Ông Trump giành chiến thắng bầu cử, Ukraine và NATO đối mặt ‘khủng hoảng lớn’
Với việc cựu Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng, các quốc gia NATO đang lo lắng họ có thể trông cậy như thế nào vào Mỹ, nước đứng đầu liên minh quân sự.
Tờ New York Times từng đưa tin vào năm 2019, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích NATO, và thảo luận về việc rút Mỹ khỏi liên minh quân sự khi ông còn đương nhiệm.
Các chuyên gia nhận định, ông Trump có lẽ sẽ không rút Mỹ khỏi NATO, nhưng những năm tới sẽ là thách thức đối với liên minh quân sự. Nguyên nhân một phần là nhiều quốc gia thành viên NATO chưa chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump, người vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5/11. Trong tương lai, sự tập trung sẽ dồn vào cách châu Âu xử lý vấn đề an ninh của mình trước sự hậu thuẫn không chắc chắn từ phía Mỹ, và ai sẽ chịu trách nhiệm tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
"Đây là một bất ngờ tồi tệ đối với hầu hết các chính phủ ở châu Âu. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu lo sợ, và họ không bao giờ che giấu điều đó. Họ lo sợ viễn cảnh ông Trump trở thành tổng thống lần thứ hai", cựu quan chức NATO Edward Hunter Christie nói với Newsweek.
Hồi tháng 2, ông Trump từng tuyên bố sẽ "khuyến khích" Nga tấn công bất kỳ quốc gia NATO nào mà ông cho là không thực hiện đủ cam kết tài chính với liên minh quân sự. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã lên án phát biểu của ông Trump là "khủng khiếp và mất kiểm soát".
Vào thời điểm đó, Tổng thư ký NATO là ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh bất kỳ tuyên bố nào cho rằng "các đồng minh sẽ không bảo vệ lẫn nhau đều sẽ làm suy yếu toàn bộ an ninh của khối".
"Tôi hy vọng bất kể ai thắng cử tổng thống, Mỹ vẫn sẽ vẫn là một đồng minh NATO mạnh mẽ và tận tụy", ông Stoltenberg cho biết.
Còn theo ông Christie, "ông Trump đã nhất quán giữ quan điểm trong nhiều thập kỷ qua các đồng minh của Mỹ là những kẻ ăn bám, và hưởng lợi từ sự bảo vệ của Mỹ. Do đó, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump bắt đầu yêu cầu châu Âu chi nhiều hơn cho quốc phòng là chuyện hợp lý”.
Các quốc gia thành viên NATO đặt mục tiêu chi tiêu quốc phòng là khoảng 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng nhiều quốc gia vẫn chưa đạt được ngưỡng này.
"Đây sẽ là một chặng đường gập ghềnh và đáng sợ khi nói tới các cam kết của Mỹ đối với quốc phòng châu Âu. Đây cũng sẽ là chặng đường gập ghềnh đối với sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine", ông Christie nói thêm.
Mới đây, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã nhấn mạnh châu Âu "cần khẩn trương chịu trách nhiệm nhiều hơn cho an ninh của mình". Warsaw cho biết sẽ chi 5% GDP cho quốc phòng vào năm 2025.
Liên quan tới xung đột Nga - Ukraine, ông Trump từng tuyên bố sẽ cắt viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, nếu ông tái đắc cử. Ông cũng nhiều lần cho biết sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ, sau khi ông quay trở lại Phòng Bầu dục.
"Cuộc khủng hoảng trước mắt ở châu Âu sẽ là làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ ngoại giao, quân sự, và nhân đạo cho Ukraine mà không có Mỹ", ông Ed Arnold tại Viện nghiên cứu Royal United Services (RUSI) ở Anh nhận định.
"Nếu ông Trump muốn đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột vào ngày đầu tiên ông nhậm chức tức là tuần thứ 3 của tháng 1/2025, người châu Âu cần tập hợp lại để tìm ra cách họ có thể xử lý vấn đề này", ông Arnold nói.
"Đây có thể sẽ là một dạng thử nghiệm đầu tiên về sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, điều này sẽ có tác động lan tỏa và tích tụ đối với NATO trong 4 năm tới", ông Arnold nói thêm.
"Hầu hết mọi người đều cho rằng, hoặc ít nhất là lo sợ về việc ông Trump có thể sẽ làm chậm lại và cuối cùng là dừng lại, hoặc giảm đáng kể khoản viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Điều này sẽ khiến châu Âu rơi vào tình huống gần như không thể, tương tự như những gì đã trải qua vào đầu năm nay khi các khoản viện trợ bị Quốc hội Mỹ chặn lại", ông Christie đánh giá.
Viện trợ quân sự của Mỹ là cực kỳ quan trọng đối với Ukraine. Do đó, các quốc gia châu Âu có thể sẽ phải vật lộn để tìm cách tiếp tục hỗ trợ cho Kiev mà không có Washington.
Theo bà Emma Salisbury tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược ở Anh, chính phủ các nước châu Âu đã nhiều lần không chuẩn bị và duy trì khả năng phòng thủ của họ trong 30 năm qua. "Bất kể tương lai của Mỹ trong NATO như thế nào, các quốc gia thành viên khác cần nghiêm túc thực hiện việc phòng thủ của chính họ. Đã có rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong nhiều thập kỷ để giải quyết các vấn đề, và đầu tư đúng mức vào an ninh của châu Âu", bà Salisbury nhấn mạnh.
Ông Arnold cũng đồng quan điểm, “tôi nghĩ họ rất lo lắng, nhưng họ thực sự chỉ có thể tự trách mình. Thời gian đang trôi qua".
>> Trung Quốc và EU có thể thiệt hại nhiều nhất sau khi ông Trump đắc cử