Xã hội

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ

Thái Hà 16/04/2025 11:14

Vai diễn gai góc, cương nghị trong bộ phim “Nổi gió” đã đưa tên tuổi bà vụt sáng, trở thành một huyền thoại của điện ảnh Việt Nam.

Cảnh đốt tay huyền thoại, gần 60 năm sau vẫn gây xúc động

Bộ phim Nổi gió của đạo diễn Huy Thành vừa được giới thiệu trong chương trình Cine7 - Ký ức phim Việt phát sóng trên VTV. Đây là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh cách mạng khai thác đề tài chiến tranh với bối cảnh đặt tại miền Nam.

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ - ảnh 1
NSND Thụy Vân có nhiều vai diễn ghi dấu trong lòng công chúng. Ảnh: Internet

Được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Đào Hồng Cẩm, bộ phim phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng cuối thập niên 1960. Trong phim, nhân vật Phương (do NSND Thế Anh thủ vai) gặp lại người chị gái là Vân (NSND Thụy Vân), một chiến sĩ thuộc lực lượng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau nhiều năm xa cách.

Không chỉ hấp dẫn bởi yếu tố kịch tính và những lựa chọn đầy thử thách của các nhân vật, Nổi gió còn để lại dấu ấn sâu sắc nhờ cách khắc họa hình tượng người phụ nữ trong chiến tranh. Nhân vật Vân – một nữ chiến sĩ cách mạng phải chịu đựng nỗi đau tưởng chừng không thể vượt qua: mất gia đình, em trai và cả đứa con trai mới 3 tuổi khi ở trong tù. Tuy nhiên, cô vẫn vững vàng vượt lên, sử dụng vỏ bọc của một người điên để tiếp tục hoạt động cách mạng. Theo nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, đây là điểm sáng thể hiện nét đặc trưng của “tính nữ” trong điện ảnh Việt.

Dù sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, cố NSND Thụy Vân đã hóa thân đầy thuyết phục vào vai người phụ nữ Bến Tre. Bà tự mình thực hiện nhiều cảnh quay bị tra tấn, đánh đập, trong đó có một phân đoạn kinh điển và đầy ám ảnh: các đầu ngón tay bị quấn băng gạc tẩm cồn rồi châm lửa. Trước ngọn lửa rực cháy trên đôi tay, ánh mắt cương nghị và gương mặt không chút biến sắc của Thụy Vân khiến kẻ thù phải run sợ.

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ - ảnh 2
Phân cảnh đốt tay của NSND Thụy Vân trong Nổi gió. Ảnh: Tư liệu gia đình

Sinh thời, bà từng chia sẻ vẫn còn rùng mình mỗi khi nhớ lại cảnh quay đó. Khi ấy, tay bà được quấn một lớp gạc, phủ thạch cao và bên ngoài là lớp bông tẩm dầu. Một người trong đoàn luôn đứng cạnh với thùng nước, sẵn sàng dập lửa khi đạo diễn hô “cắt”. Cảnh quay này không có buổi tập dượt trước, chỉ được thực hiện "một đúp ăn ngay" theo yêu cầu của đoàn làm phim.

Trích đoạn cảnh quay đốt 10 ngón tay trong phim

Một phân cảnh ấn tượng khác là khi Vân chèo đò giữa sông trong cơn giông bão. Để thực hiện cảnh quay này, đoàn phim phải chờ hơn một tháng để có mưa giông thật, vì mưa có thể tạo bằng vòi rồng nhưng giông gió, sấm chớp thì không thể can thiệp bằng máy móc.

"Thuyền chòng chành giữa gió to, sấm sét đì đoàng trên đầu, còn tôi thì lạnh buốt vẫn phải diễn vẻ mặt hân hoan, vững tay chèo lái đúng như tinh thần chủ đạo của phim", nghệ sĩ kể.

Bộ phim đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ khi ra mắt. Đạo diễn Huy Thành nhớ lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khen phim "hào hùng, xúc động", còn NSND Thụy Vân vinh dự được gặp Bác, trò chuyện và ngồi cạnh Người để nói về tác phẩm.

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ - ảnh 3
Bức ảnh kỷ niệm của cố NSND Thụy Vân với Bác Hồ

Nổi gió là bộ phim đầu tiên trong ba tác phẩm đoạt giải Bông sen vàng của đạo diễn Huy Thành. Còn với NSND Thụy Vân, dù sau này tham gia nhiều phim khác cả với vai trò diễn viên lẫn đạo diễn, bà vẫn luôn thừa nhận chưa từng vượt qua được cái bóng quá lớn từ vai diễn chị Vân trong Nổi gió.

