Theo UBND tỉnh Bình Thuận, địa phương đang tìm cách gỡ khó cho Tổ hợp khu du lịch thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết).
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dự án bất động sản báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận về dự án Tổ hợp khu du lịch thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiết).
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và tỉnh Bình Thuận cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các dự án, các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, đảm bảo việc triển khai các dự án đúng tiến độ và đúng theo quy định của pháp luật.
Tỉnh Bình Thuận cần quyết liệt giải quyết các vướng mắc, trong đó đặc biệt là về pháp lý để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đây cũng là tiền đề quan trọng để các ngân hàng không chỉ khoanh hay giãn nợ cho doanh nghiệp mà còn giải ngân được những gói vay mới. Đối với những dự án có quy mô lớn như dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương (Novaworld Phan Thiết) của Novaland nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai thực hiện nhằm đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã có báo cáo về những vướng mắc tại dự án tỷ đô của Novaland.
Theo báo cáo, tỉnh Bình Thuận đề xuất hướng giải giải quyết đối với 5 vướng mắc đang tồn động tại dự án.
Về chủ trương đầu tư, dự án được tỉnh cấp giấy chứng nhận lần đầu vào tháng 7/2008 và thay đổi lần thứ 5 vào tháng 10/2014. Đến tháng 4/2019, Bình Thuận ban hành quyết định chủ trương đầu tư mới (thay thế cho 2 quyết định trên), giữ nguyên quy mô, nhưng mục tiêu thay đổi thành đầu tư khu biệt thự, khu phố thương mại để bán và kinh doanh theo vòng đời dự án; khu khách sạn cao cấp; kết hợp đầu tư các công trình thương mại, dịch vụ; sân golf, bungalow, nhà hàng...
Về cho thuê đất, tỉnh nhận thấy việc cho thuê đất nhiều đợt trong cùng một dự án là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý và là nguyên nhân dẫn tới vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể phải xác định tại nhiều thời điểm. Tỉnh đề xuất xử lý lại các quyết định cho thuê đất trong cùng một đợt tại tháng 8/2021. Thời gian sử dụng đất trước khi xử lý sẽ tính truy thu tiền thuê đất.
Về việc tạm thu tiền thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do khó khăn trong việc xác định giá đất, chủ đầu tư mới tạm nộp gần 386 tỷ đồng thuê đất tính từ năm 2011 đến hết 2022. Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp 67 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích đã được UBND tỉnh ban hành quyết định cho thuê (963ha).
Pháp luật hiện nay chưa có quy định về việc tạm thu tiền thuê đất, tỉnh nhận thấy việc cho phép tạm thu tiền thuê đất là chưa đúng quy định pháp luật. Tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất đối với dự án để công ty nộp đủ nghĩa vụ tài chính.
Do đó, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị tổ công tác xem xét, hướng dẫn xử lý trường hợp này, có thực hiện thu hồi, bãi bỏ chủ trương tạm thu cho chặt chẽ, đúng quy định pháp luật không?
Tương tự, tỉnh cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính cũng là chưa đảm bảo quy định pháp luật. Bình Thuận đang chỉ đạo các đơn vị xử lý, trong đó có xem xét thu hồi các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Tỉnh nhận thấy đây là một vướng mắc khó, mang tính chất nhạy cảm, pháp luật chưa quy định rõ, đề nghị Tổng công tác hướng dẫn nhằm giảm thiểu thiệt hại nhất cho tỉnh cũng như nhà đầu tư.
Về việc xác định giá đất cụ thể của dự án, tỉnh đề nghị cũng cho phép xử lý lại 8 đợt thuê đất thành 1 tại thời điểm tháng 8/2021.
Vướng mắc cuối cùng về chuyển hình thức sử dụng đất sang thuê đất trả tiền một lần theo kiến nghị của chủ đầu tư đối với đất xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố thương mại từ trả tiền hàng năm sang thuê trả tiền một lần, tỉnh báo cáo Tổ công tác vấn đề trên để xem xét, cho ý kiến hướng dẫn.
Thời gian qua, công ty con của Novaland đưa ra nhiều lý do, trong đó có đã và đang bán toàn bộ các công trình này cho khách hàng với quyền sở hữu công trình trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất theo thời hạn dự án. Tuy nhiên, vì trả tiền thuê đất hàng năm, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện phương án kinh doanh, huy động vốn cho dự án và có khả năng gây phản ứng tiêu cực của khách hàng.
Đồng thời, việc này cũng gây khó cho các cơ quan chức năng khi cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho khách hàng mua biệt thự nghỉ dưỡng và khu phố thương mại.
Vì vậy, Bình Thuận kiến nghị cho chủ đầu tư được chuyển sang trả tiền thuê đất một lần với phần diện tích xây dựng biệt thự và khu phố thương mại. Theo tỉnh, đây phương án tối ưu, phù hợp với quy định pháp luật và giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc phức tạp trong hoạt động kinh doanh tại dự án, đảm bảo quyền lợi khách hàng.