Ông Trump tố bà Harris 'né' phỏng vấn, dùng đám đông cử tri giả
Ông Trump cho rằng bà Harris đang né tránh các cuộc phỏng vấn không kịch bản, đồng thời cáo buộc Phó Tổng thống Mỹ "chỉnh sửa" hình ảnh về đám đông cử tri ủng hộ.
Theo RT, trong ngày 11/8, ứng viên Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đã có sự kiện vận động ở bang Montana. Tại đây, ông Trump đã chỉ trích bà Kamala Harris vì từ chối các cuộc phỏng vấn trực tiếp và "luôn lặp lại những tuyên bố hết lần này đến lần khác".
"Kể từ khi trở thành ứng viên Tổng thống Mỹ, bà Harris đã từ chối mọi cuộc phỏng vấn hoặc họp báo. Thay vào đó, bà ấy lặp đi lặp lại cùng một bài phát biểu ở mọi sự kiện. Mọi từ ngữ đều giống hệt nhau. Tôi không làm như vậy, tôi phải cho mọi người những sự khác biệt", ông Trump bình luận.
Đài Fox News cho biết, bà Harris chưa từng tham gia một cuộc phỏng vấn không kịch bản hoặc tổ chức họp báo kể từ khi trở thành ứng viên chính thức của Đảng Dân chủ. Thay vào đó, Phó Tổng thống Mỹ tổ chức các hoạt động vận động ở những bang chiến trường, và thường xuyên đọc bài phát biểu từ máy nhắc chữ.
"Mọi người đều không thích đọc nguyên văn những gì trên máy nhắc chữ. Thế còn gì là thú vị nữa", ông Trump nói với đám đông ở Montana.
Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ cũng tố bà Harris đã chỉnh sửa những bức ảnh về đám đông cử tri ủng hộ tại một sân bay ở Detroit, bang Michigan.
"Có vẻ bà Harris đã gian lận ở sân bay. Không có nhiều người đón chờ bà ấy, nhưng bức ảnh được đăng tải lại như thể có 10.000 người", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social.
Ngay lập tức, đội ngũ tranh cử của bà Harris đã phản bác bình luận của ông Trump, đồng thời đề cập đến việc cựu Tổng thống đã không tới các bang chiến trường trong hơn một tuần qua.
"Đây là một bức ảnh có thật, 15.000 người đã tới ủng hộ cho chiến dịch của bà Harris ở Michigan. Trong khi đó, ông Trump không đi vận động ở các bang quan trọng trong một tuần qua. Liệu ông ấy đã cạn năng lượng?", phía bà Harris đáp trả.
Theo CNN, nhiều hãng thông tấn của Mỹ cũng đã lên tiếng về cáo buộc của ông Trump. Những phóng viên tới đưa tin về sự kiện của bà Harris ở Michigan nói rằng đám đông cử tri là có thật.