'Ông lớn' vận tải Việt Nam sẽ hợp tác với hãng tàu Top đầu thế giới
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải của doanh nghiệp này đạt 391.000TEUs, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ.
Với việc sở hữu 15 tàu cùng tổng trọng tải đạt 23.000TEUs, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) hiện là doanh nghiệp vận tải container nội địa lớn nhất Việt Nam, đồng thời góp mặt trong top 100 đội tàu lớn nhất thế giới (theo số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường vận tải biển Alphaliner).
Hải An là một trong số ít doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam kiên định với chiến lược mở rộng ra thị trường quốc tế với việc trực tiếp khai thác một số tuyến đi nước ngoài. Cụ thể, năm 2022, công ty đã khai trương tuyến Việt Nam - Trung Quốc.
Bước sang năm 2023, Hải An tiếp tục mở rộng hợp tác khi bắt tay với ZIM - một trong 10 hãng tàu lớn nhất thế giới - để thành lập liên doanh mang tên Lotus Link, chuyên khai thác các tuyến vận tải tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ. Hiện tại, liên doanh này đã đưa vào hoạt động 2 tàu, gồm HaiAn Link (1.060TEUs) và HaiAn Rose (1.708TEUs).
Đáng chú ý, ban lãnh đạo Hải An dự kiến trong quý IV/2024 sẽ thành lập liên doanh mới với ONE - hãng tàu lớn thứ 7 thế giới. Trước đó, công ty đã ký kết hợp tác với ONE để khai thác thử nghiệm tuyến Hải Phòng - Cái Mép - Singapore với 2 tàu HaiAn City (1.577TEUs) và HaiAn Alfa (1.781TEUs). Tuyến hàng mới này đã đóng góp tích cực vào việc gia tăng sản lượng khai thác của Hải An trong nửa đầu năm nay.
Hải An dự kiến trong quý IV/2024 sẽ thành lập liên doanh mới với ONE |
>> Thị giá tăng hơn 19% từ đầu năm, người nhà ‘sếp’ lớn của Hải An (HAH) đăng ký ‘gom’ thêm cổ phiếu
Ban lãnh đạo Hải An cũng chia sẻ rằng, hoạt động hợp tác với ZIM và ONE đã bắt đầu có lãi từ tháng 3/2024, đồng thời kỳ vọng lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay. Trong năm 2023, liên doanh Lotus Link ghi nhận lỗ 94 tỷ đồng, do tuyến mới đi vào vận hành và cần thời gian để thu hút khách hàng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, sản lượng vận tải của Hải An đã đạt 391.000TEUs, tăng mạnh 50% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Đáng chú ý, sản lượng quốc tế đạt 129.000TEUs, tăng vọt 103%, trong khi sản lượng nội địa đạt 262.000TEUs, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhận định mới đây của Chứng khoán Bảo Việt, sản lượng vận tải nội địa và khu vực nội Á của Hải An trong năm nay dự kiến sẽ đạt 534.000TEUs, tăng 22% so với năm 2023. Đồng thời, giá cước trung bình cũng dự kiến tăng thêm 5%.
Tại thời điểm tháng 9/2024, giá cước vận tải nội địa trên các tuyến như TP. Hồ Chí Minh - Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng đã tăng lần lượt 9% và 10% so với cùng kỳ. So với đầu năm, mức tăng trên nhiều tuyến nội địa đạt từ 8-15%, nhờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao trở lại.
>> Hòa Phát (HPG) bàn giao lô 350 vỏ container cho xếp dỡ Hải An