Ô nhiễm kênh mương, bài toán chưa có lời giải
Hệ thống kênh mương ở Hà Nội không chỉ phục vụ công tác tưới tiêu mà còn mang tới cảnh quan tươi mát, điều hòa sinh thái cho Thủ đô. Tuy nhiên, nhiều kênh mương đang phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm trầm trọng.
Rác thải bủa vây kênh, mương
Quốc lộ (QL) 32 một buổi chiều đầu tháng 5/2024 trời nóng như đổ lửa. Dòng người đi xe máy lao đi vun vút để tránh cái nóng nực mùa hè khiến không khí ngoài đường càng trở nên vội vã. Đến địa phận xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, một người đàn ông ngoài 40 tuổi ngồi trên chiếc xe máy cà tàng thong thả đi ven đường, vừa đi vừa lùa đàn dê tiến về phía trước, đích đến là cánh đồng hoang cạnh QL32. Vừa nghe tôi hỏi thăm nơi nào có kênh mương ô nhiễm, người đàn ông chỉ thẳng vào con kênh thủy lợi trước mặt. “Anh lại đằng kia mà xem, rác đầy rẫy. Vừa được dọn ít hôm trước rồi đấy, giờ rác vẫn còn nhiều như thế. Người dọn cứ dọn, người vứt cứ vứt” – người đàn ông chăn dê nói với giọng chán nản.
Theo hướng chỉ tay của anh, tôi tiến về phía trước, tận mục sở thị một kênh thủy lợi vắt ngang QL32, nối liền hai cánh đồng ở hai bên đường. Quả thật, con kênh này đang ngập trong rác thải. Ở hai bên đầu cống, từng đống rác lớn nhỏ nổi lềnh phềnh trên mặt nước, khiến dòng chảy bị tắc nghẽn.
Đặc biệt, từng mảng lớn rác thải bị dồn toa, mắc kẹt ở đầu miệng cống, bốc mùi hôi nồng nặc. Ngay phía trên bờ kênh, một bãi rác thải lớn đã án ngữ tự bao giờ. Đủ các loại rác từ cũ đến mới, từ nguyên trạng đến bị đốt cháy xen lẫn vào nhau, tạo thành một bức tranh nham nhở và xám xịt. Được biết, đây là kênh thủy lợi số 6 xã Ngọc Tảo. Còn về tình trạng rác thải ngập ngụa nơi đây, người dân cho hay, đây là “chuyện thường ở huyện rồi”.
Cũng trong tình trạng rác thải bủa vây là mương Kẻ Khế, thuộc địa phận phường Đội Cấn và phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Trên thực tế, con mương này đã có dự án cống hóa từ hơn chục năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn đang trong tình trạng dở dang và trở thành một nơi “lý tưởng” để tập kết rác thải. Đi dọc con mương này, có thể dễ dàng bắt gặp vô vàn các loại rác thải, từ rác sinh hoạt, rác xây dựng, rác cồng kềnh… được vứt bỏ tràn lan hai bên bờ mương. Dù cho chính quyền địa phương đã treo rất nhiều biển nhắc nhở người dân không vứt rác thải bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường, nhưng đều không hiệu quả.
Chị Nguyễn Thúy Vân – một người dân sống gần mương Kẻ Khế cho biết, tình trạng rác thải bị vứt bỏ bữa bãi dọc con mương này không phải bây giờ mới có mà đã là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” suốt hàng chục năm nay. “Dòng nước chảy dưới mương vốn đã ô nhiễm và bốc mùi lắm rồi, lại thêm rác thải vứt bỏ khắp nơi nữa. Nhất là khi nắng lên, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, có những khi chúng tôi không thể nào thở nổi” – chị Vân nói và bày to lo ngại, không biết quãng thời gian mùa hè sắp tới sẽ chống chọi với tình trạng ô nhiễm của con mương này ra sao.
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
Trên thực tế, tình trạng rác thải bủa vây, gây ô nhiễm nghiêm trọng các con kênh, mương trên địa bàn TP Hà Nội là điều khá phổ biến. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng, cộng với ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân còn chưa cao, đang là một trong những nguyên nhân góp phần khiến hệ thống kênh, mương ở Thủ đô rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Giải pháp duy nhất để đối phó với tình trạng này là vớt rác, khơi thông dòng chảy thường xuyên.
Tuy nhiên, cách làm này vừa tốn công sức nhưng chưa thực sự hiệu quả bởi sau mỗi lần vớt dọn rác dưới kênh, mương, tình trạng đâu cứ lại vào đấy. Chị Nguyễn Thị Liên – công nhân Xí nghiệp số 2, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, phần lớn rác thải bị vứt bỏ dước các kênh, mương là rác thải sinh hoạt, người dân tiện tay ném thẳng xuống kênh mương. “Nhiều khi sáng vừa dọn xong, đầu giờ chiều đến lại thấy có rác” – chị Liên nói. Cũng theo chị Liên: “ Điều đáng ngại nhất là ngoài việc gây ô nhiễm thì việc rác sinh hoạt thường được để trong những bọc nilon khi bị vứt xuống kênh, mương nếu chưa kịp thu gom những bọc rác đó sẽ chui vào trong cống ngầm, làm tắc nghẽn dòng chảy”.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm kênh mương hiện nay, các chuyên gia cho rằng, cần phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở; đồng thời tăng cao chế tài xử phạt đối với hành vi vứt rác thải ra môi trường, đặc biệt là vứt rác xuống hệ thống kênh, mương. Chuyên gia môi trường Nguyễn Ngọc Lý – Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng cho biết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc bảo vệ nguồn nước nói chung và bảo vệ hệ thống kênh, mương khỏi tình trạng ô nhiễm nói chung. “Cần có một luật ô nhiễm nước riêng” – chuyên gia Nguyễn Ngọc Lý khẳng định.
Lý giải cho luận điểm trên, vị chuyên gia này cho biết, hiện nay chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường, đây là khung rất lớn trong đó đề cập đến vấn đề bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, chúng ta cũng có Luật Tài nguyên nước. Tuy nhiên, bộ luật này lại đề cập rất ít đến vấn đề kiểm soát ô nhiễm nguồn nước. Thậm chí, dưới luật này còn có nhiều Nghị định liên quan đến vấn đề bảo vệ nguồn nước song theo đánh giá, để những nghị định này đi vào cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Chúng ta dễ đồng thuận về mặt nguyên tắc nhưng đến khi thực thi lại rất khó khăn” – bà Nguyễn Ngọc Lý nói và nhấn mạnh, những vấn đề trên đặt ra yêu cần cần có một hệ thống thể chế, đòi hỏi một kỷ luật, nâng cao nhận thức của người dân để biến đó trở thành văn hóa, thành hành động cụ thể.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Cộng đồng nhấn mạnh, để giải quyết tình trạng vứt rác thải bừa bãi không đúng qui định, đặc biệt là xuống hệ thống kênh, mương, đầu tiên cần tăng tường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ hệ thống kênh, mương nói riêng.
Bên cạnh đó, chuyên gia Bùi Thị An cũng đánh giá cao vai trò của lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường tại địa phương. "Chính quyền các xã, phường cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giám sát, quản lý, phát hiện và xử lý các vi phạm trong vấn đề môi trường, trong đó có việc vứt bỏ rác thải bừa bãi ra hệ thống kênh, mương. Có như vậy mới mong hạn chế được hành vi tái vi phạm, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống trong cộng đồng cư dân sở tại" - Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Cộng đồng phân tích.
Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đã qui định rõ: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Dự án 800 triệu USD hồi sinh sông Tô Lịch chưa hẹn ngày về đích