Ông lớn dệt may 50 năm tuổi tiếp tục rao bán đất, nhà xưởng, máy móc sau khi giảm gần 3.800 nhân sự

29-02-2024 16:15|Hải Băng

Từng là doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may với doanh thu hơn 2.000 tỷ đồng và 3.800 lao động, Garmex Sài Gòn nhanh chóng rơi vào tình trạng thê thảm do mất đơn hàng từ đối tác lớn.

CTCP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC) lấy ý kiến cổ đồng về kế hoạch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất của công ty và công ty con. Thời gian lấy ý kiến dự kiến từ ngày 25/3 - 15/4.

Cụ thể, công ty may này định chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 50.173m2 và công trình xây dựng trên đất tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Khu đất trên thuộc quyền sử dụng của Garmex Sài Gòn và đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận vào năm 2014.

Ngoài ra, GMC cũng sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất 26.000m2 và công trình xây dựng tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Khu đất này thuộc quyền sử dụng của Công ty TNHH Garmex Quảng Nam, một trong những công ty con của Garmex Sài Gòn và đã được cấp giấy chứng nhận vào năm 2018.

HĐQT Garmex Sài Gòn được uỷ quyền để đàm phán, quyết định mức giá, hình thức và thời gian chuyển nhượng hai tài sản nói trên.

Khách sộp rời bỏ, một doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm hơn 2.000 công nhân, còn vỏn vẹn 35 người, đồng thời rao bán đất
Hình ảnh 1 xí nghiệp may của CTCP Garmex Sài Gòn

GMC cho biết, doanh nghiệp hiện không có đơn hàng, với tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu giữ sản xuất tại các nhà máy thì sẽ lỗ rất nhiều. Theo đó, GMC đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi phí tối đa.

Đồng thời, GMC sẽ rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý các tài sản không cần dùng, đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro cho công ty.

Trước đó, từ tháng 12/2023, Garmex liên tục có thông báo thanh lý ô tô con, xe tải, máy thêu, máy giặt, sấy…

Không chỉ thanh lý tài sản, máy móc, doanh nghiệp cũng mạnh tay cắt giảm nhân sự. Theo đó, từ quy mô gần 3.800 nhân sự vào cuối năm 2021, đến ngày 31/12/2023, GMC chỉ còn vỏn vẹn 35 người.

Khách sộp rời bỏ, một doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm hơn 2.000 công nhân, còn vỏn vẹn 35 người, đồng thời rao bán đất
Doanh thu của GMC giai đoạn 2009 - 2023

Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2023, GMC ghi nhận doanh thu chỉ 134 triệu đồng. Lũy kế cả năm 2023, doanh thu DN này chỉ đạt vỏn vẹn 8,2 tỷ đồng, giảm rất mạnh từ mức hơn 290 tỷ đồng năm trước.

Do giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu, GMC lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng. Đặc biệt, do không có đơn hàng, chi phí bán hàng của công ty cũng giảm về còn 8 triệu đồng. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn "ngốn" của Garmex Sài Gòn hơn 47 tỷ đồng.

Kết quả, công ty may này báo lỗ gần 52 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 85 tỷ đồng năm 2022. Tính đến cuối năm 2023, Garmex Sài Gòn lỗ lũy kế hơn 73 tỷ đồng, nợ phải trả là hơn 26,7 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn tiền thân là CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn, được thành lập vào năm 1976 với khởi đầu là một doanh nghiệp quốc doanh. Năm 2004, Garmex Saigon được cổ phần hóa và niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán là GMC từ năm 2006.

Garmex Sài Gòn đã từng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành may mặc Việt Nam với 5 nhà máy, hơn 70 dây chuyền sản xuất và doanh thu những năm trước đại dịch Covid-19 lên gần 100 triệu USD.

Nguyên nhân chính khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp giảm sút trầm trọng do hụt thu từ đối tác là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HoSE: GIL), bởi GIL mất đối tác lớn là gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon Robotics LLC.

>> Siêu dự án FLC Quảng Bình 20.000 tỷ đồng giờ ra sao sau khi dàn lãnh đạo FLC bị bắt?

Doanh nghiệp liên quan đến Vạn Thịnh Phát miễn nhiệm cùng lúc Tổng Giám đốc và Phó Tổng Giám đốc

Dragon Capital chi gần 700 tỷ đồng thực hiện quyền mua cổ phiếu HCM

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-det-may-50-nam-tuoi-tiep-tuc-rao-ban-dat-nha-xuong-may-moc-sau-khi-giam-gan-3800-nhan-su-224676.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông lớn dệt may 50 năm tuổi tiếp tục rao bán đất, nhà xưởng, máy móc sau khi giảm gần 3.800 nhân sự
    POWERED BY ONECMS & INTECH