Nợ trái phiếu đến hạn áp lực lớn, 6,3 tỷ USD từ doanh nghiệp bất động sản
Áp lực nợ trái phiếu đến hạn trong năm 2024 rất lớn. Các doanh nghiệp bất động sản ghi nhận lượng trái phiếu đến hạn lên đến gần 155.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD).
Theo Fiinratings, trong bối cảnh tình hình thị trường bất động sản hiện nay, nhiều chủ đầu tư sẽ gặp khó tạo dòng tiền mới để có thể thực hiện các nghĩa vụ nợ, gồm trái phiếu đến hạn trong năm 2024.
Theo thống kê của Fiinratings, trong tháng 11, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị phát hành đạt 38.600 tỷ đồng, trong đó hơn 90% là phát hành riêng lẻ. Đây là tháng thứ 6 liên tiếp, tổng giá trị phát hành cả trái phiếu doanh nghiệp đạt trên 29.000 tỷ đồng.
Tính chung trong 11 tháng, tổng giá trị phát hành cả trái phiếu riêng lẻ và chào bán ra công chúng đạt gần 253.000 tỷ đồng, trong đó kênh trái phiếu riêng lẻ đạt 228.000 tỷ đồng và phát hành ra công chúng đạt 25.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, giá trị phát hành trong 11 tháng đầu năm 2023 mới chỉ bằng khoảng 80% so với năm 2022 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 782.000 tỷ đồng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2021.
Trong 11 tháng đầu năm 2023, ngân hàng đạt 120.000 tỷ đồng, chiếm 47,5%; nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2 với 32,8%.
Lãi suất trái phiếu của nhóm bất động sản đạt trung bình 11,92% với kỳ hạn bình quân 3,65 năm. Nhưng biên độ khá rộng, từ 6%-14,5% tùy theo tổ chức.
Áp lực trái phiếu đến hạn năm 2024 cao
Theo FiinGroup, áp lực áp lực nợ trái phiếu đến hạn năm 2024 cao, với tổng giá trị thanh toán trái phiếu bao gồm cả gốc và lãi đến hạn cả năm lên tới 376.500 tỷ đồng. Ngành bất động sản chịu áp lực lớn nhất.
Ước tính, trái phiếu bất động sản đáo hạn năm 2024 đạt khoảng 155.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), trong đó giá trị gốc trái phiếu là 122.200 tỷ đồng và chi phí lãi trái phiếu dự kiến là 32.600 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn trầm lắng, tín dụng tăng trưởng chậm và dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản khá yếu, dự đoán các chủ đầu tư sẽ gặp khó trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ.
Tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ nợ ở nhóm bất động sản cũng khá cao, gần 22,7%. Đó là chưa tính đến tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được đàm phán lại để giãn hoãn theo quy định của Nghị định 08.
Bên cạnh việc phát hành trái phiếu như một phần của hoạt động tái cấu trúc lại cơ cấu nợ của doanh nghiệp, FiinGroup dự báo năm 2024 nhiều doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp tục phát hành thành công khi mà các giải pháp hiện nay của Chính phủ được triển khai mạnh và rộng hơn, nhất là đối với vấn đề pháp lý dự án.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động cũng đã chủ động hơn trong minh bạch thông tin đến với thị trường và thực hiện tốt hơn quy định hiện nay.
Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đang xem xét khả năng tạo cơ chế cho phép tiếp tục giãn hoãn thanh toán nợ trái phiếu riêng lẻ theo Nghị định 08, cùng với những giải pháp khác nhằm tháo gỡ pháp lý dự án bất động sản nhằm khôi phục thị trường, qua đó từng bước cải thiện sự hồi phục của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty FiinGroup cũng đã nhiều lần nói về áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 và cho rằng đây là rủi ro cho thị trường tài chính.
Theo ông Thuân, về dài hạn, để nhà đầu tư quay lại với thị trường trái phiếu, cần nhiều nỗ lực từ tổ chức phát hành, cơ chế chính sách cũng như minh bạch thông tin.
Trước đó, theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), hoạt động huy động vốn từ kênh trái phiếu đang được cải thiện nhưng áp lực đáo hạn trong 2 tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024 còn lớn.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng thừa nhận, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành mới và được mua lại còn thấp so với tổng trị giá trái phiếu doanh nghiệp đến hạn.
Việc gia hạn trái phiếu cũng chỉ là chuyển từ nợ ở thời điểm này sang thời điểm khác, khó khăn vẫn còn.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đến tháng 10/2023 có khoảng 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp, với tổng dư nợ ước khoảng 180 nghìn tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ.
Về trái phiếu nhóm Vạn Thịnh Phát, trong cuộc tọa đàm ngày 23/11, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, việc xử lý nợ xấu để thu hồi tổn thất và giải quyết hệ quả phát sinh có thể sẽ phải mất 3-5 năm.
Đối với triển vọng kinh tế 2024, nhiều chuyên gia dự báo triển vọng hồi phục khả quan hơn nhưng rủi ro cũng gia tăng. Thách thức lớn là thị trường bất động sản đóng băng dài hơn dự kiến và nợ xấu trái phiếu còn cao, cầu tiêu dùng trong nước còn yếu.
Trường vay tiền phụ huynh để hoạt động nhưng không trả, khoản nợ lên đến 326 tỷ
Kích hoạt thị trường trái phiếu xanh: 'Phải xây dựng cơ chế phân loại rõ ràng'