Trước đó vào tháng 2/2021, ông lớn Thái Lan này đã mua 70% cổ phần Nhựa Duy Tân.
Ngày 18/12, SCG Packaging (SCGP) - công ty thành viên thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan thông báo hoàn tất việc mua lại 70% cổ phần của CTCP Starprint Việt Nam với giá hơn 676 tỷ đồng. Tương ứng, mức định giá cho Starprint Việt Nam gần 970 tỷ đồng.
Việc đầu tư sẽ được thực hiện thông qua SCGP Solutions (Singapo) Pte. Ltd. (SCGPSS), công ty con với 100% vốn của SCG Packaging.
Số liệu tài chính của Starprint sẽ được hợp nhất với công ty mẹ từ tháng 1/2024. Cũng theo SCG Packaging, Starflex Public Company Limited - công ty bao bì mềm có trụ sở tại Thái Lan, sẽ nắm giữ 25% cổ phần Starprint, 5% cổ phần còn lại do cổ đông trước đây của SPV nắm giữ. Như vậy, 95% vốn của Starprint sẽ do các nhà đầu tư Thái Lan nắm giữ.
Sau khi được mua lại, Starprint Việt Nam sẽ trở thành cơ sở sản xuất hộp cứng đầu tiên của SCG Packaging tại ASEAN và là cơ sở sản xuất thùng carton gấp offset đầu tiên của công ty Thái Lan này tại Việt Nam.
Starprint được thành lập 1962 tại Thái Lan và bắt đầu gia nhập vào Việt Nam năm 2001. Đây là nhà sản xuất bao bì carton in offset hàng đầu tại Việt Nam với công suất 16.500 tấn bản in offset và 8 triệu chiếc hộp cứng mỗi năm từ hai cơ sở sản xuất đặt tại Khu công nghiệp Long Bình (Amata) tại Đồng Nai.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tại ngày 27/11, Starprint Việt Nam có vốn điều lệ hơn 61 tỷ đồng. Trong đó, SCG Packaging nắm giữ 70% và Sflex Invesment Pte (thuộc công ty bao bì Starflex - Thái Lan) nắm 25% cổ phần.
Cơ cấu cổ đông của Starprint Việt Nam tính đến 27/11/2023. |
Khách hàng của Starprint là các công ty đa quốc gia, chủ yếu liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng nhanh như Unilever, Colgate, Nestle, Heineken, CJ, P&G… Năm 2022, Starprint ghi nhận doanh thu 1.013 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 92,5 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối năm 2022 đạt 601 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 4/2023, SCG Packaging đã thông báo về thương vụ này với số tiền dự kiến bỏ ra không quá 1.050 tỷ đồng.
Như vậy, số tiền mà SCG Packaging thực tế đã chi ít hơn số tiền trong kế hoạch.
Về tình hình kinh doanh, SCG Packaging ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng một đến hai chữ số trong giai đoạn diễn ra đại dịch 2019 - 2021. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm nay, công ty này thu về 32 tỷ baht (khoảng 22.400 tỷ đồng) và lãi sau thuế hợp nhất 1,3 tỷ baht (910 tỷ đồng), giảm lần lượt 17% và 38% so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh của SCG Packing (đơn vị: tỷ baht). |
Tại ngày 30/9, tổng tài sản gần 201 tỷ baht (khoảng 140.700 tỷ đồng), tăng gần 2% so với ngày đầu năm. Tổng nợ phải trả gần 97 tỷ baht (67.900 tỷ đồng).
Được biết, Starprint không phải là doanh nghiêp bao bì duy nhất mà Tập đoàn SCG thâu tóm. Chẳng hạn vào tháng 2/2021, tập đoàn này mua 70% cổ phần Nhựa Duy Tân hay vào tháng 12/2020 là thương vụ thâu tóm công ty Bao bì Biên Hòa.
Hiện danh mục đầu tư của công ty Thái Lan còn có Công ty Giấy Kraft Vina - nhà sản xuất bao bì lớn nhất tại Việt Nam, Công ty Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), Công ty Công nghiệp Tân Á, Công ty Bao bì AP, Công ty Sản xuất Bao bì Alcamax và Công ty Packamex.
> > Đại gia ngoại thâu tóm dự án hơn 13.600 tỷ đồng tại Bình Dương
Khang Điền (KDH) 'mạnh tay' chi 350 tỷ đồng 'thâu tóm' một công ty bất động sản
Chủ thương hiệu Kem Tràng Tiền lại dự định thâu tóm thêm một doanh nghiệp thủy sản