Nợ xấu gia tăng, ngân hàng trầy trật thanh lý tài sản đảm bảo là bất động sản
Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu bất động sản.
Một số ngân hàng thời gian gần đây liên tục rao bán các khoản nợ, thanh lý tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu. Trong đó có những khoản nợ giá trị lớn phải hạ giá và rao bán nhiều lần.
Đơn cử, Agribank đang tìm cách thu hồi hơn 1.000 tỷ cho các doanh nghiệp liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh vay.
Ngoài ra, ngân hàng này mới đây cũng thông báo bán đấu giá (lần 3) khoản nợ của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc (Công ty Hoàng Hải Phú Quốc). Ba khoản nợ này có tổng giá khởi điểm là hơn 381 tỷ đồng, giảm hơn 43 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên,...
Trong khi đó, Agribank Chi nhánh Đống Đa ngày 4/10 thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của CTCP Khách sạn Bến Du Thuyền (Marina Hotel) – chủ đầu tư dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia (Swisstouches La Luna Resort) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Một ngân hàng khác là VietinBank - Chi nhánh Bắc Sài Gòn vừa thông báo bán đấu giá lần thứ 4 khoản nợ hơn 560 tỷ đồng của CTCP Xây dựng Công nghiệp (Descon) để xử lý thu hồi nợ vay.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính tới cuối tháng 7 đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Số dư nợ này chiếm tỷ trọng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong khi tín dụng vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại thì nợ xấu của lĩnh vực này lại có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Nguy cơ nợ xấu bất động sản “phình to” đã được cảnh báo từ năm ngoái khi giai đoạn 2023 - 2024 là điểm rơi đáo hạn một lượng rất lớn trái phiếu doanh nghiệp. Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng được đánh giá sẽ không dễ trong bối cảnh nợ quá hạn tăng, thị trường địa ốc ảm đạm khiến việc xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản càng gặp khó.
Tại Hội thảo "Bất động sản phía Nam”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng bày tỏ: “Tôi rất mừng khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 bởi tôi đồng ý rằng cần phải siết lại tín dụng, đặc biệt là tín dụng bất động sản và phải siết lại trong sự hợp lý. Tôi mong muốn nguồn vốn tín dụng chảy vào bất động sản nhiều hơn nhưng nguồn vốn đó phải được kiểm soát và đi đúng nơi, đúng chỗ. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng dòng tiền chảy ồ ạt vào bất động sản giống như hơn 10 năm trước”, vị này nói.
Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau đó, Ngân hàng Nhà nước lại ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành một số khoản của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN).
Theo đó, nhà điều hành tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại cho vay để đảo nợ, cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh (chưa thể ký hợp đồng mua bán với khách hàng).
Ông Hiếu cho rằng đây là các lĩnh vực tạo ra rủi ro rất lớn. Nếu dự án chưa đủ pháp lý thì nếu dự án không được cấp phép, bị rút phép thì người đi vay làm sao trả nợ được cho ngân hàng? Vì vậy phải siết lại và kiểm soát rủi ro để tránh đi vào vết xe đổ của những năm trước.
“Tôi nhớ giai đoạn 2011 - 2015 hàng tồn kho tăng lên rất cao, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản vỡ nợ vì không bán được hàng. Rồi có những vấn đề liên quan đến một số ngân hàng mới nổi mà tăng trưởng tín dụng trong một năm là 100%. Nhưng hiện tại, không thể để một ngân hàng nào có mức tăng trưởng cao như vậy”, chuyên gia cho hay.
768.000 tỷ đồng nợ xấu toàn ngành ngân hàng: bất ngờ đến từ trái phiếu tiềm ẩn
Ngân hàng rao bán hơn 51 tấn phế liệu
Sau khi ông Phạm Đức Ấn nhận nhiệm vụ mới, Agribank cử ông Trần Văn Dũng thay thế