Ông chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều top đầu Việt Nam bất ngờ muốn bán công ty với giá 72 triệu USD

05-12-2023 13:54|Mai Chi

Việc bán doanh nghiệp được đưa ra trong bối cảnh đang công ty đang khởi công xây dựng nhà máy chế biến điều tại châu Phi.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với báo Thanh Niên, doanh nhân Vũ Thái Sơn - chủ công ty Long Sơn một trong những công ty lớn nhất cả nước trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hạt điều Việt Nam đã chia sẻ về việc muốn bán doanh nghiệp với giá 72 triệu USD.

Bức tranh hoạt động của công ty Long Sơn

Công ty Cổ phần Long Sơn được thành lập vào năm 2000 với ngành nghề kinh doanh chính là chế biến và xuất khẩu hạt điều nhân và điều chiên.

Từ năm 2012, Long Sơn đã trở thành doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu lớn nhất Việt Nam kim ngạch xuất khẩu hạt điều bình quân 200 triệu USD/năm.

Đồng thời, công ty giữ vững được tốc độ tăng trưởng từ 10% - 20% mỗi năm về sản lượng trong suốt thời gian gần 5 năm trở lại đây. Sản phẩm của Long Sơn đã được xuất khẩu tới trên 40 quốc gia trên thế giới.

Ông chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều top đầu Việt Nam bất ngờ muốn bán công ty với giá 72 triệu USD
Công ty Long sơn

Gần đây nhất, vào tháng tư năm 2023, theo số liệu từ Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho thấy Long Son JSC là doanh nghiệp có lượng và trị giá xuất khẩu đứng thứ 2 tại Việt Nam với với 1.366 tấn, đạt 7,98 triệu USD.

Hiện nay, Long Sơn có 10 nhà máy lớn trải dài tại các tỉnh: Bình Phước, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.

Theo thông tin trên website công ty cho thấy, tại thời điểm năm 2020 vốn điều lệ và tài sản là 50 triệu USD.

Ngoài thị trường Việt Nam, hiện Long Sơn cũng đang khởi công xây dựng nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà và dự kiến khoảng 1 năm sau là bắt đầu hoạt động.

Lý do muốn bán công ty Long Sơn của ông vua điều

Theo ông Thái Sơn, công nghệ chế biến điều nhân của Việt Nam vốn là thế mạnh chưa có quốc gia nào cạnh tranh nổi. Ngay cả hiện tại khi các nước châu Phi bắt đầu đẩy mạnh chế biến thì công nghệ vẫn chưa hoàn chỉnh, còn rất lâu mới có thể bắt kịp Việt Nam. Ông Sơn ý định tìm đối tác nước ngoài để sang nhượng cổ phần là vì cần có sự kế thừa để phát triển.

Ông chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều top đầu Việt Nam bất ngờ muốn bán công ty với giá 72 triệu USD
Các sản phẩm hạt điều của công ty Long Sơn

Bên cạnh đó là lý do cá nhân liên quan đến gia đình, các con của ông Sơn đã có cuộc sống ổn định, có định hướng riêng và không ai theo đuổi đam mê ngành điều. Và người vợ là giáo viên, mang tư duy truyền thống, muốn ông Sơn có thời gian nhiều hơn cho gia đình và nghỉ ngơi thay vì vẫn luôn tập trung vào kinh doanh như trước kia.

Khi được hỏi về việc dự án đang triển khai ở nước ngoài có mâu thuẫn với ý định bán công ty để nghỉ ngơi hay không, ông Sơn trả lời “Không có gì mâu thuẫn cả. Dự án xây dựng nhà máy chế biến điều tại châu Phi có thể nói là dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Trước nay có rất nhiều doanh nghiệp đi trước, tuyên bố rất dõng dạc về dự án điều tại nước ngoài, nhưng rồi chưa ai làm được. Nhà máy chế biến điều tại Bờ Biển Ngà của Long Sơn là nói được làm được, tôi đã khởi công xây dựng và đang triển khai đúng tiến độ, khoảng 1 năm sau là bắt đầu hoạt động.”

Ông chủ của Long Sơn cho biết đã có một số đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc quan tâm, họ định giá doanh nghiệp tôi khoảng 70 triệu USD nhưng ông chưa đồng ý vì mức giá ông mong muốn là 72 triệu USD.

Đôi nét về doanh nhân Vũ Thái Sơn

Sinh ra và lớn lên tại Ba Đình, Hà Nội, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Vũ Thái Sơn học tập tại Đại học Ngoại giao (nay là Học viện Ngoại giao) với định hướng trở thành một cán bộ ngành ngoại giao. Năm 1984, sau khi hoàn thành chương trình học tập và nhờ khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề tốt anh được bố trí công tác tại một cơ quan nhà nước tại Thủ đô Hà Nội với nhiệm vụ chuyên phân tích và xử lý tin.

Ông chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều top đầu Việt Nam bất ngờ muốn bán công ty với giá 72 triệu USD
Doanh nhân Vũ Thái Sơn

Năm 1991, Vũ Thái Sơn chuyển sang làm phiên dịch viên cho Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu hạt điều và hàng nông sản thực phẩm TP.Hồ Chí Minh (Vinalimex). Công việc này giúp anh dần hiểu hơn về nền kinh tế thị trường và hoạt động kinh doanh quốc tế của các doanh nghiệp cũng như những kiến thức liên quan đến ngành điều.

Năm 1994, Vũ Thái Sơn có quyết định rất táo bạo khi mở Công ty TNHH Thạnh Sơn chuyên tư vấn môi giới hạt điều.

Không hài lòng với công việc môi giới, năm 2000, một lần nữa Vũ Thái Sơn có quyết định táo bạo và mang tính bước ngoặt khi quyết định: Tách Công ty Thạnh Sơn thành hai doanh nghiệp kinh doanh hai mảng khác nhau, trong đó Thạnh Sơn chuyên làm dịch vụ môi giới, còn Công ty Long Sơn hoạt động chế biến hạt điều xuất khẩu.

Việc tách công ty thành hai mảng, thành lập thương hiệu mới cũng nói lên tầm nhìn của Vũ Thái Sơn. “Lúc đó tôi chọn tên công ty là Long Sơn vì tên này có thể đọc được bằng tiếng Anh. Còn logo Công ty, thay vì chọn hình ảnh quả cầu - biểu tượng mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lúc bấy giờ thường chọn, thì tôi dùng chữ LONG SƠN cách điệu để “tây hoá” thương hiệu, giúp dễ nhận diện hơn, dễ nhớ hơn” – doanh nhân Vũ Thái Sơn chia sẻ.

Đến nay, ông Sơn đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành điều. Hiện ông là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Long Sơn. Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch Hội điều Bình Phước.

>> Doanh nhân Đỗ Hà Nam người hùng thầm lặng đưa Intimex lên vị trí số 1 về xuất khẩu gạo và cà phê

Bán hơn nửa triệu tấn hạt điều, Việt Nam thu về 2,95 tỷ USD

Trung Quốc ồ ạt gom mua hạt điều của Việt Nam

Việt Nam chi 2,73 tỷ USD nhập khẩu hạt điều

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-chu-doanh-nghiep-che-bien-hat-dieu-top-dau-viet-nam-bat-ngo-muon-ban-cong-ty-voi-gia-72-trieu-usd-214102.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Ông chủ doanh nghiệp chế biến hạt điều top đầu Việt Nam bất ngờ muốn bán công ty với giá 72 triệu USD
POWERED BY ONECMS & INTECH