Cổ đông chạnh lòng kể chuyện 'đi lệnh' cổ phiếu ROS tại phiên tòa
Ngày 24/7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết, ảnh Hiểu Phong |
Trong phiên tòa sáng ngày 24/7, Hội đồng xét xử dành nhiều thời gian cho các bị hại là hơn 30.400 nhà đầu tư từng mua cổ phiếu FLC Faros (ROS) và hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này.
Các ý kiến được đưa ra chủ yếu là yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại, đề xuất giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và tạo điều kiện đưa cổ phiếu ROS giao dịch trở lại.
Tại tòa, nhà đầu tư L.Q.H. (trú tại Thanh Xuân, TP. Hà Nội được triệu tập với tư cách là người có liên quan) cho biết, ông mua cổ phiếu ROS từ khoảng năm 2019-2020, mua dần để tăng khối lượng (hiện còn giữ 150.000 cổ phiếu).
Ông H. trình bày rằng những người đang nắm giữ cổ phiếu ROS hiện nay mới là những người chịu thiệt hại trực tiếp từ vụ án và đề nghị tòa xác định ông và những người tương tự là bị hại.
"Tôi mong ông Trịnh Văn Quyết khắc phục cho chúng tôi, những người không còn nhu cầu nắm giữ bằng cách mua lại cổ phiếu ROS", ông H. nói.
>> 'Mái tóc' của ông Trịnh Văn Quyết sau 28 tháng chờ xét xử
Cũng đến từ Hà Nội, ông V.X.H. cho biết đã mua cổ phiếu ROS từ năm 2018, 2019 (hiện còn sở hữu 1.300 cổ phiếu). Nhà đầu tư chia sẻ, khi mua vào, bản thân không hề quen biết ông Trịnh Văn Quyết.
Ông H. đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC để bị cáo sớm được về tiếp tục sản xuất kinh doanh để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư còn đang nắm giữ cổ phiếu.
Anh H. sống tại Hà Nội cho biết, cá nhân hiện còn 150.000 cổ phiếu ROS trong tài khoản. “Đây là số tiền lớn với gia đình tôi. Trong khi đó gia đình còn nhiều khó khăn, bố mẹ đều đang bệnh nặng cần tiền lo liệu", anh H. nói và mong muốn cổ phiếu ROS sớm được giao dịch trở lại để dòng tiền có thể lưu thông.
Nhà đầu tư L.N.N. (46 tuổi, tại TP. Đà Nẵng, được triệu tập đến phiên tòa cả với tư cách bị hại và người liên quan) cho biết, ông mua cổ phiếu của ROS từ năm 2017-2022. Thời điểm mua vào, cổ phiếu mã đang nằm trong rổ VN30 qua đó lấy được sự tin tưởng từ rất nhiều nhà đầu tư.
Vào lệnh từ năm 2017 với hơn 100.000 cổ phiếu lúc giá ROS khoảng 120.000 đồng, khi giá phi lên trên 200.000 đồng/cp, ông N. không vội bán. Thế nhưng khi ROS lao dốc, ông phải liên tục phải quân bình giá xuống. Theo đó, số cổ phiếu hiện nắm giữ đã lên tới 667.000 đơn vị.
Theo lời kể, cá nhân này đã rót khoảng 14 tỷ đồng vào danh mục cổ phiếu này, bằng cả tiền tích cóp dành dụm, cả tiền đi vay mượn. Sau khi ROS bị đình chỉ giao dịch rồi huỷ niêm yết, toàn bộ gia tài, tiền vay mượn bỗng chốc bị mắc kẹt khiến cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Ông Nông chỉ hy vọng Hội đồng xét xử xem xét đến những thiệt hại của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS ở thời điểm hiện tại.
Tại tòa, ông N. mong muốn được bồi thường thiệt hại cả về vật chất và tinh thần.
Một nhà đầu tư khác mong sớm được giải quyết hậu quả vụ án và cho rằng "cách dễ dàng nhất là để ông Trịnh Văn Quyết đứng lên giải quyết hậu quả". Ông Quyết có thể lấy tài sản của mình để sớm bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Mặt khác, vị cổ đông ROS cũng đề nghị tòa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Trịnh Văn Quyết.
Đến từ TP. HCM và hiện đang nắm giữ 200.000 cổ phiếu ROS, ông V.T.N. cho biết bắt đầu mua vào cổ phiếu từ năm 2022 (thời điểm thị trường chứng khoán lao dốc mạnh). Tại tòa, ông N. yêu cầu được bồi thường thiệt hại và kiến nghị hai cách giải quyết: "Thứ nhất, để bị cáo Trịnh Văn Quyết bồi thường cho các nhà đầu tư. Thứ hai, có thể xem xét để cổ phiếu ROS tiếp tục được niêm yết".
>> Ông Trịnh Văn Quyết muốn dùng gần 5.000 tỷ đồng tích cóp sau 20 năm để khắc phục hậu quả vụ án
Trước đó, trong phiên xét xử chiều ngày 23/7, một nhà đầu tư tên N. từ TP. HCM chia sẻ, hiện bản thân đang sở hữu hơn 1,3 triệu cổ phiếu ROS, mua ở vùng giá cao, với giá vốn nhiều tỷ đồng.
Anh này cũng tiết lộ, bạn bè và những người cùng nhóm với anh còn sở hữu nhiều hơn, có người bỏ vốn hàng chục tỷ đồng song tiền đã bị "treo" suốt hai năm nay.
Anh N. nhấn mạnh, chờ đợi được đền bù cho những người bị hại có thể sẽ còn quá lâu; hàng chục tỷ đồng bị mắc kẹt khiến anh mất ăn mất ngủ. Dù không quá trông vào số tiền khắc phục hậu quả đến được tay mình song vị cổ đông vẫn kỳ vọng cổ phiếu ROS sớm được giao dịch. "Đây là cách tốt nhất để dòng tiền quay trở lại", anh N. chia sẻ.
>> Vụ FLC Faros niêm yết trót lọt: 'Anh Trà' chỉ đạo 'không làm khó doanh nghiệp'
Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, Trịnh Văn Quyết đã dùng FLC Faros làm công cụ, chỉ đạo người có liên quan thực hiện hành vi gian dối, tăng khống vốn chủ sở hữu tại Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng. Sau đó, nhóm đối tượng đã thành công đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HoSE, bán hơn 391,15 triệu cổ phiếu ROS hình thành từ vốn góp khống cho 30.403 nhà đầu tư, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.
Một loạt hành vi thao túng giá sau đó đã qua mắt và được tiếp tay của cơ quan chức năng, cổ phiếu ROS tăng hàng nghìn % và vượt mốc 200.000 đồng/cp, thậm chí được hiện diện trong rổ cổ phiếu VN30.
Tại thời điểm bị hủy niêm yết ngày 5/9/2022, giá ROS còn 2.510 đồng/cp - giảm 98,85% so với đỉnh cao 21x đồng tại thời điểm nửa cuối năm 2017.
>> Vụ án Trịnh Văn Quyết: Một bị cáo phản cung, cáo buộc được giao 8-10 trang tài liệu để 'nghiên cứu'