Ông Đỗ Cao Bảo: Doanh nghiệp tư nhân đóng góp 27,32% GDP
Trong bài đăng mới đây trên trang Facebook cá nhân, ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ quan điểm về tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp tư nhân vào GDP.
Trong bài viết, ông Đỗ Cao Bảo trích số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), trong suốt 15 năm từ 2006 – 2020, đóng góp của doanh nghiệp tư nhân chỉ quanh quẩn ở 9 – 10% GDP; đóng góp của kinh tế tập thể, kinh tế cá thể (hộ kinh doanh) rất lớn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong khối kinh tế tư nhân.
Ông Bảo cho rằng, "đấy là những thông tin cũ và lạc hậu rồi, bây giờ là năm 2024 - 2025 rồi, có phải 2006 hay 2019 đâu".
Có ý kiến nghi ngờ rằng: “Không thể chỉ trong vòng mấy năm mà GDP của doanh nghiệp tư nhân lại tăng từ 10% lên 29,6%”.


Ông Bảo lý giải: “Các bạn có biết, đợt tính lại GDP năm 2020, tổng GDP đã tăng thêm 25,4% không? Sau khi tăng thêm 25,4% tỷ lệ đóng góp vào GDP của các loại hình kinh tế đã khác xa với chính con số của GSO đã công bố trong giai đoạn 2006 - 2020.
Tất nhiên số 25,4% tăng thêm mỗi năm không chia đều cho các thành phần kinh tế, mà chủ yếu thuộc về khối kinh tế tư nhân, bởi chính khối này mới có nhiều các hoạt động kinh tế chưa được quan sát, bị tính thiếu.
Ngay sau khi công bố GDP mới, GSO đã tính lại tỷ trọng đóng góp vào GDP của các thành phần kinh tế giai đoạn 2006-2020. Với tính toán lại, tỷ trọng năm 2019 được cập nhật như sau: Doanh nghiệp nhà nước từ 27,06% giảm xuống 20,59%; Doanh nghiệp FDI từ 20,34% giảm xuống 19,91%; Khối kinh tế tư nhân từ 42,68% tăng lên 50,55%; Thuế sản phẩm – trợ cấp sản phẩm từ 9,9% xuống 8,95%.
Như vậy, trong Niên giám thống kê 2023, GSO đã tính lại tỷ trọng đóng góp vào GDP và các năm 2019 đến 2023, đóng góp GDP của kinh tế tư nhân đều đã tăng thêm gần 8% mỗi năm."
>>Sếp FPT Đỗ Cao Bảo: Nhận định doanh nghiệp tư nhân èo ọt là 'sai toét'
![]() |
Ông Đỗ Cao Bảo, Thành viên HĐQT Tập đoàn FPT |
Theo ông Bảo, từ tổng GDP của khối tư nhân, dựa vào các số liệu khác của chính GSO, chúng ta có thể ước lượng được tương đối chính xác đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân.
Trước hết cần thống nhất các điểm sau theo số liệu của GSO:
- Kinh tế tư nhân đóng góp 50,6% vào GDP.
- Nông Lâm Thủy sản đóng góp 11,89% vào GDP (Bao gồm cả doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình).
- Kinh tế tư nhân bao gồm 3 thành phần: Doanh nghiệp tư nhân, HTX và hộ gia đình khối Nông Lâm Thủy sản, hộ kinh doanh phi nông nghiệp.
Ước lượng GDP của hợp tác xã (HTX) và hộ gia đình Nông Lâm Thủy sản: Theo GDP khối Nông Lâm Thủy sản đóng góp 11,89% vào GDP, vì vậy tối đa phần HTX và hộ gia đình không thể vượt quá 11,89%.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, hải sản; chăn nuôi bò, lợn, gà; trồng và khai thác hạt điều, tiêu, cà phê, sầu riêng; trồng rừng và khai thác gỗ… chắc chắn có đóng góp không nhỏ, ước lượng cỡ 3,89%-4,89%, phần hộ gia đình nông nghiệp còn lại cỡ 7%-8%.
Như vậy đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh phi nông nghiệp là: 50,6% - 7% = 43,6%.
Ước lượng GDP của hộ kinh doanh phi nông nghiệp: theo số liệu của GSO, hộ kinh doanh phi nông nghiệp có 5,1 triệu hộ, 8,9 triệu lao động, còn doanh nghiệp tư nhân có 9,05 triệu lao động. Năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân chắc chắn cao hơn năng suất lao động của hộ kinh doanh phi nông nghiệp.
Ông Bảo ước tính năng suất lao động của doanh nghiệp tư nhân cao hơn 65% hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Từ đó tính ra doanh nghiệp tư nhân chiếm 27,32% GDP (62,66% của 43,6%) và Hộ kinh doanh phi nông nghiệp chiếm 16,28% (37,34% của 43,6%).
Ông Bảo đưa ra hai lý do giải thích vì sao trong vòng có mấy năm mà đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân tăng nhanh như thế (từ 9%-10% lên 27,32%).
Nguyên nhân đầu tiên được ông Bảo đưa ra là do đánh giá lại GDP, tổng GDP tăng thêm 25,4%, mà số tăng này tập trung vào kinh tế tư nhân, dẫn đến tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế tư nhân tăng cao, kinh tế Nhà nước và FDI giảm.
Nguyên nhân thứ hai là qua thời gian số hộ kinh doanh và HTX giảm (chuyển sang thành lập doanh nghiệp tư nhân, HTX còn có 163.101 lao động ~ 1,8% số lao động của doanh nghiệp tư nhân), doanh nghiệp nhà nước cũng giảm (do cổ phần hóa, do thoái vốn) còn số doanh nghiệp tư nhân tăng lên, từ đó dẫn đến tỷ trọng đóng góp vào GDP của doanh nghiệp tư nhân lại tăng thêm nữa.
>>Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP 2025 vượt 8%, thu nhập bình quân đạt 5.000 USD
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á công bố tăng trưởng GDP 2024: Cao hay thấp hơn Việt Nam?
Kiểm soát rủi ro, có giải pháp đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP vượt 8%