Đây là khoản vay tại BIDV của Dầu khí Đông Phương đã bị quá hạn từ năm 2019.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) vừa có loạt thông báo về việc bàn giao tài sản nhà máy của CTCP Dầu khí Đông Phương (Orient Oil).
Theo BIDV, trong quá trình thực hiện hợp đồng tín dụng, Dầu khí Đông Phương vi phạm nghĩa vụ trả nợ. BIDV đã nhiều lần đôn đốc, tạo điều kiện trả nợ, tuy nhiên Dầu khí Đông Phương vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ và khoản vay đã bị quá hạn từ năm 2019.
Tính đến ngày 7/11/2023, dư nợ của khoản vay của Dầu khí Đông Phương lên tới 1.190 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 783,7 tỷ và nợ lãi 406,6 tỷ đồng.
Do đó, BIDV quyết định thu hồi loạt tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên của Dầu khí Đông Phương gồm: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với 11.207 m2 đất tại Lô BB1, Khu công nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ; Xe ô tô Toyota Fortuner; Toàn bộ tài sản là Nhà máy pha chế xăng dầu Đông Phương tại Khu công nghiệp BMC – Hưng Phú 2A, Phường Phú Thứ, Quận Cái Răng, TP Cần Thơ.
Đồng thời, BIDV cũng xử lý tài sản bảo đảm của bà Nguyễn Thị Huyền Trang để xử lý cho khoản nợ của Dầu khí Đông Phương gồm: Quyền sử dụng 11.795 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Huyền Trang tại xã Phước Thạnh, Huyện Củ Chi, TPHCM; Quyền sử dụng 6.956 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Huyền Trang tại xã Phước Thạnh, Huyện Củ Chi, TPHCM.
Ngoài ra, BIDV cũng xử lý tài sản bảo đảm của ông Nguyễn Thanh Tùng để xử lý thu hồi cho khoản nợ của Dầu khí Đông Phương gồm: Quyền sử dụng 1.635 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của ông Nguyễn Thanh Tùng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM; Quyền sử dụng 6.259 m2 đất và tài sản gắn liền với đất của ông Nguyễn Thanh Tùng tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TPHCM.
Dầu khí Đông Phương được thành lập vào ngày 20/12/2010 với chức năng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xăng dầu, hệ thống kho cầu cảng, hệ thống phân phối các sản phẩm xăng dầu tại thị trường trong nước và quốc tế.
Năm 2012, Nhà máy Pha chế xăng dầu Đông Phương được khởi công với tổng số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, công xuất thiết kế 130.000 MT/năm sản xuất ra các sản phẩm xăng, dầu, LPG, dung môi …
Về tình hình kinh doanh, từ năm 2018, Dầu khí Đông Phương bắt đầu trượt dài vào con đường nợ thuế khi nợ 108 tỷ đồng tiền thuế vào năm 2018, sang năm 2019 số nợ tăng lên 115 tỷ đồng. Đến năm 2020 thì số tiền nợ thuế tăng vọt lên 630 tỷ đồng và đến thời điểm tháng 6/2021 số tiền nợ thuế tăng lên gần 1.000 tỷ đồng.
> > Cụm khách sạn nhà hàng của đại gia phố núi lại bị rao bán