PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Đa dạng hóa thị trường - Chìa khóa giúp Việt Nam giảm rủi ro từ chính sách bảo hộ của Mỹ
Việt Nam đứng trước nguy cơ trở thành mục tiêu mới của Mỹ khi thặng dư thương mại song phương chạm mốc kỷ lục năm 2024. Ngày 01/02/2025, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, châm ngòi cho thương chiến Mỹ - Trung 2.0, khiến rủi ro thương mại với Việt Nam gia tăng đáng kể.
Trong bối cảnh Mỹ gia tăng các rào cản thương mại, nguy cơ Việt Nam bị áp thuế hoặc điều tra chống lẩn tránh thuế ngày càng rõ rệt. Ngày 10/02, chính quyền Trump 2.0 dự kiến áp thuế 25% đối với toàn bộ sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ. Đồng thời, việc thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024 có thể khiến Washington gia tăng sức ép đối với Việt Nam. Đặc biệt, lịch sử thương mại Mỹ cho thấy, khi thâm hụt thương mại với một quốc gia vượt ngưỡng 50 tỷ USD, Mỹ thường xem xét điều chỉnh chính sách.
Với những diễn biến này, Việt Nam cần chủ động ứng phó để giảm thiểu rủi ro và bảo vệ tăng trưởng xuất khẩu. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, chuyên gia kinh tế và thương mại quốc tế, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU). Ông có nhiều năm nghiên cứu về chính sách bảo hộ của Mỹ và các biện pháp phòng vệ thương mại toàn cầu.

PV: Thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 123,5 tỷ USD vào năm 2024, đưa Việt Nam vào nhóm các đối tác có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong bối cảnh chính quyền Trump 2.0 theo đuổi chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết", ông đánh giá thế nào về nguy cơ Việt Nam trở thành mục tiêu của các biện pháp bảo hộ thương mại từ Hoa Kỳ? Việt Nam nên áp dụng những chiến lược gì để giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp này?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập và phát triển quan hệ thương mại song phương trong hơn ba thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực vào năm 2001. Trong suốt thời gian này, cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam, phản ánh mức độ bổ sung giữa hai nền kinh tế, cũng như sức hấp dẫn của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức 123,5 tỷ USD vào năm 2024, điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng cao trở thành đối tượng bị chính quyền Hoa Kỳ xem xét áp dụng các biện pháp điều chỉnh chính sách thương mại. Theo tiền lệ, chính phủ Mỹ thường tiến hành rà soát khi thâm hụt thương mại với một quốc gia vượt ngưỡng 50 tỷ USD. Do đó, trong nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump, khả năng Washington gia tăng sức ép đối với Việt Nam thông qua các công cụ bảo hộ như áp thuế bổ sung, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại hay gia tăng kiểm soát hàng rào kỹ thuật là điều không thể loại trừ.

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, quan hệ thương mại giữa hai nước diễn ra trong khuôn khổ các nguyên tắc thương mại quốc tế và hoàn toàn tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng như các thỏa thuận song phương. Việt Nam không có dấu hiệu thao túng thương mại hay vi phạm các quy định về cạnh tranh không lành mạnh. Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thâm hụt thương mại của Mỹ không chỉ nằm ở Việt Nam mà còn xuất phát từ chính sách xuất khẩu của Hoa Kỳ. Hiện nay, Mỹ hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, hàng hóa có giá trị gia tăng lớn sang Việt Nam, dù nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng này là rất cao. Nếu Mỹ mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, cán cân thương mại sẽ dần được điều chỉnh theo hướng cân bằng hơn.
Trong bối cảnh nguy cơ bị áp dụng biện pháp bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng, Việt Nam cần chủ động triển khai các chiến lược giảm thiểu rủi ro. Trước hết, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Việc mở rộng xuất khẩu sang các khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Đông Á, Trung Đông và các thị trường mới nổi sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực nếu Mỹ thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại. Việt Nam nên đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm từ 10 - 15%, thậm chí 20% trong năm 2025 thông qua chiến lược mở rộng thị trường.