Sự thành công của bộ phim sâu sắc đến mức có người đã lặn lội đi bộ từ miền Nam ra Hà Nội, tìm đến tận nhà bà ở phố Châu Long chỉ để chuyển lời của các bà má miền Nam. Họ nhắn gửi: nếu đất nước thống nhất, sẽ ra Hà Nội nhận Thụy Vân là con gái, là người con của Bến Tre. Đó là một kỷ niệm khiến bà không thể nào quên.

Gương mặt tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam

NSND Thụy Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thụy Vân, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Bà xuất thân trong một gia đình trí thức: cha là Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, nhà văn Nguyễn Lương Ngọc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; chú ruột là Giáo sư, NSND Nguyễn Đình Quang – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh; em trai là Phó Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lương Tiểu Bạch – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Năm 1959, khi còn là nữ sinh trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), Thụy Vân nộp đơn thi vào khoa Đạo diễn Trường Điện ảnh Hà Nội. Tuy nhiên, bà bị từ chối với lý do còn trẻ, thiếu trải nghiệm sống để theo ngành này.

Sau đó, bà thi đỗ và theo học lớp diễn viên khóa I của Trường Điện ảnh Việt Nam (tiền thân của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh), cùng thời với các nghệ sĩ như NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Trần Phương…

Tốt nghiệp năm 1962, bà công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội). Vai diễn đầu tay của bà là trong phim Làng nổi (1965), nhưng phải đến một năm sau, vai nữ chính – chị Vân trong Nổi gió – mới thật sự đưa tên tuổi bà đến với công chúng. Bộ phim đoạt giải Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I năm 1970.

Tên tuổi NSND Thụy Vân gắn liền với nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển như Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng Tám, Rừng xà nu, Hai bà mẹ, Đứa con nuôi… Trong đó, Nổi gió của đạo diễn – NSND Huy Thành vẫn là dấu son đặc biệt trong sự nghiệp và nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ - ảnh 4
NSND Thụy Vân (thứ 2 từ trái qua) tham dự Liên hoan phim Mátxcơva

Không chỉ đóng phim, NSND Thụy Vân còn đạo diễn và làm thơ. Bộ phim Cơn lốc đen do bà đạo diễn từng giành giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988). Tập thơ Từng giọt ngọt đời của bà cũng được người yêu thơ đón nhận nồng nhiệt.

Bộ phim cuối cùng bà tham gia là Bí mật thành phố cấm (1991) của đạo diễn Phan Vũ. Sau đó, bà ít xuất hiện trên màn ảnh, nhưng vẫn là đại diện tiêu biểu của điện ảnh Việt tại các Liên hoan phim quốc tế như Phnôm Pênh, Mátxcơva… và từng là giám khảo Liên hoan phim Karlovy Vary (Tiệp Khắc cũ).

Với những đóng góp to lớn cho nghệ thuật, NSND Thụy Vân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương chống Mỹ hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp nghệ thuật, Huy chương Vì sự nghiệp điện ảnh…

NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ - ảnh 5
Sau khi rút khỏi làng điện ảnh, NSND Thụy Vân sống kín tiếng. Ảnh: Internet

Ở tuổi xế chiều, bà chọn sống kín tiếng, rút khỏi ánh đèn sân khấu để dành thời gian cho gia đình. Năm 2023, sau thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng di căn phổi, NSND Thụy Vân qua đời ở tuổi 83. Gia đình cho biết bà ra đi thanh thản, nhẹ nhàng.

Sự ra đi của bà là nỗi mất mát lớn đối với điện ảnh nước nhà. Dù đã khuất, hình ảnh một người phụ nữ kiên cường, cống hiến trọn đời cho nghệ thuật sẽ mãi sống trong ký ức khán giả.

>> Gia đình có 4 NSND và NSƯT, 1 Anh hùng LLVT nhân dân: Người là tượng đài của dòng nhạc cách mạng, người từng hạ 6 máy bay địch

Nữ NSND từng xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật: Ngoài đời là 'đại gia ngầm', sở hữu gia trang rộng mênh mông, nội thất hầu hết bằng gỗ quý

Huyền thoại nữ NSND tự ‘đốt 10 ngón tay’ một thời: Là con gái Hiệu trưởng, từng được hội ngộ Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/nsnd-co-canh-dot-tay-huyen-thoai-trong-phim-noi-gio-cha-va-chu-la-hieu-truong-dai-hoc-lon-tung-duoc-gap-bac-ho-140430.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    NSND có cảnh đốt tay huyền thoại trong phim ‘Nổi gió’: Cha và chú là Hiệu trưởng đại học lớn, từng được gặp Bác Hồ
    POWERED BY ONECMS & INTECH