Nông dân Đồng Tháp từng trăn trở trước nỗi vất vả, nay ‘ăn nên làm ra’ nhờ bước chuyển mình: Trồng lúa giờ nhàn tênh, thu nhập tiền tỷ lại ‘giúp người
Nông dân Nguyễn Văn Tài, xã Tân Hòa (tỉnh Đồng Tháp mới), là điển hình tiên phong trong ứng dụng cơ giới hóa, phát triển dịch vụ nông nghiệp và thành lập Hợp tác xã, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập.
Vượt khỏi khuôn khổ của nghề trồng lúa truyền thống, ông Nguyễn Văn Tài – nông dân xã Tân Hòa, tỉnh Đồng Tháp – đã trở thành hình mẫu điển hình của nông dân hiện đại khi xây dựng thành công mô hình cung cấp dịch vụ toàn diện trong sản xuất lúa, mang lại thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.
Từ trăn trở thiếu nhân công đến dịch vụ cơ giới hóa “ăn nên làm ra”
Gia đình ông Tài canh tác 1,5 ha lúa, sản xuất 3 vụ mỗi năm, năng suất đạt từ 6 tấn/ha. Tuy nhiên, lợi nhuận từ trồng lúa đơn thuần không cao, trong khi bài toán thiếu lao động vào mùa thu hoạch luôn khiến ông đau đáu.
“Nhiều thanh niên địa phương rời quê đi làm công nhân, để lại cánh đồng thiếu người gặt lúa, khiến năng suất sụt giảm, chất lượng giảm, bán cũng mất giá”, ông Tài chia sẻ.
![]() |
Nông dân Đồng Tháp mới - ông Nguyễn Văn Tài "ăn nên làm ra" nhờ dịch vụ cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ảnh: Báo Dân Việt |
Để giải quyết bài toán này, từ năm 2006, ông Tài đầu tư 2 máy phóng lúa phục vụ bà con trong vùng. Mỗi vụ, hai máy phục vụ khoảng 34 ha, tương đương hơn 100 ha/năm. Với giá dịch vụ 1,5 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi khoảng 720 triệu đồng/năm.
Thấy nhu cầu cơ giới hóa ngày càng lớn, ông tiếp tục đầu tư 3 máy gặt đập liên hợp. Mỗi máy gặt được khoảng 225 ha/vụ, tổng cộng 675 ha/năm. Với giá 1,8 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí vận hành, ông lãi khoảng 665 triệu đồng/năm.
Chưa dừng lại, ông Tài còn cung cấp dịch vụ thu mua lúa tận ruộng, đặc biệt ở các vùng sâu khó tiếp cận, giúp nông dân tránh bị ép giá. Với mức hoa hồng 50 đồng/kg, sản lượng khoảng 690 tấn/năm, ông thu thêm khoảng 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, 2 máy cày của ông cũng mang lại nguồn thu ổn định với lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng mỗi năm.
Tính tổng cộng, từ sản xuất lúa, dịch vụ máy móc, thu mua lúa và các khoản thu nhập phụ, mỗi năm gia đình ông Tài thu về khoảng 1 tỷ đồng – một con số mơ ước đối với nhiều nông hộ hiện nay.
Thành lập hợp tác xã – phát triển không chỉ cho riêng mình
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Tài còn hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng. Ông đứng ra vận động và thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Phước Trung với 105 thành viên, 50 ha diện tích sản xuất. Hợp tác xã cung cấp các dịch vụ thiết yếu như: bơm nước, cày xới, gieo sạ hàng, thu hoạch bằng máy liên hợp và thu mua lúa.
![]() |
Ông Tài không chỉ làm giàu cho bản thân còn "giúp đời, giúp người". Ảnh: Báo Dân Việt |
Tất cả dịch vụ đều thực hiện công khai, đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo quyền lợi cho các tổ viên. Mô hình hợp tác xã giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm rủi ro và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Gắn bó với cộng đồng, lan tỏa tinh thần tương thân
Không chỉ chú trọng kinh tế, ông Tài còn tích cực tham gia hoạt động xã hội. Ông hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho 10 hộ nông dân khó khăn, cho 15 hội viên vay vốn sản xuất (tổng 30 triệu đồng), đồng thời hỗ trợ riêng 30 triệu đồng cho 2 hộ khác có nhu cầu phát triển kinh tế.
Dịp Tết, ông vận động tặng quà cho hội viên nghèo và gia đình chính sách với tổng trị giá khoảng 15 triệu đồng.
Bà Phạm Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hòa, cho biết, ông Nguyễn Văn Tài là nông dân tiêu biểu của xã, từng được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh Tiền Giang năm 2023. Mô hình của ông là minh chứng cho tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chia sẻ vì cộng đồng.
Với tư duy tiên phong, tầm nhìn chiến lược và tinh thần sẻ chia, ông Nguyễn Văn Tài đang khẳng định vai trò mới của người nông dân trong thời kỳ hiện đại: không chỉ là người sản xuất mà còn là “nhà cung cấp dịch vụ” – góp phần chuyển mình cho nền nông nghiệp Việt Nam.