Thứ hai, Việt Nam cần chuyển dịch từ thương mại thuần túy sang đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ (FDI). Việc thành lập các nhà máy sản xuất ngay tại Mỹ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến thuế quan mà còn tạo thêm việc làm cho người lao động Hoa Kỳ, giúp giảm áp lực từ các chính sách bảo hộ. Đây là chiến lược mà nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đã triển khai nhằm giảm thiểu tác động từ căng thẳng thương mại.
Thứ ba, Việt Nam có thể gia tăng nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đặc biệt là các mặt hàng có lợi cho quá trình công nghiệp hóa như máy bay, thiết bị năng lượng, khí hóa lỏng (LNG), linh kiện điện tử và các công nghệ tiên tiến khác. Việc tăng cường nhập khẩu từ Mỹ không chỉ giúp Việt Nam tiếp cận các sản phẩm công nghệ cao, mà còn góp phần điều chỉnh cán cân thương mại, từ đó giảm áp lực từ phía Hoa Kỳ.
Thứ tư, nếu Hoa Kỳ quyết định áp dụng mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, điều này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa hàng hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp xuất khẩu và chuỗi cung ứng trong nước. Một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ và điện tử có thể chịu tác động tiêu cực. Do đó, Việt Nam cần xây dựng phương án ứng phó linh hoạt, bao gồm điều chỉnh chiến lược sản xuất, tìm kiếm thị trường thay thế và tối ưu hóa chi phí sản xuất để duy trì lợi thế cạnh tranh.
Thứ năm, Việt Nam cần đẩy mạnh vận động chính sách với chính phủ Hoa Kỳ, thông qua hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng tại Mỹ và tranh thủ sự ủng hộ từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ có lợi ích gắn với hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường đối thoại song phương để tìm kiếm giải pháp cân bằng lợi ích thương mại, tránh tình trạng áp dụng các biện pháp bảo hộ gây thiệt hại cho cả hai bên.
Cuối cùng, để nâng cao sức chống chịu trước các biến động thương mại, Việt Nam cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, bao gồm chi phí logistics, năng lượng, quản lý chuỗi cung ứng và nguyên vật liệu. Việc nâng cao hiệu quả sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh sẽ giúp hàng hóa Việt Nam duy trì vị thế ngay cả khi đối mặt với các rào cản thương mại từ Hoa Kỳ.
PV: Trước việc Hoa Kỳ áp thuế 25% lên toàn bộ sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ ngày 04/03/2025, ông nhận định thế nào về khả năng các ngành khác như dệt may, gỗ và điện tử của Việt Nam sẽ phải đối mặt với các biện pháp tương tự? Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị ra sao để ứng phó với các rào cản thương mại ngày càng gia tăng?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc Hoa Kỳ áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu từ ngày 04/03/2025 hiện vẫn chỉ là kế hoạch dự kiến. Tôi không cho rằng chính quyền Mỹ sẽ ngay lập tức thực thi biện pháp này mà nhiều khả năng vẫn đang trong quá trình rà soát, cân nhắc và có thể sẽ loại trừ một số đối tác thương mại. Trước đó, chính quyền Mỹ từng dự định áp dụng mức thuế này vào tháng 2/2025 nhưng đã trì hoãn, cho thấy sự cẩn trọng trong chính sách thương mại của họ. Đây chính là khoảng thời gian quý báu để Việt Nam tận dụng, tiến hành các cuộc tham vấn với chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt thông qua các kênh chính thức như Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USTR), cũng như các hiệp hội doanh nghiệp.

Nếu trong kịch bản tiêu cực nhất, chính sách thuế này được áp dụng đồng loạt cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, điều quan trọng là cần đánh giá mức độ tác động thực tế đối với ngành thép và nhôm trong nước. Một số doanh nghiệp lớn như Hòa Phát hiện không xuất khẩu thép sang Hoa Kỳ, do đó mức độ ảnh hưởng sẽ không đồng đều giữa các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có xuất khẩu sang Mỹ cần xem xét lại cấu trúc chi phí, đặc biệt là các yếu tố như giá thành, chi phí vận hành, quản lý và cả những khoản chi phí phi chính thức, để có thể tối ưu hóa lợi nhuận và duy trì khả năng cạnh tranh trong điều kiện bị áp thuế.
