Kể từ năm 1992, đã có 4 vụ vượt ngục từ nhà tù này, nhưng tất cả kế hoạch đều phá sản.
Nhà tù là một dạng cơ sở vật chất quan trọng mà quốc gia nào cũng phải có. Để khắc phục tình trạng tù nhân bỏ trốn, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã tiến hành xây dựng những nhà giam vô cùng kiên cố, điển hình là nhà tù Vernon C. Bain Center của Mỹ nổi tiếng với tên gọi "địa ngục trần gian" do sự khắt khe trong việc quản lý các phạm nhân.
Neo đậu ở vùng nước nông ven khu công nghiệp South Bronx, Vernon C. Bain là một sà lan 5 tầng, có chiều dài bằng 2 sân bóng đá và có sức chứa 800 giường. Cấu trúc của nó được mô phỏng như một tàu chở hàng chất đầy container.
Với cấu trúc kiên cố, Vernon C. Bain trang bị đầy đủ trạm y tế, nhà thờ, thư viện pháp luật, phòng giải trí và thậm chí cả sân bóng rổ được bao bọc kín. Phạm nhân tại đây được giam giữ theo các mức độ an ninh từ trung bình đến tối đa, được phân bố trong 16 khu nhà và 100 buồng giam.
Bain Center là sà lan nhà tù duy nhất được thành phố New York quản lý và cũng là nhà tù nổi duy nhất và cuối cùng tại Mỹ. Kiến trúc này đã được Kỷ lục Guinness công nhận là sà lan nhà tù còn hoạt động lớn nhất thế giới vào năm 2014. Để duy trì hoạt động của nhà tù, thành phố New York phải thuê 317 nhân viên, với chi phí gần 24 triệu USD mỗi năm.
Nguồn gốc xây dựng sà lan nhà tù Bain Center bắt nguồn từ việc vào thập niên 1980, nhà tù trên đảo Rikers (nhà tù chính của thành phố New York) phải "chạy gần hết công suất" với 22.000 phạm nhân mỗi ngày do đại dịch ma túy. Chính quyền thành phố New York khi đó đã đưa ra kế hoạch khẩn cấp để xây dựng "nhà tù nổi" nhằm giải quyết vấn đề về số lượng phạm nhân đang gia tăng, đồng thời tránh việc gặp phản đối khi mở rộng nhà tù trên đất liền, đặc biệt là ở những khu vực có mật độ dân số cao.
Năm 1988, thành phố New York đã quyết định sử dụng lại hai con tàu trước đây được dùng chở binh lính Anh để làm hai nhà tù nổi đầu tiên (hai con tàu này đã được bán vào năm 1994). Tiếp theo đó, vào năm 1989, New York tiếp tục triển khai xây dựng sà lan tù Vernon C. Bain Center với kinh phí dự kiến là 125,7 triệu USD, dự án hoàn thành sau một năm.
Sau khi dự án gặp phải sự chậm trễ 18 tháng với chi phí phát sinh lên đến 35 triệu USD, chiếc sà lan nhà tù cuối cùng cũng đã được chuyển giao cho thành phố New York vào ngày 26/1/1992. Tên của sà lan được đặt theo tên của một quản giáo.
Trái với hình ảnh của một nhà tù được canh giữ chặt chẽ bởi quân đội, nơi này chỉ được quản lý bởi 3 binh sĩ. Tuy nhiên, sau gần 30 năm kể từ khi nhà tù đi vào hoạt động, không ghi nhận được bất kỳ trường hợp vượt ngục thành công nào. Thực tế, không phải tội phạm ở đây chưa bao giờ nghĩ đến việc vượt ngục. Theo ghi nhận của tạp chí Times, kể từ năm 1992, đã có 4 vụ vượt ngục từ nhà tù Vernon Bain, nhưng tất cả kế hoạch đều thất bại.
Với mạng lưới giám sát gồm hơn 1.000 camera và 14 thiết bị quan trắc, nhà tù được giám sát một cách toàn diện từ mọi góc độ, không có bất kỳ điểm mù nào. Chắc chắn rằng các phạm nhân đều hiểu rõ việc bỏ trốn từ nơi này là điều không thể.
Sau 3 thập kỉ hoạt động, Vernon C. Bain cuối cùng cũng đã đóng cửa vào cuối năm 2023. Phần lớn trong số 500 người còn bị giam trên tàu sẽ được chuyển đến đảo Rikers, tuy nhiên sau đó trại giam trên đảo cũng đóng cửa. Điều này là một phần của kế hoạch thay thế hệ thống trại cải huấn có nhiều vấn đề của New York bằng mạng lưới các nhà tù nhỏ hơn.