Việt Nam sắp có thêm 1 khu du lịch quốc gia, tọa lạc tại nơi sở hữu hồ nước ngọt tự nhiên quy mô lớn nhất cả nước và lọt top thế giới
Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể – hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, thuộc top 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới – đang được quy hoạch bài bản để trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030.
Theo VnEconomy, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính vừa ký Quyết định số 1407/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ và phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể. Quy hoạch này nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đồng thời hiện thực hóa mục tiêu đưa Hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030, khẳng định vị thế là trung tâm du lịch trọng điểm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Hồ Ba Bể – hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam, đồng thời thuộc top 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng cùng hệ sinh thái phong phú, nơi đây không chỉ là niềm tự hào của địa phương mà còn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Theo quy hoạch, việc phát triển Hồ Ba Bể gắn chặt với mục tiêu du lịch bền vững, nhận diện đầy đủ các giá trị nổi bật của di tích, xác định rõ chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho từng khu vực như khu di tích, khu dân cư, khu bảo vệ môi trường sinh thái… Các hạng mục hạ tầng sẽ được bố trí hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn cảnh quan, môi trường với khai thác du lịch.
Không gian quy hoạch lấy Hồ Ba Bể làm hạt nhân, xung quanh là 4 vùng chức năng chính: phía Bắc tập trung khai thác cảnh quan sông nước, hang động, văn hóa bản địa và kết nối với Na Hang (Tuyên Quang) theo sông Năng; phía Nam là cửa ngõ, bảo tồn giá trị văn hóa, sinh thái cộng đồng dọc sông Lèng; phía Đông hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể; phía Tây bảo tồn văn hóa cộng đồng người Mông, phát triển nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái. Các không gian này được kết nối thông qua các trục chính như Hồ Ba Bể, Quốc lộ 3C, tuyến Khang Ninh – Na Hang và tuyến Nam Mẫu – Quảng Khê.

Hồ Ba Bể cũng được quy hoạch thành 19 phân khu chức năng, lồng ghép với các quy hoạch xây dựng để triển khai các dự án thành phần. Thị trường khách du lịch sẽ tập trung chủ yếu vào khách nội địa, đồng thời tăng dần tỷ trọng khách quốc tế, chú trọng các phân khúc chi trả cao, có ý thức bảo vệ môi trường và di sản.
Sản phẩm du lịch của Hồ Ba Bể được định hình rõ nét, nổi bật với các loại hình: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng, nông nghiệp kết hợp trải nghiệm và sản phẩm OCOP. Trong đó, nổi bật là chuỗi sản phẩm du lịch trải nghiệm cảnh quan – địa chất như: Thung lũng đá thạch nhũ (Động Hua Mạ), Làng nhà sàn (Pác Ngòi), vùng đất ngập nước (suối Cốc Tộc), rừng cao nguyên (Khau Qua), sông nước (sông Năng), thác nước (thác Đầu Đẳng). Ngoài ra, còn phát triển du lịch cộng đồng khai thác bản sắc của các dân tộc Tày, Mông, Dao, Nùng và các điểm đến tín ngưỡng như đền An Mạ, động Puông, đảo Bà Góa, Ao Tiên…
Với quy hoạch đồng bộ, tầm nhìn dài hạn cùng sự quyết tâm của các cấp chính quyền, Hồ Ba Bể đang được kỳ vọng sẽ bứt phá, trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, giữ vững danh hiệu di sản quốc gia đặc biệt và tỏa sáng trên bản đồ du lịch thế giới.
3 khu vực đẹp nhất nhì Thủ đô tương lai trở thành khu du lịch quốc gia
TP đáng sống nhất Việt Nam sẽ có khu du lịch quốc gia mới, sở hữu tượng Phật Bà cao nhất cả nước