Đối với các ngành khác như dệt may, đồ gỗ, điện tử và thủy sản – những lĩnh vực có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ, khả năng bị áp dụng các biện pháp tương tự vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào rủi ro từ thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng các chiến lược thích ứng dài hạn.
Một trong những giải pháp quan trọng là liên kết chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ thông qua hình thức liên doanh, đầu tư trực tiếp (FDI) hoặc thiết lập chuỗi cung ứng ngay tại thị trường Mỹ. Khi sản phẩm được sản xuất ngay trong lãnh thổ Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tránh được các biện pháp áp thuế và có thể tận dụng được chính sách ưu đãi nội địa. Việc hợp tác với các đối tác Mỹ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro từ các hàng rào thuế quan, mà còn tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là khi Hoa Kỳ có xu hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm nội địa.
Song song với đó, Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm sự phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ. Việc mở rộng sang châu Âu (EU), Đông Á, Trung Đông và các nền kinh tế mới nổi sẽ giúp các doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực nếu Hoa Kỳ thực hiện chính sách bảo hộ thương mại trên diện rộng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống phân phối linh hoạt, tìm kiếm đối tác chiến lược tại các khu vực khác để đảm bảo nguồn cầu ổn định ngay cả trong trường hợp xuất khẩu sang Mỹ gặp khó khăn.
Một yếu tố quan trọng khác là chiến lược định giá và quản lý rủi ro chi phí. Trong trường hợp bị áp thuế, doanh nghiệp cần có phương án dự phòng để điều chỉnh giá thành sao cho không tạo ra cú sốc đột ngột về giá, tránh ảnh hưởng đến sức cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Đặc biệt, khi đồng USD đang có xu hướng mạnh lên, đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng lợi thế về tỷ giá, giúp bù đắp một phần tác động tiêu cực từ thuế quan.
Ngoài ra, Chính phủ và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường vận động chính sách với chính quyền Hoa Kỳ nhằm giảm thiểu tác động từ các biện pháp bảo hộ thương mại. Việc thúc đẩy đối thoại thông qua các kênh chính thức, đề xuất cơ chế hợp tác kinh tế song phương hoặc tham gia sâu hơn vào các khuôn khổ thương mại đa phương sẽ giúp Việt Nam có thêm công cụ để bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp.
Dù nguy cơ bị áp thuế đối với ngành nhôm, thép và các ngành khác là có thể xảy ra, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động ứng phó bằng cách thúc đẩy liên doanh với doanh nghiệp Mỹ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tối ưu hóa chi phí sản xuất và vận động chính sách. Những biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ rào cản thương mại mà còn đảm bảo tính ổn định và phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
PV: Tính đến hết năm 2024, Việt Nam đã đối mặt với 273 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường, trong đó Hoa Kỳ chiếm gần 50%. Theo ông, chiến lược phòng vệ thương mại của Việt Nam có đang theo kịp thực tiễn toàn cầu hay chưa? Các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vừa bảo vệ thị trường xuất khẩu, vừa tránh rủi ro vi phạm quy tắc xuất xứ và chống lẩn tránh thuế?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Theo đánh giá của tôi, hệ thống pháp luật và thể chế phòng vệ thương mại của Việt Nam hiện nay đã đạt mức tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nếu so sánh với 25 năm trước, có thể thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc về nhận thức và năng lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thị trường Hoa Kỳ luôn được biết đến là một trong những thị trường có hệ thống pháp lý khắt khe nhất trong lĩnh vực thương mại quốc tế, với yêu cầu cao về tuân thủ quy tắc xuất xứ, chống trợ cấp và chống bán phá giá. Do đó, việc Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại tại Mỹ là điều có thể dự đoán trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là Việt Nam đã chủ động nâng cao năng lực ứng phó, đồng thời xây dựng được hệ thống cảnh báo sớm có hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện và phòng tránh rủi ro từ sớm.
