Ông Mai Tiến Dũng bị bắt liên quan dự án Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí
Dự án Đại Ninh đang “dính” tới bà Trương Mỹ Lan, ông Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát.
Ngày 4/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đây là kết quả mở rộng điều tra vụ án đưa và nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng.
Liên quan vụ án xảy ra tại Lâm Đồng, trước đó ông Trần Đức Quận, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, bị bắt tạm giam vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
>> Khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Ông Nguyễn Cao Trí và siêu dự án tai tiếng
CTCP Đầu tư du lịch Sài Gòn - Đại Ninh nơi ông Nguyễn Cao Trí là Tổng Giám đốc, là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt (tên gọi khác là khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh). Dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng giao Công ty Sài Gòn - Đại Ninh từ cuối 2010.
Dự án có quy mô 3.595ha, tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng. Năm 2012 UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép doanh nghiệp chuyển mục đích sử dụng để thực hiện dự án.
Sau chục năm, năm 2018 UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định điều chỉnh quyết định năm 2012, trong đó có nội dung chưa thực hiện việc chuyển đổi mục đích sang đất ở khu đất 166,5ha đã được chuyển đổi mục đích từ năm 2012 - đồng nghĩa với việc công ty không phải nộp thuế cho số đất này.
Liên quan đến siêu dự án Đại Ninh, hồi tháng 3, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành kiểm tra một số nội dung liên quan. Theo đó, dự án đã được phê duyệt Giấy chứng nhận đầu tư, đã triển khai các thủ tục đầu tư… tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại. Đặc biệt Công ty Sài Gòn Đại Ninh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất hơn 104 tỷ đồng, tiền bồi thường tài nguyên môi trường…
Không chỉ nợ tiền sử dụng đất, dự án còn vi phạm trật tự xây dựng. Tại dự án, có 257ha rừng bị phá và 111ha đất rừng bị lấn chiếm.
Sau 13 năm được giao đất, đến nay công ty Sài Gòn Đại Ninh vẫn chưa thực hiện đầu tư hoàn chỉnh. Thanh tra Chính phủ từng có kiến nghị chấm dứt hoạt đồng, thu hồi đất vào tháng 6/2020.
>> Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng do nhận hối lộ, liên quan dự án Đại Ninh
Đại gia Nguyễn Cao Trí có liên quan tới rất nhiều doanh nghiệp, trong số đó, những doanh nghiệp mà ông hoặc người có liên quan đang nắm cổ phần chi phối gồm CTCP Tập đoàn Capella; CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành; Công ty TNHH Capella Hospitality; CTCP Phát triển sản xuất Thương mại Sài Gòn; CTCP Salla; CTCP Thương mại dịch vụ Lâu đài ven sông; CTCP Lothamilk; CTCP Đầu tư Dịch vụ Khánh Hội (KHA) và Công ty TNHH US Talent International – UTI.
Ông Nguyễn Cao Trí cũng từng đảm nhiệm chức vụ cấp cao tại một số công ty thành viên của Tập đoàn Bến Thành (Bến Thành Group), như Giám đốc đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (1999 - 2005), Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư địa ốc Bến Thành (Bến Thành Land).
Năm 2015, sau khi Bến Thành Group thoái vốn, Bến Thành Land đổi tên thành Capella Holdings và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality), ông Trí cũng được biết tới trong vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Capella Holdings.
Ngoài vai trò là Chủ tịch hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Capella, ông Trí còn là lãnh đạo Công ty Lâu Đài Ven Sông...
Dự án tai tiếng Đại Ninh cũng liên quan vụ Vạn Thịnh Phát
Dự án Đại Ninh gần đây liên tục được nhắc tên không chỉ vì “đưa” hàng loạt cán bộ bị bắt tạm giam, điều tra, mà còn là dự án liên quan Trương Mỹ Lan, đại gia Nguyễn Cao Trí và Vạn Thịnh Phát.
Theo cáo trạng vụ Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí có thỏa thuận mua bán cổ phần tại CTCP Cao su công nghiệp, CTCP Du lịch Sài Gòn Đại Ninh và dự án Hải Hà.
Bên cạnh dó, Nguyễn Cao Trí cũng thỏa thuận bán 100% vốn cổ phần tại CTCP Du lịch Đại Ninh cho Trương Mỹ Lan với giá 3.000 tỷ đồng (dù Trí chỉ đứng tên 58% vốn cổ phần tại đây). Đối với cổ phần này, Trương Mỹ Lan đã đặt cọc 1 triệu USD và 127 tỷ đồng; hai bên thống nhất tiền cọc này chuyển sang việc chuyển nhượng 10% vốn điều lệ của CTCP Đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang.
Tất cả các khoản tiền chuyển/cọc liên quan đến các dự án trên đều không có giấy tờ biên nhận, nên đến tháng 1/2021 Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí gặp nau, thống nhất lại các khoản mà Lan đã chuyển cho Trí. Nguyễn Cao Trí xác nhận đã nhận của Lan hơn 1.000 tỷ đồng.
Vụ án Trương Mỹ Lan xảy ra, Nguyễn Cao Trí đã điều chỉnh các văn bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư, đồng thời đưa cái tên Hồ Quốc Minh ra “gánh”. Trong khi đó Hồ Quốc Minh – trung gian nhận/chuyển giữa Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí đã ra nước ngoài.
Tại cơ quan cảnh sát điều tra, Nguyễn Cao Trí đã không thừa nhận việc nhận 1.000 tỷ đồng từ Trương Mỹ Lan. Đây cũng là nguyên nhân khiến Trương Mỹ Lan đâm đơn kiện, đòi 1.000 tỷ đồng từ Nguyễn Cao Trí.
Sau hơn 1 tháng xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, Nguyễn Cao Trí đã nhận tội, “biện minh” rằng vụ Vạn Thịnh Phát bị khởi tố khiến ông hoang mang, lo lắng khi hệ thống của ông liên quan nhiều tới Trương Mỹ Lan, dẫn tới hành vi sai lầm.
>> Bị cáo Nguyễn Cao Trí khai việc ‘lật kèo’ 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan