Gần 70 năm qua, người dân tại xã đảo này mới được dẫn nguồn nước sạch ngầm để phục vụ đời sống sinh hoạt.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, xã Minh Châu được thành lập năm 1955 tại vùng bãi giữa sông Hồng thuộc huyện Ba Vì. Xã có diện tích trên 560ha, dân số hơn 1.400 hộ (khoảng 6.500 nhân khẩu).
Do đặc thù là một bãi bồi nằm giữa sông Hồng, đường vào Minh Châu chỉ có thể đi bằng thuyền, phà từ phía Đông (phà Chu Minh) và phía Tây (qua tràn Thủ Độ). Đây là xã đảo duy nhất của Hà Nội nằm gần ngã ba Bạch Hạc, nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Đà và sông Lô.
>> ‘Ông lớn’ Geleximco bất ngờ ‘nhúng tay’ vào siêu cảng 50.000 tỷ đồng
Có thể gọi Minh Châu là một "ốc đảo", bởi xung quanh thôn xóm được bao bọc bởi cánh đồng cỏ và các loại hoa màu xanh bát ngát. Không có nghề phụ, ba bề bốn bên đều là nước người dân chủ yếu làm nông và chăn nuôi. Đặc biệt nơi đây đang rất phát triển nuôi bò lấy sữa và thịt.
Con đường chính vào xã qua đập tràn Thủ Độ, đoạn sông Hồng này được người dân gọi là kênh Đường. Trước đây vào mùa lũ từ tháng 5 đến tháng 9, Minh Châu bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề sông nước, vào xã hoàn toàn bằng thuyền. Ngày nay khi các đập thủy điện được xây dựng, nước sông cạn hơn, phần lớn thời gian trong năm có thể đi qua đập tràn bằng đường bộ.
Mặc dù nằm giữa sông Hồng nhưng vì kết cấu địa chất nên nguồn nước ngầm ở đây khan hiếm và ô nhiễm.
Gần 70 năm, đến đầu năm 2024, người dân Minh Châu mới được dẫn nguồn nước sạch ngầm qua sông phục vụ đời sống sinh hoạt.
Hàng chục năm qua, bà con ở xã này bị thiếu nước sạch sinh hoạt, thậm chí nước giếng khoan ở đây còn có tỷ lệ asen vượt ngưỡng cho phép 100 lần, nhiễm amoni và nhiều tạp chất độc hại khác.
Chia sẻ với Báo Tiền Phòng, bà Hà cho biết, từ ngày có nước sạch, gia đình yên tâm sinh hoạt hàng ngày chứ không phải lo về nguồn nước ô nhiễm nữa. Nước ở trên đảo không thiếu nhưng ô nhiễm nặng, nước giếng khoan chỉ dám chăn nuôi, tưới cây hoa; còn lại các nhà đều phải tích nước mưa để sử dụng. Có nước sạch đời sống xã đảo được nâng cao hơn, gia đình cũng tập trung làm ăn phát triển kinh tế.
Trước đó, năm 2023, CTCP Nước sạch Ba Vì đã khảo sát nhiều phương án, cuối cùng quyết định kéo nước của nhà máy từ Quốc lộ 32 chạy ngầm hơn 1km qua sông Hồng, cung cấp nước sạch cho gần 7.000 người dân trên địa bàn xã.
Theo UBND huyện Ba Vì, đến thời điểm này, 26/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có tuyến ống cấp nước sạch sinh hoạt. Dự kiến trong năm 2024, Ba Vì sẽ hoàn thành hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt tại 100% xã, thị trấn.
>> Hé lộ những khu vực sẽ bị cấm phân lô bán nền tại Quảng Ninh: Có nơi chuẩn bị lên thành phố