Hiện nay, cơ chế phòng vệ thương mại của Việt Nam đã có những bước tiến lớn, từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đến việc triển khai các công cụ thực thi, bao gồm cơ chế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các biện pháp tự vệ. Đặc biệt, Quyết định số 814 về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng đã được áp dụng, giúp kiểm soát tốt hơn nguy cơ bị Mỹ và các đối tác thương mại khác cáo buộc gian lận thương mại hoặc lẩn tránh thuế quan.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống phòng vệ thương mại, cần tiếp tục tăng cường phổ biến thông tin và hướng dẫn chi tiết cho doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp có thị trường chủ lực tại Hoa Kỳ. Việc xây dựng các cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn tuân thủ và các biện pháp phòng vệ thương mại là rất cần thiết. Đồng thời, cần thiết lập đường dây hỗ trợ trực tiếp giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin kịp thời, chủ động nhận diện nguy cơ và có kế hoạch đối phó phù hợp.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức thương mại quốc tế, các hiệp hội ngành hàng và chính phủ các nước để duy trì cơ chế tham vấn thường xuyên. Khi có dấu hiệu bị điều tra hoặc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cần chủ động tham vấn với Hoa Kỳ và các đối tác thương mại trên nguyên tắc hợp tác và chia sẻ lợi ích, nhằm tìm ra giải pháp phù hợp trước khi vụ việc bị đưa lên cấp độ tranh chấp chính thức.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng một cách bất lợi cho Việt Nam, doanh nghiệp và chính phủ cần sẵn sàng sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp theo quy định của WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam tham gia. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi của mình trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nền kinh tế trước các rủi ro từ môi trường thương mại toàn cầu.
PV: Vào ngày 01/02/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 10% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông đánh giá thế nào về nguy cơ Việt Nam bị Hoa Kỳ coi là "quốc gia trung chuyển hàng hóa" để né thuế?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Tôi cho rằng nghi ngờ này hoàn toàn có cơ sở, bởi xét về cấu trúc thương mại, Việt Nam duy trì mức nhập siêu đáng kể từ Trung Quốc. Cụ thể, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt 205,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 61,2 tỷ USD và nhập khẩu 144 tỷ USD. Điều này dẫn đến mức thâm hụt thương mại lên tới 82,8 tỷ USD, tăng 33,45 tỷ USD so với năm 2023.
Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2024 đạt hơn 132 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu gần 119 tỷ USD và nhập khẩu khoảng 13 tỷ USD. Nhìn vào cán cân thương mại này, có thể thấy mức thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ thậm chí còn lớn hơn mức thâm hụt mà Việt Nam chịu từ Trung Quốc. Chính điều này có thể dẫn đến suy luận từ phía Hoa Kỳ rằng Việt Nam đóng vai trò như một "quốc gia trung chuyển", nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang Mỹ để né thuế.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Hoa Kỳ đã có hệ thống giám sát thương mại rất chặt chẽ và sở hữu đầy đủ các công cụ pháp lý để xử lý hành vi lẩn tránh thuế hoặc gian lận xuất xứ. Theo quy định hiện hành, nếu phát hiện trường hợp trung chuyển hàng hóa hoặc giả mạo xuất xứ nhằm né thuế phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ có thể áp dụng mức thuế trừng phạt lên đến 540% – một mức thuế đủ sức triệt tiêu lợi thế cạnh tranh của hàng hóa liên quan. Đây là rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhận diện rõ ràng và có phương án phòng ngừa phù hợp.
Để giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt, Việt Nam cần tăng cường minh bạch hóa quy trình sản xuất và đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa cao hơn trong hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, đảm bảo rằng sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam, với giá trị gia tăng nội địa đủ lớn để không bị xếp vào nhóm hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể khuyến khích đầu tư từ Trung Quốc theo hướng sản xuất ngay tại Việt Nam thay vì chỉ nhập khẩu linh kiện và nguyên liệu đầu vào. Việc này sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tăng giá trị sản xuất trong nước và giảm thiểu nguy cơ bị Mỹ áp đặt các biện pháp chống lẩn tránh thuế. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng đến các quy định về quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTAs), đặc biệt là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), để tận dụng lợi thế từ các thị trường phi Mỹ.
Trong trường hợp Mỹ quyết định áp dụng biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam do nghi ngờ trung chuyển từ Trung Quốc, Việt Nam cần có chiến lược ứng phó hợp lý. Trước tiên, cần chủ động tham vấn với phía Hoa Kỳ thông qua các kênh đối thoại song phương, cung cấp bằng chứng minh bạch về nguồn gốc hàng hóa và các biện pháp kiểm soát xuất xứ mà Việt Nam đang thực hiện. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, Việt Nam vẫn có thể đưa tranh chấp ra các cơ quan giải quyết theo quy định của WTO và các hiệp định thương mại song phương để đảm bảo tính công bằng.
