Những người có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc sốt xuất huyết
Trong 9 tháng đầu năm, cả nước có 74.800 người mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 34.000 ca so với báo cáo cuối tháng 6. Các bệnh viện ghi nhận 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết, một số ca là trẻ em.
Theo số liệu mới nhất công bố bởi Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, cả nước có 74.800 người mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong, tăng hơn 34.000 ca so với báo cáo cuối tháng 6.
Tại Hà Nội, tới đầu tháng 10, Thủ đô ghi nhận 206 ổ dịch sốt xuất huyết, gần 40 ổ còn hoạt động. Tổng cộng số ca sốt xuất huyết được ghi nhận là hơn 3.800. Riêng tuần đầu tiên của tháng 10, Hà Nội ghi nhận tới hơn 280 ca rải rác khắp 29 quận, huyện, thị xã, tiếp tục ghi nhận tăng so với tuần liền kề trước đó.
Nhận định đây là giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hằng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cảnh báo số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới.
Đắk Lắk là địa phương có tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến khó lường trong năm nay. Tính đến ngày 9/10, tỉnh ghi nhận gần 4.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết; trong đó có 2 ca tử vong tại TP Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ (một ca là trẻ em).
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay tiếp nhận và điều trị cho gần 1.100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng năm 2024, số trường hợp nặng chiếm tỷ lệ rất cao, tới 10%, nhóm sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo chiếm khoảng 55%.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá sốt xuất huyết là một trong 10 gánh nặng y tế toàn cầu, xếp mức độ 3 (mức độ cao nhất) về khẩn cấp y tế. Sốt xuất huyết gây ra các biến chứng nguy hiểm như tụt huyết áp, sốc mất máu, suy đa tạng, xuất huyết não, hôn mê… có thể tử vong.
Các đối tượng có nguy cơ trở nặng cao hơn khi mắc sốt xuất huyết là trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh mãn tính, béo phì… Thực tế, trong 11 ca tử vong vì sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, không ít ca là trẻ nhỏ, diễn biến bệnh lý rất nhanh và nặng.
Các chuyên gia dự báo số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tiếp tục gia tăng. Hiện sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư… Ngoài ra, tại một số địa phương mưa đã xuất hiện trên diện rộng, mưa đan xen nắng là điều kiện thuận lợi sản sinh bọ gậy.
Ngoài yếu tố diễn thời tiết, khí hậu, theo Bộ Y tế, việc chủ quan, lơ là, chưa tự giác thực hiện hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết của người dân đang dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong thời gian tới.
Để phòng, chống sốt xuất huyết, người dân cần chú ý diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Trong đó, thực hiện vệ sinh nơi ở, xử lý, loại bỏ, lật úp các dụng cụ có thể chứa nước để muỗi đẻ trứng như: Lọ hoa, chai lọ, bể cá, khu vực rác thải…; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Chủ động diệt bọ gậy, loăng quăng là cách hiệu quả nhất để loại bỏ muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Người dân cũng cần phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ban đêm và ban ngày, dùng kem, tinh dầu xua muỗi… Để phòng muỗi đốt gây sốt xuất huyết cho trẻ em, cha mẹ có thể dùng thêm những vật dụng giúp xua muỗi như tã trẻ em hay khăn lau xua muỗi...
>> TPHCM: Nhiều bệnh nhân sốc sốt xuất huyết, gia tăng ca mắc mới
Trung bình mỗi người cao tuổi Việt Nam có 14 năm sống chung với bệnh tật, 'gánh' 3-6 bệnh nền
Đà Nẵng: Bệnh viện 'cạn' thủy tinh thể, bệnh nhân dài cổ chờ thay