Trung bình mỗi người cao tuổi Việt Nam có 14 năm sống chung với bệnh tật, 'gánh' 3-6 bệnh nền
Xu hướng tỷ lệ dân số già nhưng ở Việt Nam, người cao tuổi có tỷ lệ ốm đau cao, tình trạng khỏe mạnh thấp.
Vào ngày 12/10, Bệnh viện Trung ương Huế đã tổ chức Hội nghị khoa học Lão khoa với chủ đề “Quản lý toàn diện bệnh lý người cao tuổi”. Hội nghị có gần 200 khách mời đến từ các cở sở y tế trong tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo cập nhật về chiến lược nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội nghị còn thảo luận về xu hướng mới trong điều trị bệnh Alzheimer, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Các chủ đề chuyên sâu cũng được trình bày, bao gồm: dinh dưỡng, tối ưu hóa điều trị insulin cho bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi, quản lý suy tim, ứng dụng liệu pháp thay thế thận, kiểm soát suy thượng thận,...
Báo cáo đề dẫn tại hội nghị cho biết, vào năm 2020, thế giới có khoảng 727 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,3% tổng dân số toàn cầu. Dự báo rằng con số này sẽ tăng lên hơn gấp đôi vào năm 2050, đạt hơn 1,5 tỷ người cao tuổi, chiếm 16% dân số thế giới. Đến giữa thế kỷ này, trên thế giới cứ 6 người sẽ có một người trên 65 tuổi.
Riêng tại Việt Nam, số người cao tuổi liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2019, cả nước có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm 11,86% dân số. Đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng lên 12% và dự báo sẽ đạt 28% vào năm 2050.
Dù xu hướng tỷ lệ dân số già, tuy nhiên, tại Việt Nam, người cao tuổi lại có tỷ lệ ốm đau cao và tình trạng khỏe mạnh tương đối thấp. Trung bình, mỗi người cao tuổi phải chịu đựng 14 năm bệnh tật (tính tuổi đời mỗi người là 73 năm).
Trước đó, tại Hội nghị Lão khoa Quốc gia lần thứ V, TS.BS Nguyễn Trung Anh - Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Chủ tịch Hội Lão khoa Việt Nam đã cho biết rằng trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc khoảng 3-6 bệnh nền, bao gồm rối loạn chuyển hóa, các bệnh về xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tăng huyết áp và đái tháo đường. Ông nhấn mạnh: "Đây thực sự là bài toán của ngành y, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế, bệnh viện quá tải”.
Do đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở Việt Nam cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Ngoài vai trò của Nhà nước, việc này còn cần có sự quan tâm và chia sẻ từ toàn xã hội.