thể sẽ dồn nén xuống đôi chân, gây ảnh hưởng xấu tới xương khớp, đặc biệt là khớp gối.
Các huấn luyện viên khuyến cáo người béo phì cần thận trọng khi chạy bộ và nên bắt đầu với cường độ thấp, quãng đường ngắn và tăng dần theo thời gian.
Người mắc bệnh tim mạch
Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên có thể phòng chống và cải thiện các bệnh về tim mạch. Nhưng chạy bộ lại là nguyên nhân khiến nhịp tim và huyết áp tăng cao, điều này rất nguy hiểm với những người bị bệnh tim mạch.
3 nhóm người mắc bệnh tim mạch có các triệu chứng sau đây tuyệt đối không nên chạy bộ:
- Người từng có cơn đau tức tim trong vòng 2 tháng trở lại đây.
- Người chỉ làm việc nhà nhẹ hoặc lên một tầng cầu thang cũng tức ngực, thở dốc.
- Người từng có những cơn đau tức tim trong vòng 2 tháng trở lại đây.
Ngoài ra, các biến cố về tim mạch vẫn có thể xảy ra với những người tập luyện quá sức hoặc tăng cường độ tập đột ngột. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người mắc bệnh tim mạch khi chạy bộ hãy nhờ tới sự tư vấn của chuyên gia và lên lộ trình tập luyện khoa học, vừa sức.
Người bị chấn thương hoặc mắc bệnh về xương khớp
Chạy bộ có thể làm tăng áp lực lên cột sống, đặc biệt là vùng lưng dưới. Do đó, người bệnh thoát vị đĩa đệm cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn và có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu.
Với những người có tiền sử chấn thương khớp gối, chạy bộ có thể làm tái phát chấn thương. Do đó, họ cần tránh chạy bộ hoặc chỉ chạy bộ với cường độ thấp, quãng đường ngắn. Họ nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng hơn như đi bộ, yoga… thay cho chạy bộ cường độ cao.
Người cao tuổi
Nhiều người cho rằng chạy bộ là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, nhưng trên thực tế chạy bộ với cường độ cao không hề phù hợp với người lớn tuổi.
Nguyên nhân là do khi chúng ta già đi, các cơ bắp, dây chằng đã bị lão hóa và không còn đàn hồi tốt nữa. Việc chạy bộ với cường độ cao có thể làm tổn thương cơ bắp và dây chằng vốn dĩ đã chai cứng và yếu ớt, lâu ngày có thể ảnh hưởng không tốt tới khớp và xương chân, gây ra bệnh xương khớp.
Người cao tuổi nên lựa chọn đi bộ thay cho chạy bộ. Tuy nhiên cần lưu ý chỉ nên đi bộ tối đa 30-45 phút mỗi ngày và luôn cần khởi động khoảng 5-10 phút để làm nóng các khớp trước khi đi bộ.
VPBank Can Tho Music Night Run 2024: Âm nhạc ‘kết đôi’ cùng chạy bộ
Giảm chấn thương khi chạy bộ với 7 bài tập tăng sức mạnh cơ bắp