Vĩ mô

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho DN, ngân hàng phát triển

Anh Minh 22/09/2024 09:25

Thời gian qua, dù có nhiều yếu tố khó khăn, thách thức, nhưng NHNN dưới sự chỉ đạo của Chính phủ đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát kinh tế vĩ mô, đặc biệt ổn định thị trường ngoại hối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), ngân hàng, trong đó có các ngân hàng TMCP tư nhân phát triển.

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho DN, ngân hàng phát triển- Ảnh 1.
Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đó là ý kiến của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì chiều ngày 21/9.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định: NHNN đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, duy trì thứ hạng cao về chỉ số cải cách hành chính (Par Index). Trong bối cảnh khó khăn, NHNN cùng với các ngân hàng trong hệ thống đã thật sự trách nhiệm, triển khai nhiều chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, có giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay, thúc đẩy tín dụng. Cả hệ thống giảm lãi khoảng 60 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Gần đây, ngành cũng đóng góp 40 tỷ đồng an sinh xã hội, hỗ trợ thiệt hại do bão số 3.

Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho DN, ngân hàng phát triển- Ảnh 2.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Lãnh đạo NHNN cũng chia sẻ: Mới đây, ngày 20/9, NHNN có hội nghị toàn hệ thống để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị quyết 143, NHNN đã đề nghị các NHTM tham gia và có tới 32/40 ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng mới 405 ngàn tỷ đồng với lãi suất giảm khoảng từ 0,5% đến 2% cấp tín dụng cho DN và người dân chịu tác động cơn bão vừa qua.

"NHNN đánh giá cao các ngân hàng TMCP đồng hành cùng hệ thống góp phần bảo đảm an toàn hệ thống...", Thống đốc nói.

Về ngân hàng xanh, lãnh đạo NHNN cũng cho hay, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ, trong đó có quy định về tín dụng xanh, ngân hàng xanh...

Thống đốc kiến nghị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực tế có DN vay vốn sau nhiều năm mới triển khai dự án, trong thời gian chờ đó, phải trả lãi nhiều hơn, nhưng không phải lí do từ ngân hàng mà do các thủ tục dự án bị kéo dài, cần sự quan tâm gỡ vướng từ cơ quan quản lý.

Lãnh đạo NHNN cũng thẳng thắn chỉ ra, các DNNVV có năng lực tài chính hạn chế, trong khi thông tin lại chưa thật sự minh bạch, dẫn đến nhiều khoản vay ngân hàng vẫn yêu cầu có tài sản đảm bảo, các DNNVV cũng không có nhiều tài sản, dẫn đến việc tiếp cận tín dụng khó khăn.

Với những kiến nghị về khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm trong Nghị quyết 43, Thống đốc khẳng định, khi xây dựng luật Các tổ chức tín dụng, NHNN luôn kiên định luật hóa, tuy nhiên, nội dung này vẫn còn khó khăn, vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt, những vấn đề này vẫn còn nguyên tính chất thời sự.

Về vấn đề gia hạn nợ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin thêm: Khi áp dụng luật mới, việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) theo thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ rà soát báo cáo. Nếu có thể tiếp tục chính sách này thì ban hành hướng dẫn mới mà không phải gia hạn Thông tư 02. Trước đó, NHNN cũng đa tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 86 liên quan đến việc trích lập DPRR, các đơn vị phải căn cứ vào luật để thực hiện.

Liên quan đến vướng mắc thuế khiến các ngân hàng phải chịu truy thu thuế VAT trong giai đoạn từ 2010 đến 2024 với số tiền lớn, vì một số cơ quan thuế coi thư tín dụng (LC) là "dịch vụ", Thống đốc cũng đã đề nghị Bộ Tài chính, Chính phủ quan tâm tháo gỡ.

Ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, NHNN được giao 2 nhiệm vụ đó là: căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các TCTD năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đồng thời, chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

>> Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay, 'tiếp sức' khách hàng hồi phục sau bão

Cán cân thương mại tháng 8 thặng dư 4,53 tỷ USD: Động lực mạnh mẽ để ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô khởi sắc, dự báo tăng trưởng GDP 2024 đạt 6,5%

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/on-dinh-kinh-te-vi-mo-tao-dieu-kien-tot-cho-dn-ngan-hang-phat-trien-102240921203205979.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ổn định kinh tế vĩ mô tạo điều kiện tốt cho DN, ngân hàng phát triển
    POWERED BY ONECMS & INTECH