Dù vậy, trong một số trường hợp nếu doanh nghiệp Việt Nam thực sự có sai sót hoặc chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng vệ, thì việc chịu thuế bổ sung từ phía Mỹ là điều khó tránh khỏi. Khi đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng quỹ dự phòng rủi ro để giảm thiểu tác động tiêu cực. Quan trọng hơn, Việt Nam cần duy trì nguyên tắc thương mại công bằng, tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế để tránh những rủi ro pháp lý không đáng có.
Nguy cơ bị Mỹ coi là "quốc gia trung chuyển" để né thuế là có thật, nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát rủi ro bằng cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đảm bảo minh bạch xuất xứ, thu hút đầu tư sản xuất thực chất và thiết lập các cơ chế đối thoại với phía Hoa Kỳ. Việc xây dựng một chiến lược thương mại công bằng, minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực quốc tế không chỉ giúp Việt Nam giảm thiểu rủi ro thương mại mà còn nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Hoa Kỳ đang thúc đẩy tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu (Global Supply Chain Restructuring - GSCR) nhằm giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Ông nhận định thế nào về cơ hội xuất khẩu của Việt Nam trong các ngành thủy sản, dệt may và gỗ? Việt Nam cần điều chỉnh chiến lược ra sao để đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng?
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Việc Hoa Kỳ tiến hành tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu chủ yếu nhằm mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam bị xem như một phần của Trung Quốc trong chiến lược này. Trên thực tế, Hoa Kỳ không coi Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực diện mà xem Việt Nam như một đối tác tiềm năng, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, điều này mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích ứng và nhanh chóng nắm bắt xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng. Việc Hoa Kỳ tái cấu trúc chuỗi cung ứng tạo ra cơ hội lớn cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, thép, nhôm, thậm chí là đất hiếm và chất bán dẫn trong tương lai. Việt Nam cần xây dựng một chiến lược bài bản nhằm điều chỉnh cơ cấu thương mại phù hợp với định hướng tái cấu trúc của Mỹ. Khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng này, Việt Nam không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu mà còn nâng cao vị thế trong mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Để hiện thực hóa cơ hội này, Việt Nam cần tập trung vào việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và cải thiện chất lượng lao động. Đồng thời, cần thiết lập cơ chế đối thoại, tham vấn với Hoa Kỳ để hiểu rõ nhu cầu và chiến lược của họ, từ đó định hướng hợp tác lâu dài.
Một trong những bước đi quan trọng là đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng sản xuất, cải thiện công nghệ và chuẩn hóa quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam có thể đề xuất với Mỹ nâng cấp Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) lên thành một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) hoặc một hiệp định về thương mại và đầu tư toàn diện hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác sâu hơn, từ sản xuất đến xuất khẩu, đồng thời thu hút các tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam nhằm xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.
Về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật, Hoa Kỳ đặt ra các yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng và tuân thủ các quy định thương mại. Do đó, Việt Nam cần có chiến lược để đáp ứng các tiêu chuẩn này, bao gồm việc xây dựng hệ thống kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu chặt chẽ, áp dụng công nghệ blockchain hoặc các giải pháp số hóa vào quản lý chuỗi cung ứng nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng truy xuất sản phẩm.
Ngoài ra, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội từ quá trình tái cấu trúc này để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững. Những ngành có tiềm năng lớn như năng lượng tái tạo, công nghiệp xanh, vật liệu sinh học hay chuyển đổi số cũng có thể là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu từ thị trường Mỹ.
Tóm lại, chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam vươn lên trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới thương mại toàn cầu. Để tận dụng cơ hội này, Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm, đảm bảo tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc và tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ nhằm xây dựng một quan hệ thương mại bền vững, có lợi cho cả hai bên.
Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc về các thách thức và cơ hội trong thương mại quốc tế. Những phân tích của ông sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm định hướng để ứng phó với chính sách bảo hộ của Mỹ và củng cố vị thế trên thị trường toàn cầu.