Nhân vật

Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên: 29 tuổi trở thành Bí thư Thành ủy Sài Gòn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn vinh vào bậc 'tiên liệt' cách mạng

Quỳnh Như 10/04/2024 07:00

Bà cũng là người phụ nữ phương Đông đầu tiên vạch trần chính sách xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương trên diễn đàn Quốc tế.

Người được Bác Hồ trực tiếp giáo dục

Nguyễn Thị Minh Khai là người con ưu tú của quê hương xứ Nghệ, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hy sinh trọn đời cho Tổ quốc. Bà tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 30/9/1910, trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thị xã Vinh (nay là thành phố Vinh).

Năm 1919, Nguyễn Thị Minh Khai theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, bà được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước, mở đầu là các phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh…

Nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ảnh tư liệu/Báo Đảng Cộng sản

Nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai là nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên. Ảnh tư liệu/Báo Đảng Cộng sản

Năm 1930, bà gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách tuyên truyền, huấn luyện đảng viên tại Trường Thi, Bến Thủy. Sau đó, bà sang Hương Cảng, công tác tại văn phòng chi nhánh Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản. Bà được Bác Hồ trực tiếp giáo dục lý luận, chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng.

Năm 1931, Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, đánh đập, nhưng bà vẫn không một lời khai báo để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng.

Bà Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 năm 1935. Ảnh tư liệu/Báo Đảng Cộng sản

Bà Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin) tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 năm 1935. Ảnh tư liệu/Báo Đảng Cộng sản

Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moscow. Cùng năm đó, bà gặp và kết hôn với người anh hùng Lê Hồng Phong (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương) tại Thượng Hải. Lễ kết hôn của hai nhà hoạt động cách mạng được tổ chức giản dị, ấm tình đồng chí. Giữ lời hứa với Đảng, cuộc đời hai vợ chồng Lê Hồng Phong - Nguyễn Thị Minh Khai cho đến phút cuối cùng gắn với những thăng trầm của cách mạng Việt Nam.

Làm Bí thư Thành ủy lúc 29 tuổi...

Giữa năm 1937, Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn hoạt động, làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ. Năm 29 tuổi, bà được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù nhưng bà vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc, hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc, Nguyễn Thị Minh Khai nhận được sự tin yêu của đồng đội, đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời.

Nhờ tầm hiểu biết rộng, đúc kết và chỉ đạo vấn đề từ thực tiễn rất nhanh, khả năng nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, bà đã sát cánh cùng chồng chuẩn bị các báo cáo ở hội nghị cũng như trong cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng… trong cuộc đấu tranh thành lập Mặt trận dân chủ chống chiến tranh và chống phát xít ở Sài Gòn những 1938-1939. Bà cũng là diễn giả xuất sắc của nhiều buổi mít tinh lớn ở các rạp hát trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đấu tranh với các luận điệu của bọn Trốtkít, đội lốt Đảng chui vào phá hoại Đảng bộ Sài Gòn.

Mùa xuân 1939, bà sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Lê Nguyễn Hồng Minh – tên được ghép từ tên của hai vợ chồng bà để chứng minh cho kỷ niệm tình yêu lớn bao bà dành cho ông. Thời gian này, chồng bà đang bị tù đày ở Côn Đảo. Bà đành gửi đứa con "trứng nước" của mình cho cơ sở cách mạng ở Bà Điểm, Hóc Môn nuôi nấng chăm sóc để tiếp tục tham gia cách mạng.

Tháng 7/1940, bà Nguyễn Thị Minh Khai bị địch bắt. Trong phiên tòa xử kín của thực dân, khi nghe tên chánh án tuyên án: “Nguyễn Thị Minh Khai, tử hình!”, bà thản nhiên quay lại trìu mến dặn em gái: “Thôi, em về đi. Chị chết nhưng không ân hận, vì chị đã làm một việc có ích cho dân tộc, cho cách mạng.”

Thời gian ở trong tù, bà luôn nêu cao gương hoạt động bền bỉ và tinh thần lạc quan. Bà tranh thủ từng ngày, từng giờ truyền lại những bài học và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho chị em trong tù.

Áo gối của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai thêu tặng mẹ và em gái thời gian ở trong tù năm 1940. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Áo gối của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai thêu tặng mẹ và em gái thời gian ở trong tù năm 1940. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Trong những ngày ở xà lim chờ ra pháp trường, bà tước vải áo nhà tù, lấy từng sợi vải để đan thành chiếc áo gối gửi tặng bố mẹ già. Nghĩ đến người chồng – người đồng chí Lê Hồng Phong, bà nhờ các đồng đội nhắn gửi lời chào vĩnh biệt.

Bà đã bí mật viết vào mảnh giấy cuốn tròn trong điếu thuốc lá gửi cho chồng, khi ông còn đang ở nhà tù Côn Đảo: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng như vậy".

Chân dung hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Báo Pháp Luật

Chân dung hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: Báo Pháp Luật

Sáng 28/8/1941, bà ngã xuống khi mới 31 tuổi. Phút cuối cùng của cuộc đời, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đau đáu trong lòng nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc, vẫn một lòng mong muốn cho dân tộc Việt Nam có độc lập, tự do. Bà ra đi để lại trên tường xà lim bài thơ nhắc nhủ mọi người:

"Vững chí bền gan, ai hỡi ai

Kiên tâm giữ dạ mới anh tài

Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ

Con đường cách mạng vẫn chông gai."

Bà Nguyễn Thị Minh Khai được Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng, tôn vinh vào bậc “tiên liệt” cách mạng.

Năm tháng đã trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh anh dũng, kiên cường của nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai ngày nào đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, viết lên bản anh hùng ca bất diệt của toàn thể dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo.

Tham khảo:

- Sáng mãi tấm gương nữ chiến sỹ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (28/9/2020)

- Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên là ai? - Bảo tàng Lịch sử QG/nhavantphcm.com (Phụ Nữ Việt Nam)

- Nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất - Báo QĐND (29/9/2020)

- Nguyễn Thị Minh Khai: Nữ chiến sỹ cộng sản kiên trung - Báo Tiền Phong (26/9/2020)

>> Anh hùng duy nhất Việt Nam được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quyết định lấy tên đặt tên đường ngay khi còn sống

Nữ anh hùng tải đạn được mệnh danh là nữ dân quân 'khỏe nhất Việt Nam', vác hai hòm đạn nặng 98kg trên vai trong kháng chiến chống Mỹ

Người nước ngoài duy nhất được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ngày qua đời phủ lên linh cữu là Quốc kỳ nước Việt

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nu-chien-si-cong-san-viet-nam-dau-tien-29-tuoi-tro-thanh-bi-thu-thanh-uy-sai-gon-duoc-chu-tich-ho-chi-minh-ton-vinh-vao-bac-tien-liet-cach-mang-d120029.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nữ chiến sĩ cộng sản Việt Nam đầu tiên: 29 tuổi trở thành Bí thư Thành ủy Sài Gòn, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tôn vinh vào bậc 'tiên liệt' cách mạng
    POWERED BY ONECMS & INTECH