Ông Trịnh Văn Quyết: Tài sản FLC có giá trị thực hàng tỷ USD, muốn bán 30% sở hữu để khắc phục hậu quả
Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cho biết, với thiệt hại hơn 700 tỷ đồng liên quan đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán, việc bán hãng hàng không cả đời tâm huyết là đủ để khắc phục hậu quả.
Ông Trịnh Văn Quyết thời điểm còn là lãnh đạo Tập đoàn FLC và Bamboo Airways |
Sáng ngày 25/7, phiên tòa xét xử vụ án ông Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm tại Tập đoàn FLC và các công ty liên quan với các tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra với phần luận tội.
Tuy nhiên đại diện Viện Kiểm sát yêu cầu quay lại phần xét hỏi cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC - ông Trịnh Văn Quyết liên quan đến phương án khắc phục hậu quả số tiền hơn 4.300 tỷ đồng để đánh giá các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.
Được biết, số tiền khắc phục đã được ông Trịnh Văn Quyết và gia đình nộp lại hiện tại là khoảng 240 tỷ đồng (tương đương 5% tổng thiệt hại của vụ án).
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát về kế hoạch khắc phục sắp tới, ông Quyết cho biết, kể từ khi bị khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 29/3/2022, với tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, bị cáo đã làm việc với cơ quan điều tra và biết được số tiền bồi thường là 700 tỷ đồng.
Bị cáo làm việc với luật sư và điều tra viên xin dùng tài sản, quyết định bán hãng hàng không tâm huyết cả đời xây dựng. Sau khi bán thu được 200 tỷ đồng chuyển vào tài khoản của cơ quan Cảnh sát điều tra. Số tiền còn lại là hơn 500 tỷ đồng. Bị cáo dự trù việc bán hãng hàng không đủ khắc phục hậu quả, ông Quyết cho biết.
Tuy nhiên, kể từ tháng 8/2022, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bị khởi tố thêm tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị truy tố hơn 3.000 tỷ đồng.
Khi biết được thông tin trên, ông Quyết mong muốn bán toàn bộ tài sản, đặc biệt là cổ phần tại Tập đoàn FLC. Ông Quyết ước tính, tài sản Tập đoàn FLC có giá trị thực có thể lên tới hàng tỷ USD, bán đi thu được hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi tỷ lệ sở hữu của ông Quyết là hơn 30%.
Nếu bán cổ phần FLC và tài sản đang bị phong tỏa, ông Quyết cho rằng sẽ đủ để khắc phục hậu quả của vụ án. Tuy nhiên, đề nghị bán cổ phần FLC trên chưa được xem xét.
“Bị cáo tìm mọi biện pháp, làm việc với ai đều mong muốn khắc phục hậu quả, luôn đau đáu để khắc phục”, ông Quyết nói.
Sau phần trả lời của ông Trịnh Văn Quyết, đại diện Viện kiểm sát cho biết sẽ xem xét. Phiên tòa tạm dừng và trở lại với phần luận tội vào chiều ngày mai (26/7).
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Người bị hại lên tiếng tại toà, mở ra hy vọng cho hơn 30.000 nhà đầu tư
Theo luật sư, thực tế chỉ tính riêng tài sản là cổ phiếu và tiền mặt tại các tài khoản chứng khoán đã bị phong toả, ông Quyết có hơn 13 tỷ đồng tiền mặt và 1,5 tỷ cổ phiếu các loại (FLC, ROS, ART, GAB, VNM...) với tổng giá trị tính theo giá đóng cửa tại thời điểm bị phong tỏa là khoảng 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, nếu được tạo điều kiện cho việc mở phong tỏa, thực hiện thanh lý tài sản sớm thì ngay cả trong trường hợp Hội đồng xét xử xác định hơn 3.600 tỷ đồng là tiền hưởng lợi không ngay tình, thì ông Quyết cũng đã có thể nộp toàn bộ vào ngân sách.
Tại phiên xét xử chiều ngày 23/7, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, trường hợp Hội đồng xét xử tuyên án phải khắc phục số tiền trên sẽ dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong toả để khắc phục hậu quả. Cựu lãnh đạo Tập đoàn FLC thông tin, số tài sản "đóng băng" ước tính gần 5.000 tỷ đồng. Đây là toàn bộ tài sản tích luỹ trong hơn 20 năm lập nghiệp.
"Bị cáo tha thiết mong được Hội đồng xét xử tạo điều kiện, gỡ tài sản đã phong toả trong 2 năm qua để khắc phục hậu quả", ông Quyết đặt vấn đề.
>> Cổ đông chạnh lòng kể chuyện 'đi lệnh' cổ phiếu ROS tại phiên tòa
Nhà đầu tư đề nghị ông Trịnh Văn Quyết mua lại cổ phiếu ROS
Vụ án Trịnh Văn Quyết: Một bị cáo phản cung, cáo buộc được giao 8-10 trang tài liệu để 'nghiên cứu'